(VietNamNet) - Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá lạc quan cho biết, dư nợ quốc gia của Việt Nam tính đến hết năm 2005 sẽ chiếm 36% GDP.
Tại hội thảo "Đánh giá hiệu quả của chương trình Tín dụng hỗ trợ giảm nghèo (PRSC) ở Việt Nam" do Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 25 và 26/10, ông Tá đã cho biết, dư nợ quốc gia của Việt Nam tính đến hết năm 2005 sẽ chiếm 36% GDP (bao gồm cả dư nợ trái phiếu Chính phủ, công trái giáo dục). Trong đó, nợ nước ngoài của Chính phủ chủ yếu theo điều kiện ưu đãi. Dư nợ quốc gia khoảng 34% GDP, theo ông Tá là "Ở mức an toàn, đảm bảo an ninh tài chính hiện tại và trung hạn".
Vốn ODA tài trợ bằng tiền cho Việt Nam đang có xu hướng tăng lên. (Ảnh: Nguyên Vũ) |
Ông Tá cũng cho biết, trong khi tỷ lệ vốn ODA sử dụng trong cân đối ngân sách nhà nước có xu hướng giảm dần (thể hiện mức độ phát triển ngày một cao hơn của thị trường vốn trong nước và việc thực hiện các chính sách xã hội hoá trong đầu tư), thì vốn ODA tài trợ bằng tiền đang có xu hướng tăng lên.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, tỷ lệ tiết kiệm trong nước của Việt Nam năm nay cũng tăng lên mức 29,4% GDP (so với mức 26,8% GDP giai đoạn 1996-2000). Vốn đầu tư toàn xã hội năm 2005 đã đạt 1.123,6 nghìn tỷ đồng (chiếm 35,5% GDP). Trong đó, nguồn vốn trong nước chiếm 72%, vốn đầu tư từ ngân sách đạt 22,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Bội chi NSNN được kiểm soát chặt chẽ, ở mức dưới 5% GDP (dưới 3% GDP tính theo thông lệ quốc tế). Thanh toán kịp thời, đầy đủ các khoản nợ đến hạn trong nước, ngoài nước.
Việt Nam đang sử dụng tốt các khoản vay
Tại Hội thảo này, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết Việt Nam đã và đang sử dụng tốt các khoản vay theo PRSC. Ông cho biết: "Qua 4 chương trình tín dụng hỗ trợ giảm nghèo đã được thực hiện, tổng các khoản hỗ trợ tín dụng ưu đãi các nhà tài trợ dành cho Việt Nam đã có giá trị tương đương 550 triệu USD".
"Trong thời gian 5 năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ tăng trưởng 7,5 tới 8%, đồng thời chú trọng hơn nữa tốc độ và chất lượng của tăng trưởng. Vào năm 2010, số người nghèo theo chuẩn quốc tế sẽ được giảm xuống còn khoảng 12-13% và 99% các trẻ em sẽ nhập tiểu học đúng tuổi. Bên cạnh đó 100% phụ nữ dưới 40 tuổi sẽ được xoá mù; 95% dân cư thành thị và 75% dân cư nông thôn sẽ có đủ nước sạch để dùng. Thêm 8 triệu việc làm nữa được giải quyết và người nghèo sẽ được cung cấp kiến thức về pháp lý, tham gia hiệu quả hơn vào các dự án đầu tư công, các chương trình quốc gia xoá đói nghèo", ông Dũng nói.
Còn theo Phó Chủ tịch phụ trách Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng Thế giới, ông Danny Leipziger, "Việt Nam đã vượt lên là một trong những nước đi đầu trên thế giới trong việc sử dụng các khoản tín dụng hỗ trợ giảm nghèo như một công cụ hỗ trợ các chương trình cải cách. Ở Việt Nam, chương trình cải cách PRSC vượt ra ngoài các cải cách cơ cấu trong lĩnh vực thương mại, môi trường đầu tư và quản lý chi tiêu công, hướng tới các vấn đề đan xen khác như quản trị nhà nước, quản lý đất đai, tiếp cận thông tin".
PRSC là công cụ mới nhằm hỗ trợ các chiến lược tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo quốc gia. Cung cấp nguồn vốn trực tiếp cho ngân sách trên cơ sở hàng năm, các khoản tín dụng này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chương trình cải cách của Chính phủ Việt Nam. Bốn khoản tín dụng đầu tiên cho Việt Nam được thiết kế dựa trên một loạt các kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, trong đó có Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo (CPRGS). Kể từ khi được thiết lập cho đến nay, PRSC ở Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Canada, Đan Mạch, Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh, Cộng đồng chung châu Âu, Pháp, Ireland, Ngân hàng Hợp tác Phát triển Nhật Bản, Hà Lan, Tây Ban Nha và Thụy Điển. Các nhà đồng tài trợ này hiện đang đóng góp hơn nửa nguồn vốn được giải ngân thông qua PRSCs. Các nhà tài trợ khác cũng đang cân nhắc tham gia vào quá trình PRSC ở Việt Nam. |
-
Hồng Phúc