Thay vì bày bán hàng hiệu của Pháp, Ý, không ít trong số các “món hàng xa xỉ” trưng tại các cửa hàng "đồ hiệu" lại là hàng gia công, của các DN nhỏ lẻ tự sản xuất hoặc nhập khẩu từ bên ngoài nhưng không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đảo một vòng qua những phố trung tâm thời trang Hà Nội như Bà Triệu, Phố Huế, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Gà, Quán Thánh… dễ dàng tìm thấy những shop thời trang bán hàng mang thương hiệu ngoại cao cấp như Louis Vuitton, Hermes, Chanel, Gucci... Nhưng thay vì hàng chính hiệu của Pháp, Ý, thì không ít trong số các “món hàng xa xỉ” này đều là hàng gia công, của các DN nhỏ lẻ tự sản xuất hoặc nhập khẩu từ bên ngoài nhưng không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ.
(ảnh minh họa) |
Theo giới chuyên xài hàng “lướt”, chỉ cần bỏ ra 2 triệu đồng, một người có thể sở hữu chiếc điện thoại hiệu Vertu nhái, hoặc chỉ hơn 15 triệu đồng đã có thể ung dung “lướt” trên chiếc xe tay ga mẫu mã không khác là mấy so với Spacy hay SH 300i láng coóng, hoặc là 150.000 đồng cho chiếc túi nhái hàng hiệu… Điều này cho thấy thói quen sử dụng hàng giả, hàng nhái của nhiều người và đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phần cho việc hàng giả tràn lan không kiểm soát trên thị trường hiện nay.
Chị Vũ Thị Ngọc Lan, Giám đốc Công ty CP Thời trang Hanosimex kể, một năm tách từ Tổng Công ty Hanosimex là một năm bản thân chị và lãnh đạo công ty từng “ứa nước mắt bất lực” khi chứng kiến hàng giả Hanosimex bán đầy lề đường mà không làm gì được. Bởi khi biết báo quản lý thị trường với đầy đủ các thủ tục hành chính thì địa điểm kinh doanh nhái thương hiệu của công ty đã chuyển đi mất từ lúc nào. Do đó phát hiện hàng giả thì rất nhiều nhưng Hanosimex chưa tóm được ai để kiện cả. Doanh nghiệp đành tự lo bảo vệ bằng cách thay tem chống hàng giả, chuyển logo màu xanh sang màu cam nhưng ngay hôm sau các sạp hàng giả đã “update” y hệt.
Số liệu của Ban chỉ đạo 127 Trung ương và Cục Quản lý thị trường cũng cho thấy, trong năm 2008 đã kiểm tra xử lý 25.352 vụ với số tiền phạt trên 28 tỷ đồng, nhưng chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2009 con số này đã là 12.789 vụ vi phạm với số tiền phạt lên đến trên 26 tỷ đồng. Đáng chú ý, các vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái và kém chất lượng tập trung chủ yếu tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Đơn cử như mặt hàng rượu ngoại vốn nằm trong danh mục các mặt hàng được Nhà nước quản lý và cho thực hiện dán tem nhập khẩu hàng chục năm nay. Song theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường thì đây là một trong những mặt hàng bị làm giả nhiều nhất với số vụ phát hiện năm sau luôn cao hơn năm trước.
Một cán bộ đội quản lý thị trường số 1, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, tem nhập khẩu dán trên sản phẩm là một trong những đặc điểm giúp người tiêu dùng nhận biết nhanh và phần nào yên tâm khi mua hàng. Tuy nhiên, với việc sử dụng tem như hiện nay thì người tiêu dùng dù có “sành điệu” đến mấy cũng phải bó tay. Vì tại một số cửa hàng kinh doanh, tem được dán ngoài vỏ hộp và chỉ đến khi lực lượng quản lý thị trường phát hiện, các chủ cửa hàng mới chống chế với lý do đó là hàng… mẫu. Chưa kể, với mẫu tem in ấn trên chất liệu giấy như hiện nay, các đối tượng phạm pháp vẫn có thể làm giả hoặc quay vòng tem dễ dàng.
Để vừa tự bảo vệ thương hiệu của sản phẩm vừa bảo vệ sức khoẻ khách hàng, mới đây, Chivas Regal đã đưa vào sử dụng tem chống hàng giả dán lên sản phẩm của mình. Tem chống giả của Chivas được sản xuất theo công nghệ hiện đại dưới dạng tem vỡ, chống thấm nước và chống bóc đi dán lại, người tiêu dùng muốn kiểm tra chỉ cần bôi chút nước lên hai đầu tem, chữ Chivas sẽ mất đi. Sau khi nước khô, chữ Chivas sẽ hiện trở lại. Ngoài ra, có thể sử dụng bút dạ tô lên tem phần giữa tem hoặc chiếu tem dưới ánh đèn huỳnh quang, nhãn hiệu in chìm cũng nổi rõ. Với ưu điểm vượt trội là khó làm nhái và dễ kiểm tra, tem chống giả Chivas được xem là một trong những công cụ hữu hiệu để phòng chống nạn hàng giả, hàng nhái vốn đang hoành hành trên thị trường hiện nay, đặc biệt là vào các dịp mua sắm cuối năm.
Cách bảo vệ an toàn nhất cho người tiêu dùng là thay đổi nhận thức về chất lượng hàng hoá. |
Tuy nhiên, có lẽ cách bảo vệ an toàn nhất cho chính người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất chân chính vẫn là thay đổi nhận thức của người tiêu dùng Việt về chất lượng hàng hoá cùng sự sáng tạo trong việc bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp. Khi thị trường tràn lan hàng giả, sự kết hợp giữa các yếu tố tự bảo vệ mình của doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ làm giảm bớt và tránh được những rủi ro cũng như thiệt hại đáng tiếc, đặc biệt đối với sức khoẻ hoặc tính mạng người sử dụng.
-
A.V