Suốt mấy tháng qua, trụ sở của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) thường xuyên có những người đến nằng nặc xin gặp lãnh đạo tập đoàn này để... đòi nợ. Nhiều chủ nợ khác có công văn lên tận Thủ tướng để nhờ can thiệp. Có chủ doanh nghiệp phá sản vì Vinashin không trả nợ.
- Mua tàu nghìn tỷ, Vinashin chưa xét kỹ thị trường
- Quản trị quốc gia nhìn từ điều hành của Vinashin
- Thanh tra tập đoàn Vinashin
Đơn kêu cứu tới Thủ tướng
Cuối năm 2007, Chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình đã ký quyết định cho phép đầu tư dự án san lấp mặt bằng giai đoạn 1 của Khu kinh tế Hải Hà, dự kiến biến vùng đất giáp Móng Cái, Quảng Ninh thành một trung tâm kinh tế với các nhà máy đóng tàu, cán thép...
Tàu Hoa Sen 1.300 tỉ đồng của Vinashin đang bị đắp chiếu. (Ảnh: Vinashin)
Dự án này được giao cho Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Cái Lân, do ông Tô Nguyên làm Tổng Giám đốc, giữ vai trò chủ đầu tư với cơ cấu vốn 1.000 tỉ đồng. Công ty cổ phần kinh doanh khai thác hạ tầng Vinashin - Hạ Long (gọi tắt là Vinashin - Hạ Long) là đơn vị trúng thầu.
Theo thông cáo mới nhất của Ngân hàng quốc tế Credit Suisse - Chi nhánh Hong Kong, năm 2007 ngân hàng này đã cho Vinashin vay nguồn vốn 600 triệu USD. Ngày 16/1/2008, Chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình ký quyết định số 114/2008 điều chỉnh danh mục sử dụng vốn 600 triệu USD.
2 năm được đầu tư hơn 20.000 tỉ đồng Chính phủ đã dành 750 triệu USD vốn phát hành trái phiếu quốc tế cho Vinashin, 650 triệu USD cũng được Vinashin vay của ngân hàng Thụy Sĩ chi nhánh Hong Kong Credit Suisse. Như vậy, ít nhất trên 20.000 tỉ đồng đã được chuyển đến tay Vinashin trong vòng hai năm qua. Như trả lời Tuổi Trẻ về dự án FSO-5, ông Lê Lộc nói: “Nếu được giúp đỡ nữa chắc chắn chúng tôi sẽ vượt qua khó khăn”. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Đình Cung - viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Nhà nước không thể giúp mãi một tập đoàn. “Vì vậy một doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đang gặp khó như Vinashin cần công khai. Nhà nước cũng nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp công khai, minh bạch hóa hoạt động của mình. Các tập đoàn là sở hữu toàn dân nên các vấn đề của nó cũng không nên cho là bí mật” - ông Cung nói.
Theo đó sẽ dành cho dự án san lấp mặt bằng Khu kinh tế Hải Hà và làm đường công vụ Nhà máy đóng tàu Hải Hà 1.000 tỉ đồng theo quyết định về việc điều chỉnh danh mục dự án sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài 600 triệu USD của Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Cái Lân.
Theo ông Nguyễn Thanh Cảnh - Tổng giám đốc Vinashin - Hạ Long, lúc đó do có văn bản và được ông Tô Nguyên khẳng định sẽ không thiếu tiền nên ông đã quyết định thuê thêm 9 doanh nghiệp khác để tham gia san lấp 5.000ha khu kinh tế. Hơn 3.000 công nhân đã bắt tay vào việc, tuy nhiên sau khi xong việc đòi mãi không được trả nợ.
Trong đơn gửi Thủ tướng, ông Nguyễn Thanh Cảnh phải ngậm ngùi: “Chúng tôi đã bị đẩy đến chân tường, trước nguy cơ trở thành những người cùng khổ chỉ vì kiểu làm ăn của Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Cái Lân và Tập đoàn Vinashin".
Trong đơn gửi Thủ tướng, ông Cảnh nêu rõ, dù là một tập đoàn uy tín, nhưng thực tế 10 công ty tham gia dự án cho Vinashin đã phải gửi đến hàng trăm lần công văn đòi nợ, nhiều lần phải lặn lội về Hà Nội “phục kích” để gặp lãnh đạo Vinashin mới được thanh toán 36% giá trị công việc thực hiện.
Đến cuối tháng 10-2009, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Cảnh cho biết, Vinashin vẫn còn nợ ông và 9 doanh nghiệp ông thuê số tiền lên tới 124 tỉ đồng (tính cả tiền lãi do quá hạn hợp đồng nay đã gần 160 tỉ đồng).
Mặc dù Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu Vinashin giải quyết các khoản nợ với mười doanh nghiệp trong tháng 7-2009, nhưng “các lãnh đạo Vinashin chỉ hứa hẹn, không nói rõ bao giờ trả. Quá hạn tôi cố gọi điện nhưng cũng không ai chịu nghe máy” - ông Cảnh nói.
Do phải vay lãi suất ngân hàng năm 2008 với mức cao, Vinashin không trả nợ, theo ông Cảnh, nhiều doanh nghiệp đã phải bán nhà, trụ sở để trả nợ.
Đến tận trụ sở đòi nợ
Tại 172 Ngọc Khánh (Hà Nội), trụ sở của Vinashin, mấy tháng nay tập đoàn này thường xuyên phải tiếp những phái đoàn đến... đòi nợ. Nhóm ít thì 1-2 người, nhóm nhiều lên đến cả chục người. Đã có nhiều cảnh to tiếng xảy ra, thậm chí nhiều đoàn mời cả người thân là thương binh lên dọa nằm nghỉ ngay tại trụ sở Vinashin đến khi tập đoàn này chịu trả nợ.
Ngày 20/10, sau một ngày chờ đợi tại sảnh trụ sở Vinashin nhưng chưa được tiếp, chị Phạm Thị Thanh Tuyết - Giám đốc Công ty TNHH Thắng Tuyết (Hải Phòng) - nói: “Chúng tôi đã lên đây mấy chục lần, lần nào cũng được hẹn sáng tiếp rồi hoãn tới chiều, chiều lại báo hoãn đến hôm sau. Xin gặp lãnh đạo tập đoàn thì nhân viên bảo vệ không cho lên, lễ tân báo điện thoại sếp không liên lạc được".
Đoàn thương binh của Công ty TNHH Kiêm Dung (Hà Tĩnh) đến chờ đợi ở trụ sở Vinashin để đòi nợ. (Ảnh: Công Minh/Tuổi trẻ) |
Chị Tuyết cho biết, theo chủ trương đầu tư của Vinashin tại Khu công nghiệp Lai Vu (Hải Dương), công ty của chị đã cấp nhiều thiết bị xây dựng nhà xưởng cho công ty con của Vinashin là Công ty cổ phần xây dựng Vinashin, sau này trực tiếp là Công ty cổ phần xây dựng Vinashin số 3.
Từ năm 2008, Công ty Thắng Tuyết liên tiếp đòi tiền nhưng không hề nhận được hồi âm. Đến trụ sở công ty cũng không gặp, “phục kích” cả tháng không thấy giám đốc lên công ty, chị Tuyết phải lên tập đoàn đòi. Tập đoàn gọi giám đốc công ty con lên, nhưng cũng phải sau một năm đi lại ròng rã, đến tháng 7/2009, chị Tuyết mới đòi được 300 triệu trong tổng số 800 triệu đồng.
Trong nhiều đoàn đến Vinashin có “đoàn quân” của ông Cao Xuân Kiêm, đa số là thương binh. Chính ông Kiêm cũng là thương binh, nhưng vẫn phải lặn lội không ít lần từ Hà Tĩnh tới trụ sở Vinashin để đòi nợ. Theo ông Kiêm, Công ty TNHH xây dựng và thương mại Kiêm Dung của ông do trại thương binh số 4 của Hà Tĩnh lập ra, có nhiều anh em thương binh góp vốn.
Khi Vinashin có chủ trương đầu tư, trực tiếp là Công ty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu, bắt đầu thực hiện dự án nhà máy đóng tàu Nghi Sơn (Thanh Hóa), Công ty Kiêm Dung ký được hợp đồng san lấp mặt bằng.
"Chúng tôi không có nhiều tiền, phải gán sổ đỏ, vay mượn để làm cho Vinashin”. Thế nhưng sau khi hoàn thành dự án vào năm 2007, đến nay Vinashin vẫn nợ công ty 10 tỉ đồng. Hàng trăm lần lên đòi chủ đầu tư, hàng chục lần lên tập đoàn đòi không được. “Vinashin nói khủng hoảng, khó khăn chung nên không trả được nợ. Chúng tôi là công ty nhỏ, còn khó khăn hơn” - ông Kiêm giãi bày.
Địa phương cũng bức xúc
Chuyện nợ nần của Vinashin đã khiến ít nhất một UBND tỉnh phải đứng ra giải quyết, tìm cách giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp tỉnh mình. Đó là UBND tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 18/6/2009, tại cuộc họp giữa UBND tỉnh Quảng Ninh và lãnh đạo Vinashin về việc triển khai dự án Khu kinh tế Hải Hà, vấn đề “nóng” là Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Cái Lân thuộc Vinashin dây dưa nợ 150 tỉ đồng, đẩy hàng ngàn lao động và 10 doanh nghiệp ở Quảng Ninh vào cảnh lao đao.
Tại đây, theo ông Lê Lộc - Tổng Giám đốc đầu tư Vinashin, giải pháp tốt nhất hiện nay là các nhà thầu cần “tạo điều kiện” cho các đoàn của tập đoàn tiến hành thanh tra, kiểm tra lại dự án san lấp mặt bằng.
Ông Nguyễn Thanh Cảnh rất bức xúc trước cách đề xuất này: “Sau 17 tháng đòi nợ không thành, 14 lần gửi công văn tới lãnh đạo tập đoàn nhưng không được trả nợ, giờ tập đoàn đòi thanh tra một dự án đã nghiệm thu là vô lý, đây chỉ là ’thủ đoạn’ tiếp tục dây dưa nợ".
Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, một lãnh đạo cao nhất của tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh ủy đã yêu cầu UBND tỉnh vào cuộc. Vinashin đã công nhận nợ thì phải tính toán để trả nợ, không nên đưa thêm các thủ tục phiền hà. Nếu Vinashin tiếp tục dây dưa thì đưa vụ việc ra tòa.
-
Theo Cẩm Văn Kình - Tuổi Trẻ