- Liên quan đến việc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Vinashin mua tàu hàng nghìn tỷ đồng rồi "đắp chiếu", Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, trong khi tính toán đầu tư, có thể Vinashin chưa tính hết về thị trường, về quảng bá, về tâm lý, thói quen.
Xung quanh chủ trương đầu tư hệ thống giao thông đường bộ, đường biển, bên hành lang QH sáng 27/10, báo giới đã phỏng vấn Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng.
Con tàu hàng nghìn tỷ đồng của Vinashin (ảnh Vinashin).
Hạ tầng tốt, có khi tai nạn nhiều hơn
- Nhiều đại biểu băn khoăn về việc nên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đối với hệ thống giao thông, nhất là khi tuyến quốc lộ Hà Nội - TP.HCM đã quá tải nhiều năm. Nếu cứ đầu tư dàn trải như hiện nay, bao giờ chúng ta cải tiến được hệ thống giao thông xương sống của đất nước?
Bây giờ thì đầu tư có trọng tâm, trọng điểm là đúng. Nhưng với kết cấu hạ tầng, bức xúc của địa phương thì rất rộng, không chỉ là Quốc lộ 2, mà giao thông miền núi, giao thông đô thị. Vừa rồi kẹt xe cũng là giao thông đô thị. Rồi hệ thống đường cao tốc, đường ĐBSCL, vùng sâu, vùng xa.
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh: Nên phát động toàn quốc thi đua để đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng đường cao tốc từ Hà Nội đi TP.HCM rồi kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào và thu phí. Có như vậy mới tập trung dồn sức làm, trong mươi năm thì có tuyến đường cao tốc. Buổi sáng ăn điểm tâm ở Đà Nẵng, trưa là ăn cơm ở Hà Nội. Đi lại thuận tiện mới tạo khí thế công nghệ hóa, hiện đại hóa đất nước. Làm được như thế một năm cũng giúp 6.000-7.000 người tránh thiệt mạng trên Quốc lộ 1.
Trước sức ép lớn như vậy, trong khi thực lực của chúng ta cũng có hạn.
Nói thẳng ra, thời gian vừa rồi nếu đầu tư cho Quốc lộ 1 cũng là ưu tiên số một rồi, nhưng cũng phải san sẻ cho các mục tiêu như ở trên.
Gần đây nhất, đoạn Nam Định, trước là xung đột, kẹt xe, vừa rồi đã xong. Hay giờ đang mở rộng đoạn TP.HCM - Long An, Long An - Cần Thơ. Sắp tới là một loạt đường tránh trong thị xã, trong đô thị, tránh các trung tâm.
- Bộ GTVT có chủ trương đẩy nhanh tốc độ thực hiện các dự án này để tránh ùn tắc và giảm tai nạn?
Một phần vốn trái phiếu Chính phủ đang tập trung vào đây. Việc rất quan trọng là kêu gọi các nhà đầu tư làm BOT.
Thứ hai, phải quản lý được giao thông nữa. Cái đó theo tôi là quan trọng nhất.
Nhưng không quản lý được vận tải, không quản lý được an toàn giao thông, trong đó có cả ý thức của con người, thì hạ tầng tốt có khi tai nạn lại không giảm. Ví như quốc lộ 70, quốc lộ 2 vừa rồi. Chỗ đấy hạ tầng không phải là kém.
- Thưa Bộ trưởng, thực ra ta cũng có những bất cập ngay trong quy hoạch, chính sách của mình như cầu xong nhưng không có đường dẫn vào, đường xong lại không có cầu đi qua mà chuyện đó không phải là hiếm lắm?
Phần lớn dự án là đồng bộ. Cầu và đường là đồng bộ, bố trí vốn cùng dự án. Nhưng mà bắt đầu thực hiện thì có bất cập.
Ví dụ: cầu kỹ thuật phức tạp nhưng khi khởi động thì trên sông nước, vấn đề mặt bằng lại không phải là lớn, nên thực hiện thường đúng tiến độ. Đường thì cùng khởi công nhưng thường là chậm hơn cầu 2 năm. Hai năm ở đây là để giải phóng mặt bằng.
Chẳng hạn như cầu Thanh Trì. Đường và cầu khởi công cùng một lúc, cùng một dự án, cùng một chủ đầu tư, cùng một nhà thầu của nước ngoài. Vậy mà đường thì mãi 2 năm sau, khi cầu khởi động, mới triển khai được.
Cũng có loại thứ hai là cầu với đường thuộc hai nguồn dự án khác nhau. Ví dụ trên Quốc lộ 1 đường Cà Mau - Năm Căn, thì đường là nguồn dự án thuộc một nhà tài trợ, cầu thuộc một nhà tài trợ khác. Mà hai nguồn vốn ấy không phải lúc nào cũng đến cùng một lúc.
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng.
Ảnh V. Anh
Nói thật, bây giờ mình khai thác được nguồn vốn nào thì làm nguồn ấy, chứ đợi nguồn vốn kia thì nguồn vốn này nó trễ đi. Chứ còn quy hoạch thì đồng bộ.
Tình trạng thứ 3 là mặc dù cả đường và cầu đều có nguồn vốn nhưng trong quá trình thi công có sự yếu kém của quản lý, của nhà thầu, dẫn tới chậm tiến độ.
Chưa tính hết thị trường
- Lâu nay ta thường nói vận tải biển thì rất là rẻ. Tuy nhiên, vừa qua Vinashin bỏ hàng nghìn tỷ đồng mua một con tàu nhưng rồi để nằm đó, khách cũng không đi mà vận tải cũng hạn chế. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến sự việc này?
Đây là hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp. Đúng là có hiện tượng mua tàu để một là làm du lịch, hai là vận chuyển ôtô bằng đường biển.
Ngoài vấn đề thất thoát lớn do tham nhũng thì tình trạng lãng phí của chúng ta cũng xảy ra ghê gớm. Tập đoàn Vinashin mua một con tàu trên 1.000 tỷ đồng để chở khách du lịch từ TP.HCM đi Quảng Ninh, không nhiều người đi, chưa chạy được bao nhiêu đã hỏng, nay lại chuẩn bị mua tiếp chiếc nữa. Việt Nam có mấy ai đi du lịch trên biển đâu, họ đi máy bay, tàu hỏa tiện hơn nhiều nhưng chúng ta vẫn mua cho nên rất lãng phí.
Phải nói là, tất cả giao thông của mình hiện nay đang gây sức ép quá lớn cho đường bộ, trong khi mình có thể tận dụng khai thác hệ thống đường sông và đường biển. Đấy là ý đồ mà doanh nghiệp họ suy nghĩ, họ tính là cần thiết.
Tuy nhiên, trong khi tính đấy thì có thể họ chưa tính hết về thị trường, về mặt quảng bá, về mặt tâm lý, thói quen. Cũng như thói quen của mình, ra đường là cứ phải xe gắn máy, không chịu đi bộ trong phạm vi ngắn, chưa có thói quen tham gia giao thông công cộng...
Cái này là chuyện doanh nghiệp phải làm. Anh phải tính tất cả các yếu tố về thị trường, về tâm lý, về điều kiện tự nhiên khác.
Chẳng hạn, bờ biển thì rất thuận lợi nhưng thời tiết thì phải tính. Ở Việt Nam có khi chỉ đi được mấy tháng thôi, còn bão, còn sóng... Phải tính hết tất cả các yếu tố ấy.
Nói chung, hành trình Nam - Bắc của mình chủ yếu vẫn là đường bộ, rồi máy bay. Người dân chưa có thói quen đi bằng tàu biển. Do vậy, phải có thời gian hình thành, quảng bá dịch vụ để hành khách tiếp cận dần.
Tôi cho rằng, suy nghĩ của doanh nghiệp theo hướng như vậy có phần đúng của họ, song khi đi vào chi tiết quản lý của một doanh nghiệp để đầu tư thì cần tiếp tục tính toán về các yếu tố trên.
- Nhưng chắc chắn khi mở đường vận tải đó, Vinashin cũng sẽ hỏi ý kiến cơ quan chức năng. Quan điểm của Bộ GTVT về quy hoạch vận tải biển như thế nào?
Cái này là quyền đầu tư, tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Nó không nằm trong dự án quản lý mà Nhà nước phải quyết định, mà là do Hội đồng quản trị của Vinashin thẩm định.
-
V.Anh - H.Yên - C.Nhật