Mức độ phát triển quá nóng của kinh tế Trung Quốc (TQ) mấy năm gần đây đã khiến cho kinh tế nước này lâm vào tình trạng cung vượt quá cầu. Đây là nguy cơ tiềm ẩn có khả năng sẽ đánh tụt tăng trưởng kinh tế trong những năm tới, và nhiều công ty nước ngoài lo ngại về một cuộc khủng hoảng tiềm tàng trong tương lai gần và từng bước chuyển hướng đầu tư. Việt Nam đang nổi lên thành một địa chỉ thay thế hấp dẫn.
Nguyên nhân tụt giảm nguồn FDI
Việt Nam đang là địa chỉ thay thế Trung Quốc về đầu tư nước ngoài. Ảnh: phân xưởng lắp ráp xe của Toyota tại Việt Nam. |
Theo đánh giá của chuyên gia phân tích Jim Walker thuộc Ngân hàng đầu tư CLSA (Mỹ), mức tăng trưởng kinh tế TQ sẽ hạ xuống còn 5% năm 2006 và 3% năm 2007, do các biện pháp kìm hãm của nhà nước và tác động của khủng hoảng thừa.
Lý do Walker đưa ra nhận xét này là chi phí sản xuất cao, lợi nhuận thấp, thị trường cạnh tranh quá khốc liệt. Tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới năm nay xếp hạng mức độ cạnh tranh của TQ đứng thứ 57/16 nuớc. “Thời mà TQ được coi là thiên đường đầu tư đã qua”, chuyên gia nghiên cứu kinh tế hàng đầu thế giới, giáo sư Đại học Harvard, Michael Porter nhận định.
TQ vẫn là địa chỉ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn hơn Ấn Độ hay bất kỳ một nước đang phát triển nào – khoảng 5 tỷ USD/tháng trong mấy năm gần đây, nhưng con số này chắc chắn sẽ giảm trong vài năm tới khi vốn FDI vào một số nước khác sẽ tăng.
Andy Xie, giám đốc điều hành chi nhánh công ty tư vấn Morgan Stanley tại Hong Kong cho rằng, nguyên nhân chính của chính sách đầu tư quá nóng là do chính sách đồng nhân dân tệ yếu của TQ đã kích thích sản xuất để xuất khẩu và thoả mãn thị trường trong nước. Đầu tư quá nhanh để tăng năng lực sản xuất trong khi sức mua trong nước yếu có thể sẽ đẩy nền kinh tế tới tình trạng mất khả năng điều tiết.
Sức mua thấp là nguyên nhân quan trọng khiến cho nhiều công ty khu thu được lợi nhuận ở thị trường TQ. Giá nguyên liệu đầu vào cao, khả năng tiêu thụ thấp, giá nhân công tăng khiến cho mức độ lợi nhuận của các công ty nước ngoài vào TQ giảm xuống gần như bằng không. Mấy tháng nay, lo ngại lợi nhuận thấp khiến cho chỉ số chứng khoán tại thị trường Hang Seng của nhiều nhà đầu tư Hong Kong có cơ sở tại TQ giảm.
Các ngành mũi nhọn đang chết đứng
Nhà sản xuất xe máy lớn của Đài Loan, Kymco có các dây chuyền lắp ráp tại Indonesia và TQ, đang có ý định mở thêm một nhà máy ở Việt Nam, trong khi đối thủ của họ, tập đoàn San Yang đang để mắt tới Indonesia. Một báo cáo của Cơ quan nghiên cứu kinh tế Chung Hua (Đài Loan) cho biết trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 8.2005, đầu tư của Đài Loan vào đại lục đã giảm 18% so với con số của cùng kỳ năm ngoái là 3,59 tỷ USD.
Lĩnh vực dệt may cũng chịu nhiều tác động tiêu cực. Công ty Makalot Industrial của Đài Loan và các đối tác đã nhận được số lượng đơn đặt hàng tăng gấp đôi khi hạn ngạch dệt may trong WTO bị dỡ bỏ, nhưng tới nay, họ đang bị đe doạ bởi các vụ kiện bán phá giá của Mỹ và EU nhắm vào TQ.
Ngành công nghiệp ôtô có thể coi là dẫn chứng sinh động về tình trạng đầu tư quá mức vào TQ. Ước tính mỗi năm nước này có khả năng sản xuất tới 8 triệu xe, nhưng trên thực tế chỉ bán được chưa đầy 5 triệu xe. Nếu chính phủ không có biện pháp can thiệp kịp thời, năng lực sản xuất ôtô của TQ tới năm 2010 có khả năng sẽ lên tới 20 triệu chiếc/năm. Điều này chắc chắn sẽ làm bùng nổ một cuộc chiến giá cả, cơ hội tuyệt vời cho người tiêu dùng nhưng là thảm hoạ đối với nhà sản xuất: giá ôtô chỉ còn dưới 5.000 USD/chiếc.
Ngành công nghiệp thép được coi là thước đo sự phát triển của một nền kinh tế. Đó có lẽ cũng là nguyên nhân khiến cho cách đây gần 50 năm, TQ đã đầu tư ồ ạt để phát triển ngành công nghiệp này trong chiến lược Đại nhảy vọt, khiến cho cung vượt quá cầu và đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng tồi tệ. Sự phát triển quá mức của kinh tế TQ gần đây cũng làm cho nhiều người liên tưởng tới cuộc khủng hoảng này, nhưng theo chiều ngược lại, tức là khủng hoảng thừa.
Cơ hội cho Việt Nam
Hầu hết kế hoạch mở rộng của các tập đoàn lớn đã bị hoãn lại và nhiều công ty cũng bắt đầu quay gót, chuyển hướng đầu tư sang các nước lân cận có giá thành sản xuất thấp hơn. Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc áp dụng chiến lược “TQ + Ấn Độ”, tìm cơ hội kinh doanh ở cả hai cường quốc đang phát triển. Đối với Nhật Bản, chiến lược của họ là “TQ + 1”, nghĩa là phân tán bớt cơ sở từ TQ sang một nước khác.
Việt Nam với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đạt gần 8/năm, một nửa trong số 80 triệu dân ở độ tuổi dưới 30 có mặt bằng kiến thức tương đối cao và hăng say lao động, mặc dù chỉ với mức lương 40-50 USD/tháng. Ước tính đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm nay sẽ đạt khoảng 5,4 tỷ USD. Đó là những con số mới được Ngân hàng CLSA công bố hôm 1.11.2005 vừa rồi, một con số mà ngay cả Ấn Độ cũng phải ghen tỵ.
Các nhà phân tích đánh giá cao việc Việt Nam hiện nay có khả năng cạnh tranh lại cả với TQ tại các thị trường chủ lực của cả hai nước, trong những lĩnh vực tương đối giống nhau như dệt may, giày dép. Điều này khiến cho nhiều tập đoàn lớn rút lui khỏi TQ đã tìm đường tới Việt Nam. “Nhiều công ty Nhật cho rằng, Việt Nam sẽ là mục tiêu thu hút FDI sắp tới của Nhật Bản”, Đại sứ Nhật tại Hà Nội, Norio Hattori phát biểu.
Một trong các chỉ số làm nổi bật sức hấp dẫn của Việt Nam là luồng đầu tư từ Đài Loan – nơi các nhà kinh doanh đặt ưu tiên hàng đầu cho việc thu lãi nhanh và giá thành đầu vào thấp – bắt đầu tăng mạnh mẽ. “Tại TQ, công nhân chỉ làm việc 5 ngày một tuần, còn ở Việt Nam là 6 ngày. 52 ngày trong một năm, con số này cũng đủ nói lên sự khác biệt giữa hai nước”, ông Albert Ting, chủ tịch tập đoàn CX Technology nói.
Đối với các tập đoàn Nhật Bản, Việt Nam được lựa chọn trước hết là lý do ổn định chính trị. Thực tế, các công ty Nhật đã chuyển hướng khỏi TQ sang Việt Nam từ cách đây hai năm sau khi hai nước quyết định bỏ dỡ một số hàng rào hạn chế đầu tư và cấp visa miễn phí cho các nhà kinh doanh Nhật sang Việt Nam. Sự chuyển hướng này là biểu thị của chiến lược “TQ + 1” hiện đang trở nên phổ biến ở Tokyo.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế thế giới, không riêng gì những công ty của Đài Loan và Nhật Bản đang nhắm Việt Nam là điểm đến kế tiếp, mà các tập đoàn của Mỹ và châu Âu cũng đang nhòm ngó Việt Nam với một con mắt khác xa trước đây rất nhiều! Trước những khó khăn trên đang xảy ra tại Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam là những lựa chọn hàng đầu của họ khi muốn chuyển hướng đầu tư.
(Theo Sài Gòn tiếp thị, Newsweek)