Lâu nay, người tiêu dùng luôn tin vào chất lượng hàng hoá tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, cũng chính từ việc tận dụng ưu thế có "tem siêu thị", các cơ sở kinh doanh đã "lập lờ đánh lận con đen", còn người tiêu dùng thì mất tiền thật, mua hàng kém chất lượng!
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hàng "rởm" đeo mác hàng "xịn"
Theo những thông tin mang tính khẳng định "độc quyền" trên mạng thì một số nhãn hiệu chỉ được bán tại một địa chỉ duy nhất như: Hãng Gucci được phân phối bởi công ty Milano Việt Nam. Trong các điều khoản sau đó, Gucci chỉ cho phép bán hàng của hãng tại tầng trệt khách sạn Sheraton TP.HCM; Mỹ phẩm Lancôme (một sản phẩm L’Oreal) chỉ được thừa nhận bán ở địa chỉ duy nhất tại Hà Nội là Parkson (Tây Sơn); Louis Vuitton chỉ cho phép bán hàng chính hãng tại khách sạn Metropole... Thế nhưng tại những Trung tâm thương mại như Tràng Tiền Plaza, Vincom... những mặt hàng này không khó tìm.
ông Đỗ Gia Phan - Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho biết: "Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã kiểm tra và phát hiện một loạt siêu thị bán hàng hết "date", hàng kém chất lượng, hàng lậu. Nhiều mặt hàng Trung Quốc lại được dán tem những thương hiệu nổi tiếng. Điều đáng nói một số siêu thị liên tiếp tái diễn vi phạm như siêu thị BigC, Fivimart, đặc biệt trong vấn đề không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm".
Ảnh minh hoạ. |
Khi được hỏi về hàng "rởm" được gắn mắc hàng "xịn" được tuồn vào siêu thị , ông Trịnh Văn Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho biết: "Thực tế có chuyện đó. Hàng điện lạnh bị làm nhái, làm giả qua đường nhập lậu trên thị trường Hà Nội được bán công khai. Hàng nhập lậu về từ Trung Quốc giá chỉ bằng một nửa hàng thật. Cũng có cá biệt những siêu thị dán nhãn các hãng nổi tiếng như Panasonic, LG, Nikko, Toshiba, Samsung..., bán trà trộn với hàng thật. Hình thức, mẫu mã các loại hàng nhái, hàng giả không khác gì so với hàng thật".
Những "chiêu" quay vòng hàng
Anh N.V.D- nhân viên quản lý tại siêu thị P.C.P "bật mí" cho biết những "chiêu" quay hàng trong siêu thị rằng: Tại một số siêu thị, nhiều mặt hàng bị "lập lờ" nguồn gốc, xuất xứ. Mặc dù có những công ty chuyên phân phối nhưng trong quá trình vận chuyện hàng đến địa chỉ khách hàng lại "có vấn đề". Ngay cả khi khách hàng đã chọn lựa chiếc tủ lạnh, ti vi ưng ý tại siêu thị, song trong quá trình vận chuyển có thể xảy ra tình trạng... tráo đồ. Chuyện trà trộn hàng giả núp bóng giấy tờ thật cũng đang diễn ra. Thậm chí có những trường hợp xuất trình đầy đủ giấy tờ, nhưng thực chất đó lại là hàng hiệu rởm. Không chỉ tráo đồ khi vận chuyển, nhiều nhân viên bán hàng còn sử dụng nhiều "mánh", moi tiền của khách hàng.
Anh T.M.Q (Láng Thượng, HN) phản ánh: "Hôm 26/9, được biết, nhân dịp Đại lễ 1.000 Thăng Long - Hà Nội, Siêu thị điện máy Pico Plaza giảm giá, anh Q. hí hửng "vác" tiền đi mua ti vi. Sau một hồi lựa chọn, anh Q. chọn mua chiếc TCL loại 24 inh với giá 5.000.000 đồng (giá khuyến mại còn 3.900.000 đồng). Sau một hồi được nhân viên bán hàng tư vấn, anh Q. mua thêm một bộ giá treo ti vi có giá 400.000 đồng và được nhân viên siêu thị hứa sẽ có người giao hàng đến tận nhà lắp đặt miễn phí cho gia đình. Sau hơn 3 tiếng chờ đợi, cuối cùng hàng đã được giao đến tận tay "thượng đế”.
Trái ngược với sự hồ hởi của nhân viên bán hàng, người giao hàng lại thể hiện thái độ cau có, khó chịu. Vừa mang hàng đến địa chỉ, người thanh niên có tên Vũ Văn Vui xổ ra một tràng với "khổ chủ" về việc mua chiếc giá treo không phù hợp với tivi, làm cho người giao hàng gặp khó khăn trong quá trình lắp đặt. Sau đó, cậu này còn trách sao không nói với cậu ta để cậu mua giá bên ngoài vừa rẻ vừa phù hợp hơn.
Không chấp nhận, anh Q. cất công mang chiếc giá treo ra siêu thị mong được đổi. Nhưng tại đây, chính nhân viên đã giới thiệu chiếc tivi cho anh bật mí: "Giá có thể lắp được với nhiều loại tivi, đây là kiểu làm hàng của nhân viên giao hàng mà thôi". Anh nhân viên này cũng bật mí, đã rất nhiều lần khách hàng của anh cũng gặp trường hợp tương tự và chấp nhận bỏ tiền ra cho người giao hàng mua cái khác...
Khó xử lý
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vĩnh Phú cho biết, mức xử phạt vi phạm đối với các siêu thị, trung tâm thương mại hiện nay còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên dẫn tới tình trạng tiếp tục tái phạm. Theo quy định, hàng hóa muốn vào được siêu thị phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phải được kiểm tra kỹ trước khi nhập kho. Tuy nhiên, nhiều siêu thị vẫn "lập lờ đánh lận con đen", kinh doanh hàng hóa kém chất lượng và khi bị phát hiện lại đổ lỗi cho nhà sản xuất, cung cấp hàng hóa".
Ông Đỗ Gia Phan cũng cho biết thêm: "Nhiều năm qua, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và đã xử lý nhiều trường hợp siêu thị bán hàng kém chất lượng. Điều đáng nói, nhiều trường hợp khách hàng có kiện đến quản lý thị trường thì cũng không thể xác định đó là hàng giả hay hàng thật vì không thể liên lạc được với chính hãng ở nước ngoài để xác định xem đó có phải hàng giả không, buộc phải đưa vào những khung xử lý nhẹ hơn như hàng lậu (không có hóa đơn chứng từ -PV) hoặc hàng kém chất lượng".
(Theo ĐSPL)