- Cùng chịu một tác động như nhau bởi tỷ giá ngoại tệ nhưng thị trường gas tại TP.HCM và Hà Nội lại đang có diễn biến gần như trái chiều. Trong lúc các doanh nghiệp kinh doanh gas phía Nam đồng loạt tăng giá thì doanh nghiệp phía Bắc vẫn nhìn nhau suy tính.
Các doanh nghiệp kinh doanh gas tại TP.HCM đang đồng loạt tính chuyện tăng giá giữa chừng - Ảnh: VNN |
Đơn vị “phất cờ” tăng giá gas đầu tiên tại TP.HCM như thường lệ là tên tuổi Sài Gòn Petro. Theo đó, đại diện doanh nghiệp này cho biết, từ ngày 19/8, giá gas sẽ tăng 4.000 đồng/bình 12kg, tương ứng với mức tăng 400 đồng của giá USD hiện nay.
Nương theo động thái của “người anh cả” trên, một loạt tên tuổi khác như Gia đình gas, VT gas, Đại Việt Vinagas... cũng đã kịp thông báo sẽ áp dụng giá mới với mức và thời điểm tương tự. Theo đó bình gas 12kg tại khu vực phía Nam sẽ có giá dao động trong khoảng 246-250.000 đồng/bình.
Duy chỉ có diện Elf gas Sài Gòn – ông Trần Mạnh Tâm cho đến chiều 18/8 vẫn cho biết hãng chưa có tính toán, quyết định có tăng giá trong đợt này hay không, bởi việc tăng giá gas theo tỷ giá đôla cần phải được xem xét kỹ và nhìn dài hạn, tổng thể, chứ không thể thay đổi theo ngày được.
Sự băn khoăn, căn cơ đó cũng là động thái chung của hầu hết doanh nghiệp gas lớn phía Bắc.
Lãnh đạo gas Petrolimex trao đổi với VietNamNet cho biết, với lượng gas tiêu thụ lên tới 11.000 tấn/tháng thì việc tỷ giá đôla biến động tăng 200-300 đồng, “thiệt hại” cho doanh nghiệp hiện đã vào khoảng 2 tỷ đồng.
Tuy nhiên tuỳ theo thị trường (phía Bắc hay phía Nam) mà hãng sẽ đưa ra các quyết định phù hợp. Nhưng vị này cũng nghiêng về chiều hướng hiện cũng chỉ còn chục ngày nữa là hết tháng 8 nên doanh nghiệp có thể “chia sẻ”, chưa chắc đã tăng giá ngay.
Đại diện Petro Việt Nam Gas cũng cho biết việc điều chỉnh giá hiện tại phải tính toán và xem xét nhiều yếu tố từ thị trường, đến chiều hướng của giá thế giới. Hãng chưa có quyết định cụ thể.
Điều đáng nói là, theo giới kinh doanh gas, nguồn cung gas từ các nhà máy cung cấp lớn nội địa như Dinh Cố, Dung Quất hiện đã chiếm gần 60% tỷ trọng nguồn cung trên thị trường. Nhưng bất cập ở chỗ giá gas trong nước bán ra cũng được tính bằng đôla.
Do đó, dù doanh nghiệp nhập gas ở nước ngoài về hay từ trong nước, việc chịu tác động từ biến động tỷ giá ngoại tệ này là không nhỏ.
Lý giải sự “trái chiều” trong quyết định tăng giá giữa các doanh nghiệp gas phía Nam với phía Bắc lúc này, một đại diện doanh nghiệp cho biết đó bắt nguồn từ sự khác biệt của thị trường.
Tại phía Nam, các doanh nghiệp gas thường dễ dàng “thống nhất”, “bị chi phối”, “thoả hiệp” theo quyết định của một doanh nghiệp chiếm thị trường mạnh nhất, còn ở ngoài Bắc sự cạnh tranh giữa các thương hiệu rất gay gắt nên các hãng thường giữ được sự độc lập ở mức tương đối.
Một lý do khác là các doanh nghiệp ngành gas nói chung từ đầu năm nay đang chịu giảm lợi nhuận, thậm chí chịu lỗ để chạy đua nâng cấp cơ sở hạ tầng, các điều kiện khác để được trụ lại và nâng cao khả năng cạnh tranh theo các chỉ tiêu của Nghị định 107 của Chính phủ về kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng.
“Để gây ảnh hưởng của mình trên thị trường, thực hiện Nghị định 107, từ đầu năm đến nay các doanh nghiệp gas từ nhỏ đến lớn đua nhau hạ giá, tăng cường dịch vụ để lôi kéo khách hàng. Vì thế các hãng đều chịu những khó khăn nhất định nên tất yếu đợt này, một hãng điều chỉnh lên thì các hãng khác “vỗ tay” lên hết” – đại diện này phân tích.
-
Nguyễn Nga