- Trái với hi vọng của EVN, tính đến 21/6, lũ tiểu mãn vẫn không về khiến nguồn cung ứng điện ngày càng vô cùng căng thẳng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tại cuộc họp báo hôm 1/6, ông Đặng Hoàng An, Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hứa hẹn, có khả năng sau 20/6, tình hình thủy văn được cải thiện thì việc sản xuất và cung ứng điện sẽ dần trở lại bình thường.
Tuy nhiên, thực tế thời tiết diễn ra đã không được như mong đợi. Bà Nguyễn Lan Châu, Phó GĐ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương chia sẻ với VietNamNet: “Cơn mưa đêm ngày 20/6 kéo dài đến 7h sáng ngày hôm qua, 21/6 không đủ cải thiện tình hình thủy văn tại hồ thủy điện phía Bắc.”
An ninh cung ứng điện đang ở mức báo động khi thủy điện bị cạn kiệt (ảnh: theo congthuong) |
Vào sáng 21/6, lưu lượng nước về hồ thủy điện Hòa Bình lên được mức cao nhất là 1.800m3/s, hồ Thác Bà, Tuyên Quang khoảng 600m3/s, nhưng đến chiều, lưu lượng nước về hồ lại giảm.
Mực nước hồ Hòa Bình hiện chỉ nhỉnh hơn 81m, cách mực nước chết khoảng 1,5m và mức phát điện hồ Tuyên Quang, Thác Bà cũng chỉ còn cách mực nước chết vài chục cm.
Theo EVN, nguồn thủy điện chiếm tới 34,2% nguồn cung ứng điện cả nước, mua mưa có thể phát 130 triệu kWh/ngày (nếu hoạt động 20h/ngày), mùa kiệt có thể phát 65- 68 triệu kWh/ngày, tương đương 10-12 tiếng/ngày.
Nhưng hạn hạn đã khiến cho, nguồn điện quan trọng này chỉ còn có thể huy động ở mức 40-45 triệu kWh/ngày, thấp hơn mức khống chế ban đầu của EVN là 5 triệu kWh/ngày.
Riêng thủy điện Hòa Bình, chiếm tới 12% sản lượng điện cả nước thì nay, phải hoạt động cầm cự theo kiểu, nước về đến đâu thì phát điện tới đó. Sản lượng điện phát được của nhà máy này thấp hơn gần 1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Lan Châu bày tỏ, nếu các nhà máy thủy điện hoạt động tiếp tục 6- 7 tiếng/ngày hiện nay thì cũng chỉ trong 2 ngày nữa, các hồ sẽ về mực nước chết. Điều này sẽ vô cùng nguy hiểm cho hệ thống thiết bị thủy điện.
Một bất lợi khác là, tình hình thủy văn của Việt Nam hiện lại phụ thuộc vào các họat động nhà máy thủy điện của Trung Quốc ở phía thượng nguồn.
Đại diện Ban kinh doanh, EVN cho hay, nếu có mưa diện rộng ở thượng nguồn, phía Trung Quốc có gần chục cái đập thủy điện, cũng sẽ tích nước và phải chờ khi họ tích nước xong, xả đập thì may ra, nước mới về các hồ thủy điện của Việt Nam.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng đánh giá, chính việc điều tiết, vận hành các nhà máy thủy điện thượng nguồn của Trung Quốc làm trầm trọng hơn mức độ cạn kiệt, thiếu nước trên phần lưu vực phía Việt Nam, làm cho dòng chảy về Việt Nam xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Để khắc phục tình trạng thiếu điện, EVN đã đàm phán với Trung Quốc mua 2 triệu kWh/ngày, nhưng chỉ như muối bỏ bể với nhu cầu điện hiện nay. Nguồn nhiệt điện mới vẫn không được cải thiện tốt, như Quảng Ninh, Hải Phòng vẫn chưa vận hành trở lại.
Do đó, sau 21/6, tình hình cung ứng điện còn căng thẳng hơn bao giờ hết.
Đại diện Ban Kinh doanh, Tổng công ty điện lực Miền Bắc cho biết, trên thực tế, mức phân bổ cho đơn vị này đã chỉ còn chưa đến 48 triệu kWh/ngày, thiếu 17 triệu kWh/ngày, mất cân đối tới 26%. Ở nhiều tỉnh phía Bắc, điện cho sinh hoạt, nông thôn tiết giảm rất sâu, tới trên 60%.
Bộ Công Thương cũng đang phải tính toán, xem xét lại hướng tiết giảm điện và có thể tới đây, nhóm khách hàng doanh nghiệp công nghiệp sẽ phải tăng cường mức chia sẻ thiếu điện nhiều hơn.
Bà Nguyễn Lan Châu cho rằng, đầu tháng 7/2010, nếu lũ tiểu mãn về thì may ra, tình hình mới cải thiện. Cụ thể hơn, nghĩa là sẽ phải có mưa 3 ngày liền, lưu lượng nước về hồ Hòa Bình phải đạt tới 5000- 6000m3/s thì mới có thể coi là lũ tiểu mãn.
Theo dự báo hiện nay, còn một cơn mưa sẽ xuất hiện vào ngày 27/6 tới, nhưng cũng là cơn mưa nhỏ, không đủ hình thành lũ tiểu mãn.
-
Phạm Huyền