- Với các nhà kinh doanh máy phát điện, thời tiết càng nắng nóng và cắt điện càng nhiều lại trở thành cơ hội “làm ăn” hấp dẫn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hoa mắt vì giá cả …
“Mùa” mất điện lại kèm theo nắng nóng đến cháy da, cháy thịt trong tuần qua đã khiến cho, máy phát điện trở thành hàng “hot” nhất của nhiều trung tâm thiết bị điện máy hiện nay.
Mới đầu hè, giá cả của mặt hàng này đã bắt đầu nhảy múa. Theo ghi nhận của PV VietNamNet, tham khảo giá máy phát điện trên cùng dãy phố Trường Chinh, Hà Nội cho thấy, giá cả chênh nhau đến khó tin.
3 ngày, cửa hàng này đã bán hết veo máy phát điện (ảnh: Phạm Huyền) |
Tại cửa hàng Vũ Hưởng, ở đầu đường Trường Chính, máy phát điện Domiya của Trung Quốc công suất 1,5KVA có giá tới 3,2 triệu đồng. Nhưng của hàng Hưng Phong, gần Ngã Tư Sở, loại máy này chỉ có giá 2,9 triệu đồng.
Tại cửa hàng Quang Tuyến, 332 Trường Chinh, máy phát điện của Honda lắp ráp trong nước, công suất 2,5KVA có giá hơn 8 triệu đồng, nếu là hàng nhập ngoại chính hãng, giá lên tới 22 triệu đồng.
Nhưng đi tiếp tới số 612 Trường Chính, cửa hàng Hưng Phong thì được biết, giá loại máy này chỉ 13 triệu đồng. Chủ cửa hàng này khẳng định, đây là hàng Honda nhập chính hiệu và “không có chuyện khuyến mại” vì đang thiếu hàng.
Trong khi đó, tại đại lý của công ty Thiên Hòa An, giá cho loại máy Honda nhập ngoại công suất tương đương là 17-18 triệu đồng/chiếc.
Cũng như nhiều ngành hàng khác, giá máy phát điện sản xuất trong nước bao giờ cũng rẻ hơn 30% so với hàng ngoại. Đặc biệt, hàng Trung Quốc còn có mức giá rẻ bất ngờ, tới 70-80% so với hàng của Nhật.
Có xuất xứ Trung Quốc, máy phát điện Jiufa, 2,5KVA chỉ có giá 4,3 triệu đồng, máy Jialiboss, 3,5KW có giá 4,5 triệu đồng…Máy Domiya, 2,5KVA có giá 4,8 triệu đồng. Máy phát điện liên doanh, sản xuất tại Việt Nam, động cơ Nhật như hiệu Saika cũng rất thông dụng. Giá chỉ từ 3-7 triệu đồng/chiếc.
Anh Quốc Trường, Trợ lý giám đốc Công ty Thiên Hòa An, là công ty bán buôn máy phát điện và có thâm niên tới 15 năm trong lĩnh vực này, nói: “Giá cả các nơi chênh nhau là…dễ hiểu. Chúng tôi vẫn giữ nguyên giá như năm 2009. Tuy nhiên, khi các đại lý tại các tỉnh nhập về, sẽ đưa ra nhiều mức giá cao hơn, và khi đã qua 3-4 kênh phân phối nên giá có thể sẽ bị đẩy cao hơn. ” Anh lưu ý, ngoài công suất, dung tích bình xăng lớn thì giá máy cũng sẽ cao hơn.
Anh Hưng Phong, chủ trung tâm điện máy Hưng Phong khẳng định: “Mùa mất điện, giá bán lẻ đã tăng đến 25% so với năm ngoái. Riêng phần lãi của các nhà thương mại, đã tăng gấp đôi trong từng sản phẩm so với năm ngoái rồi”.
Cháy máy phát điện “hàng hiệu”
Cho đến thời điểm này, các chuyên gia bán hàng tại các trung tâm điện máy đều than thở, hiện nay, các đại lý đều đang không nhập được hàng “chất lượng tốt”, sản xuất trong nước hoặc nhập của Nhật Bản.
Trong khi, máy phát điện Trung Quốc vẫn dư thừa bày bán.
Chi hàng triệu đồng để đối phó với cắt điện là xu hướng phổ biến hiện nay (ảnh: Phạm Huyền) |
“Ngày nào cũng có hàng chục khách tới hỏi mua, xong, chúng tôi không còn chiếc máy phát điện Honda nào để bán. Trong khi, hàng Trung Quốc thì bán chậm”, anh Tuyến ngán ngẩm nói.
Anh cho hay: “Đã 3-4 lần rồi, họ cứ hẹn là mai có hàng nhưng rồi lại không có. Mai, (10/5), họ cũng hẹn chúng tôi sẽ chuyển hàng nhưng, chúng tôi cũng không chắc chắn là lấy được hàng không. Mà thực tế, kinh doanh mặt hàng này cũng chỉ có một mùa thiếu điện này thôi”.
Một đại lý của công ty Thiên Hòa An cho biết, nghe tin thiếu điện, đại lý này đã nhanh chóng “ôm” tới 300 máy phát điện nhưng rồi, đã bán hết veo trong đúng 1 tháng qua. Giờ, gọi điện hỏi công ty Thiên Hòa An thì chỉ nhận được lời khất hẹn.
Xác nhận điều này, anh Quốc Trường chia sẻ: “Cuối năm 2009, cho là không thiếu điện, nên chúng tôi đặt hàng ở Nhật Bản với số lượng vừa phải. Dự kiến nhu cầu chỉ tăng 17-18%. Hơn nữa, năm 2009, mặt hàng này bán rất chậm nên tồn đọng khá nhiều”.
“Ai ngờ đến thời điểm, lại công bố thiếu điện nặng. Nhiều đại lý ở Thanh Hóa, Nghệ An ra đây trực tiếp giao dịch nhưng chúng tôi cũng không còn hàng để bán buôn cho các tỉnh.”, anh Trường nói.
Hiện, Công ty Thiên Hòa An cũng chỉ còn một lượng nhỏ để cung ứng cho phân khúc bán lẻ. Nếu nhập hàng từ Nhật Bản, thì phải tới tháng 6, hàng mới về cảng.
Theo thông tin từ chuyên gia thị trường này, ngay tại các công ty lắp ráp máy phát điện trong nước như công ty Hữu Toàn, Thăng Long, Hòa Bình giờ cũng không còn hàng trong kho. Muốn nhập động cơ, linh kiện về, các công ty lắp ráp này cũng sẽ phải chờ 3 tháng.
Trong bối cảnh này, máy phát điện Trung Quốc, giá rẻ có thể sẽ lấn chiếm thị phần. Chỉ riêng năm 2009, đã có khoảng 42.000 chiếc máy phát điện từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam.
Tuy nhiên, phân tích tâm lý người tiêu dùng, anh Đàm Mạnh Thắng, công ty Artwork, đường Lạc Long Quân, Hà Nội, nói, bên cạnh máy phát điện Trung Quốc, khá nhiều gia đình lại chọn loại thương hiệu bình dân như Saiko, cũng là của Nhật nhưng sản xuất tại Việt Nam, giá cả phải chăng hơn, 3,5- 4,8 triệu đồng/chiếc.
Chuyên gia bán hàng này tư vấn thêm, người dân nên mua máy phát điện dân dụng công suất từ 2,5 - 3 KVA sẽ tiện ích hơn vì có thể bật điều hòa, tủ lạnh, tivi. Nếu mua máy công suất 1KVA, giá rẻ nhưng không hữu dụng, chỉ có thể chạy quạt và bật chiếu sáng.
Theo ước tính, chi phí khấu hao máy, chi phí nhiên liệu thì giá điện “tự phát” này vào khoảng 2.000- 5.000 đồng/kWh. Và tiếng ồn lớn là đặc tính buộc phải chấp nhận dù là máy phát điện “xịn”.
-
Phạm Huyền