- Hạn hán đã khiến hệ thống điện “hụt” mất 500 triệu kWh thủy điện và có thể mất cân đối từ 2-5% sản lượng điện trong tháng 4/2010.
Tình trạng khó khăn này vừa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức thông báo hôm 8/4.
Thủy điện phải hoạt động "chừng mực" vì thiếu nước (ảnh: theo Chinhphu.vn)
Cho tới thời điểm này, EVN khẳng định, cân đối cung - cầu điện trong tháng 4/2010 và các tháng còn lại của mùa khô sẽ rất khó khăn, không loại trừ trường hợp xấu nhất có thể xảy ra là hệ thống điện quốc gia bị mất cân đối sản lượng từ 2-5%. Dự kiến, tháng 4, phụ tải trung bình đạt 285 triệu kWh.
Lý giải về khó khăn trên, EVN cho biết, lượng nước về các hồ thủy điện rất ít, các nhà máy thủy điện không đủ nước sản xuất đầy tải cả ngày. Một số nhà máy mới, vừa tích nước từ năm 2009 đến nay mới qua mực nước chết, chưa đủ nước để chạy nghiệm thu 72 giờ như thủy điện Cửa Đạt, Bản Vẽ.
Tính đến 31/3, mức nước hầu hết hồ thuỷ điện thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2009: Hoà Bình thấp hơn 1,28m, Thác Bà thấp hơn 3,93m, Tuyên Quang thấp hơn 12,98m, Hàm Thuận thấp hơn 3,94m, Đại Ninh thấp hơn 7,86m ...
Tổng lượng nước thiếu hụt trên tương đương với 500 triệu kWh điện. Và điều đáng lo ngại nhất là tình trạng khô kiệt trên vẫn không được “cải thiện” hơn trong các tháng mùa khô tiếp theo (4-6).
Cập nhật thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho thấy, El Nino tiếp tục hoạt động đến tháng 5 năm nay. Nền nhiệt độ toàn quốc sẽ cao hơn trung bình nhiều năm.
Trong khi đó, lượng mưa lại tiếp tục thấp hơn trung bình nhiều năm, dòng chảy trên các sông ở Bắc Bộ tiếp tục ở mức rất thấp và thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 30-50%.
Không chỉ ở miền Bắc, tình hình khô hạn, thiếu nước sẽ tiếp tục xảy ra và lan rộng ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ.
Do đó, từ nay đến hết mùa khô, để tránh mực nước các hồ sụt giảm và về mực nước chết quá nhanh trước mùa lũ, ảnh hưởng tới thiết bị và công trình đầu mối, EVN buộc phải khống chế sản lượng của thủy điện.
20 nhà máy thủy điện lớn trong hệ thống với tổng công suất 6.200MW sẽ chỉ được phép cung cấp sản lượng không quá 50 triệu kWh/ngày, EVN cho biết.
Điều này tương đương với việc các nhà máy thủy điện chỉ vận hành đầy tải 8h/ngày, thấp hơn nhiều so với năng lực và thấp hơn nhiều so với các năm trước đây.
Cụ thể, Nhà máy thủy điện Tuyên Quang (342 MW) khống chế sản lượng không quá 400.000 kWh/ngày. Thủy điện Sông Ba Hạ (220 MW) không chế sản lượng khoảng 270.000 kWh/ngày.
Đồng thời với sản xuất điện, các nhà máy thủy điện (Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Sông Ba Hạ, Hàm Thuận - Đa Mi - Đa Nhim, v.v...) vẫn tiếp tục điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn, cung cấp nước sinh hoạt, giao thông thủy dưới hạ du theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT.
Hôm 5/4, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 424 về tăng cường các biện pháp đảm bảo cung cấp điện mùa khô 2010.
Theo đó, EVN sẽ rút ngắn tiến độ sửa chữa, huy động tối đa các nguồn điện của EVN và mua ngoài, kể cả các nguồn chạy dầu FO, DO có giá thành rất cao đến 4000 - 5000 đ/kWh, cố gắng tăng lượng điện nhập khẩu, tiếp tục trưng dụng các tổ máy nhiệt điện Sơn Động, Cẩm Phả, Quảng Ninh 1, Hải Phòng 1, đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải ở mức tối đa có thể.
Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng kêu gọi cộng đồng xã hội chia sẻ và tích cực thực hiện tiết kiệm điện, góp phần giảm sức ép mất cân đối cung cầu điện trong các tháng cuối mùa khô.
Ngày 9/4, lãnh đạo Tập đoàn EVN sẽ có cuộc họp với báo chí để giải đáp các vấn đề về thiếu điện trong mùa khô năm 2010.
-
Phạm Huyền