221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1251200
Thiếu cơ chế cho nhiên liệu sạch
0
Article
null
Thiếu cơ chế cho nhiên liệu sạch
,
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí do khí thải từ phương tiện quá hạn, và đang dần chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sạch như LPG (khí hóa lỏng) và CNG (khí nén tự nhiên) với những lợi ích và ưu thế vượt trội so với những nhiên liệu cũ như than đá, xăng dầu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đây là một ứng dụng hết sức mới mẻ và tiềm năng.
 
Phóng viên đã có buổi trò chuyện với ông Trần Việt Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam xung quanh vấn đề này.
 
- Trên thế giới, gas trung tâm và autogas đã được ứng dụng như thế nào? Xin ông cho biết tình hình sử dụng gas trung tâm cũng như autogas tại Việt Nam hiện nay?

- Ông Trần Việt Tuấn: Đối với các nước đang phát triển, ô nhiễm môi trường đang là một trong các vấn đề bức xúc gây nhiều tranh cãi. Việc tìm ra nguồn nhiên liệu mới thay thế cho nhiên liệu truyền thống đang gây ô nhiễm có tính chất quyết định tới vấn đề cải thiện và làm sạch môi trường. Trong đó, LPG/CNG ứng dụng trong hệ thống cấp gas trung tâm và autogas được xem là giải pháp ưu việt nhất do tính phù hợp và có tác động tích cực tới môi trường.

Mô tả ảnh.
Xe chạy gas là giải pháp nhiên liệu sạch trong tương lai.

Theo LPG World, trong năm 2007, cả thế giới tiêu thụ 230 triệu tấn LPG. Lượng LPG dùng cho tiêu dùng dân dụng và giao thông vận tải đứng hàng đầu chiếm tổng số khoảng 55,4%. LPG/CNG ứng dụng trong cấp gas trung tâm và autogas nhiều nhất ở các nước như Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Anh, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan…
 
Ở Việt Nam, gas trung tâm bắt đầu được biết đến và đi vào sử dụng từ năm 2003. Khu đô thị mới Trung Hoà, Nhân Chính - Hà Nội là khu đô thị đầu tiên của Việt Nam triển khai sử dụng công nghệ cấp gas trung tâm do Công ty Tân An Bình phối hợp với các chuyên gia Đức thiết kế, lắp đặt và vận hành.

Khi triển khai, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn ban đầu, do người dân đã quen sử dụng gas bình nhỏ lẻ, nảy sinh tâm lý e ngại về sự thay đổi, mức độ an toàn, giá cả…

Mô tả ảnh.
Ông Trần Việt Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam.
Tuy nhiên, sau 6 năm sử dụng, hệ thống cấp gas trung tâm chưa để xảy ra bất cứ một sự cố nào. Sau khi khảo sát, tham khảo lấy ý kiến khách hàng, chúng tôi nhận được sự phản hồi rất tốt về sự tiện nghi, giá cả, mức độ an toàn cũng như chất lượng sử dụng.
 
Điểm mạnh nhất là mức độ an toàn, với toàn bộ các trang thiết bị cũng như công nghệ mới nhất của CHLB Đức. Đặc biệt, với hệ thống cấp gas trung tâm, áp suất gas trong đường ống đưa vào tòa nhà rất nhỏ, chỉ bằng khoảng 1/150 - 1/200 so với áp suất gas bình, vì thế nên mức độ an toàn rất cao, khó xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn… 

Đến nay, công nghệ cấp gas trung tâm đã được ứng dụng ở các khu đô thị Mỹ Đình, Vimeco, Lò Đúc, Hà Đông; một số chung cư cao tầng, khu đô thị mới tại TP. HCM…

Về autogas, Petrolimex Gas bắt đầu nghiên cứu ứng dụng từ năm 1993, nhưng khi đó xăng dầu còn được CP hỗ trợ bù giá, nên autogas chưa được phổ biến rộng rãi vì không có sự chênh lệnh nhiều về giá cả. Nhưng gần đây, với nghị định mới cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu tại thị trường trong nước được phép điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo giá cả thị trường, mức độ chênh lệch về giá cả và hiệu quả sử dụng ngày càng rõ hơn. 

Theo đó, ô tô chạy gas tiết kiệm từ 20 - 30% so với chạy xăng dầu. Quan trọng hơn nữa, xe chạy gas giảm thiểu khí phát thải gây ô nhiễm môi trường so với xe chạy bằng xăng dầu. Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 1.000 xe chạy bằng gas, chủ yếu là của những công ty vận tải thuộc các Tập đoàn Dầu khí Quốc gia.

- Hiệp hội gas có sự tuyên truyền, hỗ trợ, kết hợp nào đối với các doanh nghiệp tư nhân, HTX vận tải trong việc chuyển đổi từ sử dụng xe chạy xăng dầu sang xe chạy gas? Việc phát triển ứng dụng này ở Việt Nam có gì khó khăn?

- Ông Trần Việt Tuấn: Tháng 12/2009, tại Hà Nội, dưới sự bảo trợ của Bộ Công thương, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Hiệp hội Gas Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo chuyên đề về ’’Ứng dụng LPG/CNG trong Gas đô thị và Giao thông vận tải’’. 

Mô tả ảnh.
Khu đô thị mới Trung Hoà, Nhân Chính (Hà Nội), nơi đầu tiên của VN triển khai sử dụng thành công công nghệ cấp gas trung tâm.

Mục tiêu của hội thảo là tuyên truyền rộng rãi cho người dân, để tạo sự đồng thuận trong dân chúng trong việc sử dụng LPG/CNG ứng dụng trong autogas và gas trung tâm thay thế nhiên liệu xăng dầu truyền thống, trước hết là vì lợi ích kinh tế, môi trường và sự an toàn cho chính bản thân họ. 

Ví dụ khi người dân bước lên xe taxi có bình gas, đến 99% sẽ nảy sinh tâm lý e ngại, vì bình gas không khác gì một trái bom trong xe. Nhưng thực ra, về mức độ an toàn, giá thành, nhất là ưu thế bảo vệ môi trường thì lại vượt trội hơn nhiều so với sử dụng xăng dầu thông thường.

Hiện tại, việc phát triển ứng dụng autogas và gas trung tâm tại Việt Nam rất khó khăn mặc dù đây là một thị trường hết sức tiềm năng và những lợi ích của nó thì đã quá rõ. Nguyên nhân là chưa có sự hỗ trợ, ưu đãi cho các công ty kinh doanh lắp đặt thiết bị chuyển đổi, doanh nghiệp sử dụng sử dụng auto gas, các trạm bơm gas còn thiếu, người dân chưa được trang bị kiến thức về xe chạy gas cũng như còn thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường.

Vì vậy, thông qua hội thảo, chúng tôi cũng muốn kiến nghị các cơ quan chức năng nhà nước có những chính sách hỗ trợ như giảm thuế, miễn thuế cho việc nhập khẩu thiết bị linh kiện phục vụ cho việc chuyển đổi, hoặc có được nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức bảo vệ môi trường hỗ trợ cho việc chuyển đổi này.

- Tuy vậy, gas trung tâm và autogas chủ yếu mới được ứng dụng ở những nước phát triển, có cơ sở hạ tầng tiến bộ, phù hợp với công nghệ. Còn ở Việt Nam, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, sẽ đặt ra câu hỏi về mức độ phù hợp và hiệu quả ứng dụng?

LPG (liquefied petroleum gas) – khí hóa lỏng và CNG (Compressed Natural Gas) – khí nén tự nhiên đang là những giải pháp thay thế cho nhiên liệu xăng dầu ở nhiều nước trên thế giới vì những đặc tính ưu việt hơn hẳn về giá trị kinh tế cũng như mức độ bảo vệ môi trường so với  xăng dầu truyền thống.

- Ông Trần Việt Tuấn: Tôi xin đính chính và nêu một số ví dụ về áp dụng phổ biến và bài bản những công nghệ ứng dụng autogas cũng như gas trung tâm ở những nước đang phát triển gần nhất với chúng ta.

Thái Lan đã có quá trình nghiên cứu và ứng dụng autogas được 30 năm, cho đến nay có khoảng gần 200.000 xe ô tô chạy bằng gas. Ở Trung Quốc, một nước đông dân nhất thế giới thì vấn đề môi trường đặt ra lại càng cấp bách, tại những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, lượng xe ô tô sử dụng gas là rất lớn.

Chính phủ Trung Quốc đã có những động thái vừa khuyến khích vừa bắt buộc để phát triển autogas như hỗ trợ về thuế nhập khẩu thiết bị chuyển đổi, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ cho đầu xe chuyển đổi, hỗ trợ về cơ chế chính sách, bắt buộc các cơ sở kinh doanh vận tải công cộng phải sử dụng nhiên liệu sạch LPG/CNG.

Vì thế, vấn đề cơ sở hạ tầng tuy có là khó khăn gây cản trở nhưng ứng dụng này không phải là không thực hiện được ở Việt Nam, chỉ cần có chính sách hỗ trợ hợp lý và tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong người dân là có thể thực hiện được. Chính điều đó sẽ góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế xã hội bền vững, giải quyết vấn đề an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường sống cho chính chúng ta.

- Xin cảm ơn ông.
 
  • H. Long

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
© Báo VietNamNet, số 141 Bà Triệu, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Cơ quan chủ quản: Bộ Thông tin và Truyền thông.
Số giấy phép: 1285/GP - BTTTT cấp ngày 27/8/2008. Tổng biên tập: Nguyễn Văn Bá
® Ghi rõ nguồn "VietNamNet" khi phát hành lại thông tin từ website này.
,