221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1252920
Hàng thực phẩm viện đủ cớ để tăng giá
1
Article
null
Hàng thực phẩm viện đủ cớ để tăng giá
,

 - Cho đến thời điểm này, tại các siêu thị trên địa bàn TP.HCM, hàng trăm mặt hàng tiêu dùng đã áp dụng mức giá mới. Trong đó, những mặt hàng tăng giá mạnh chủ yếu rơi vào nhóm thực phẩm, nước giải khát, thực phẩm chế biến… có mặt hàng đã tăng tới 85% so với Tết năm ngoái.

 

Tăng giá vì bị lỗ?

Công ty Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) là đơn vị được UBND TP.HCM hỗ trợ vốn ưu đãi nhiều nhất (129 tỷ đồng) trong chương trình bình ổn giá hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Canh Dần, nhưng doanh nghiệp này vừa thông báo áp dụng mức giá mới cho 33 mặt hàng thực phẩm chế biến đông lạnh của mình với mức tăng trung bình khoảng 5%.

 

Giá thực phẩm tăng mạnh dịp cuối năm. (Ảnh: Khánh Vy)

Vissan được xem là doanh nghiệp “anh cả” trong lĩnh vực cung cấp thực phẩm chế biến đông lạnh tại thị trường TP.HCM. Do đó, việc Vissan tăng giá trong lúc này khiến một số doanh nghiệp bức xúc, đòi tăng giá là chuyện đương nhiên.

Ông Bùi Duy Đức, Tổng giám đốc Vissan giải thích, Vissan chỉ tăng giá 33 trên tổng số hơn 200 mặt hàng là không đáng kể. Vấn đề nằm ở chỗ, Vissan là một trong 13 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá của UBND TP.HCM.

“Chúng tôi không tăng giá. Mức giá mới của 33 mặt hàng được Vissan điều chỉnh cho phù hợp thôi. Bởi, Vissan đã phải chịu lỗ những mặt hàng này trong gần 1 năm qua, do giá nguyên liệu liên tục leo thang”, ông Đức nói.

Tuy nhiên, ông Chung Kim, Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi và Chế biến thức ăn gia súc Kim Long (Bình Dương) cho rằng, theo chu trình, người chăn nuôi phải mất từ 6 – 8 tháng mới có được 1 lứa heo (từ khi sinh đến khi xuất chuồng). Trong khi suốt gần một năm qua, giá heo hơi luôn ở mức thấp, dao động từ 29.000–31.000 đồng/kg. Giá chỉ tăng cách đây khoảng 3 tuần, lên mức 34.000–36.000 đồng/kg.

Ông Kim cho rằng, với diễn biến của tình hình cung cầu thực phẩm từ đầu năm đến nay thì khó xảy ra tình trạng tăng giá các loại thịt. Nếu có tăng cũng chỉ rơi vào những ngày cao điểm cận Tết Nguyên đán, nhưng theo ông Kim, mức tăng cũng sẽ không cao vì nguồn cung dồi dào.

Hàng thực phẩm là nhóm có số lượng sản phẩm tăng giá nhiều nhất. (Ảnh: Khánh Vy)

 Bên cạnh đó, ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Phú An Sinh cho biết, với những thực phẩm chế biến, thường các doanh nghiệp đã chủ động được nguồn nguyên liệu từ cách đây nhiều tháng. Gần như từ đầu năm đến nay, giá các loại thịt (gà, heo…) luôn ở mức thấp, những loại thực phẩm chế biến được hưởng mức giá thấp này.

“Thịt heo hơi cũng như thịt gà mới chỉ tăng nhẹ. Theo logic, việc tăng giá này chỉ tác động đến giá thịt tươi sống bán trên thị trường chứ chưa tác động đến thực phẩm chế biến”, ông Minh cho biết.

Theo ông Minh, đa số doanh nghiệp đều chủ động được nguồn hàng, khi tham gia vào chương trình bình ổn sẽ không được phép tăng giá, hoặc phải giảm 10% bằng với giá thị trường. Chính vì thế, ông Minh khẳng định sẽ không có chuyện một doanh nghiệp tăng giá kéo theo các doanh nghiệp khác tăng theo dây chuyền.

Ông Minh giải thích, các đơn vị tham gia bình ổn, dự trữ hàng trong thời điểm nhiều loại thực phẩm giá xuống quá thấp, chẳng hạn như thịt gà, thịt vịt, trứng… Còn đối với các mặt hàng chế biến, doanh nghiệp đều đã chuẩn bị nguyên liệu từ trước, nên không bị tác động nhiều khi giá tăng tại thời điểm này.

Sức mua vẫn tăng vì là hàng thiết yếu

Bà Dương Quỳnh Trang, Giám đốc Đối ngoại của Siêu thị BigC cho biết, thời gian gần đây, khá nhiều nhà sản xuất yêu cầu tăng giá với lý do ảnh hưởng của tỷ giá USD. Tuy nhiên, tại BigC, 95% hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam, do đó tỷ giá USD chỉ tác động gián tiếp, bởi nhiều mặt hàng sử dụng nguyên liệu trong nước chứ không nhập khẩu.

Bánh kẹo là nhóm sản phẩm tăng cao nhất và đồng loạt nhất do ảnh hưởng của giá đường. (Ảnh: Khánh Vy)

 

Theo bà Trang, việc tác động bởi tỷ giá USD lên hàng hóa trên diện rộng là không thực tế. Vì thế, nếu nhà sản xuất đòi tăng giá, BigC sẽ tìm hiểu nguyên nhân, ngay cả lịch sử tăng giá của từng mặt hàng, năm vừa qua đã yêu cầu tăng giá chưa. Từ đó mới quyết định tăng giá và tỉ lệ tăng có hợp lý không, tăng giá phải có cam kết về thời hạn và không thể tăng đồng loạt.

“BigC bán khoảng 50.000 mặt hàng với nhiều chủng loại hàng hóa tương tự nhau về chất lượng và giá cả. Nếu nhà cung cấp cứ khăng khăng tăng giá mà không có lý do chính đáng, chúng tôi sẵn sàng thay thế bằng mặt hàng khác để phục vụ người tiêu dùng”, bà Trang khẳng định.

Tại Maximart, Giám đốc Nguyễn Thị Ánh Hồng cũng cho biết, kể từ ngày 17/12 cho đến hết Tết Nguyên đán Canh Dần, hệ thống siêu thị của bà sẽ không chấp nhận bất cứ sản phẩm nào tăng giá. Nếu nhà cung cấp không hợp tác, Maximart sẽ “cấm cửa” nhằm mang lại mức giá hợp lý cho người tiêu dùng trong thời buổi kinh tế chưa thực sự khởi sắc.

Theo bà Hồng, hàng hóa trong các siêu thị bắt đầu tăng giá từ khoảng hai tháng trở lại đây. Cho đến thời điểm này, tại Maximart, khoảng 50% trong tổng số hơn 30.000 mặt hàng đã tăng giá, trong đó chủ yếu là hàng thực phẩm tiêu dùng. Đặc biệt, hầu hết các sản phẩm bánh kẹo đều tăng giá khoảng 10%, vì giá đường tăng khá cao.

Việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết cũng được các siêu thị lên kế hoạch khá tươm tất từ lúc này. Theo bà Hồng, Maximart đã chuẩn bị xong lượng hàng hóa phục vụ Tết với số lượng tương đương năm ngoái. Tuy nhiên, sức mua theo dự báo của bà Hồng, sẽ bình thường chứ không đột biến so với những năm trước.

Theo bà Trang, mặc dù cho đến thời điểm này, khá nhiều mặt hàng đã áp dụng mức giá mới, song sức mua tại siêu thị vẫn tăng đều từng ngày.

Nguyên nhân được bà Trang lý giải, những mặt hàng tăng giá chủ yếu thuộc nhóm sản phẩm thiết yếu mà người tiêu dùng không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Bên cạnh đó, tại các siêu thị đều có “chính sách” hạn chế tăng giá tối đa trong thời điểm từ nay đến Tết Nguyên đán.

  • Khánh Vy
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,