- Bù lại khoảng trống của khách quốc tế năm nay là thị trường khách nội địa sôi động, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) Nguyễn Văn Tuấn khẳng định. Ông cho rằng, năm tới, công việc ưu tiên hàng đầu là quảng bá, xúc tiến thị trường.
Hai kịch bản cho năm 2010
- Trên đà du lịch hồi phục, ngành du lịch đã tính đến mục tiêu đón khách quốc tế năm 2010 chưa và con số cụ thể, thưa ông?
Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn. (Ảnh: N.Lan)
- Chúng tôi chưa công bố chính thức nhưng đang đưa ra hai kịch bản: Một là, trong điều kiện bình thường chưa có đột biến thì phấn đấu để năm 2010 giữ như mức năm 2008.
Tức là, nếu năm nay số khách sụt giảm 10% (đón được 3,8 triệu khách), sang năm tăng 10% thì chúng ta sẽ đón được 4,2-4,25 triệu lượt.
Hai là, trường hợp phát triển có đột biến nhờ phục hồi kinh tế mạnh mẽ và hiệu ứng của công tác xúc tiến quảng bá tốt hơn thì tăng được 15-20%, có thể mạnh dạn tính đến con số 4,5 triệu lượt khách.
- Đánh giá của ông về chương trình giảm giá Ấn tượng Việt Nam do Tổng cục Du lịch phát động? Chương trình này đóng góp thế nào trong việc hút khách tăng trở lại?
- Năm nay Ấn tượng Việt Nam - chương trình tập hợp và liên kết lại nhằm giảm giá, đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa đã có bước đi và chiến lược, giải pháp rất trúng.
Du lịch nội địa nhờ vậy đã tăng trưởng ngoạn mục, năm ngoái là 20,8 triệu lượt khách và năm nay chắc chắn đạt 25 triệu khách - đó là tỷ lệ tăng trưởng rất cao. Trong khi khách quốc tế giảm 10% thì khách nội địa tăng 15-17%. Doanh thu du lịch vì thế tăng hơn năm trước khoảng 8-10%.
Rõ ràng, sự sôi động của thị trường nội địa đã bù đắp được những khoảng trống của khách du lịch quốc tế tạo ra và giúp ngành du lịch tiếp tục giữ được đà tăng trưởng chung. Các nước khác cũng có chính sách tương tự để kích cầu nội địa - bước đi thích hợp và đúng trong giai đoạn hiện nay.
- Ông có quan điểm thế nào khi có ý kiến đề xuất nên kéo dài chương trình này đến năm 2010, tạo nên cú "đúp" giảm giá để kéo khách đi du lịch?
- Hiện chúng tôi mới chấp thuận kéo dài chương trình giảm giá khuyến mãi đến hết năm 2009. Chúng ta muốn làm một chiến dịch, một chủ trương thì phải gắn với các điều kiện về cơ chế, chính sách. Tổng cục Du lịch phải báo cáo với cơ quan thẩm quyền để được chấp thuận thì mới triển khai được.
Chúng tôi đang suy nghĩ để đề xuất. Đúng là trong giai đoạn khó khăn này, du lịch rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành.
Năm nay Việt Nam đón 3,8-3,9 triệu lượt khách. (Ảnh: skhdt vinhlong)
Ưu tiên hàng đầu cho xúc tiến
- Vậy trong năm tới, ngành du lịch sẽ ưu tiên triển khai những công việc gì để tiếp tục thu hút khách quốc tế tăng trở lại?
- Thời điểm này sẽ tập trung vào các nhóm công việc lớn.
Trước hết, năm nay sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xong 3 đề án lớn: Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn 2030; Đề án phát triển du lịch biển đảo và vùng ven biển Việt Nam; Đề án PTDL các tỉnh biến giới Việt Nam - Lào - Campuchia.
Riêng Đề án phát triển du lịch khu vực ĐBSCL sẽ do Bộ VH-TT&DL duyệt. Du lịch "ngoại": không khuyến khích, cũng không ngăn cấm Việc hạn chế công dân đi du lịch nước ngoài chỉ mang tính thời điểm, nhất thời, chứ nhu cầu du lịch và xu hướng du lịch là dòng chảy không thể đảo ngược, cần phải được đáp ứng, thỏa mãn. Chúng ta kích cầu nội địa nhưng không ngăn cản công dân đi du lịch nước ngoài. Chúng ta sẵn sàng hợp tác với các nước để công dân Việt Nam ra nước ngoài du lịch được đảm bảo về an ninh cũng như được sử dụng các dịch vụ phù hợp với đồng tiền họ bỏ ra.
Năm 2010, việc triển khai cụ thể hoá các bước tiếp theo của các đề án này sẽ là một trong những ưu tiên, cùng với đó là đề xuất các cơ chế chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ hai, do bối cảnh và qua nhìn nhận, đánh giá lại thì hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch phải là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Đúng là một số nước, ngay cả những nước gần chúng ta và có thị trường lớn, cũng tập trung vào việc ưu tiên vào việc kích cầu nội địa.
Đây là một trong những hoạt động trọng tâm, và bây giờ phải đầu tư một cách xứng đáng cho nhiệm vụ này cả về mặt nhận thức, trí tuệ, cả về việc tổ chức chuyên nghiệp, về nhân lực và tài chính.
Thứ ba, Tổng cục Du lịch sẽ ưu tiên tổ chức các sự kiện, như Chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và gắn với Năm Du lịch quốc gia tại Hà Nội; kỷ niệm 50 năm thành lập ngành.
- Việc giải ngân ngân sách Nhà nước đầu tư cho công tác xúc tiến du lịch luôn là vấn đề khó khăn, vậy có thể kỳ vọng gì ở việc tập trung quảng bá, xúc tiến thị trường, thưa ông?
- Chúng ta có hai chương trình: Chương trình hành động quốc gia về du lịch đầu tư 25 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư phát triển sản phẩm, đào tạo nhân lực và quảng bá xúc tiến; Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia cũng 25 tỷ.
Tôi có thể khẳng định là đến hết tháng 12, các sự kiện chính đã được triển khai. Tuy nhiên, do hiệu lực của Quy chế về quản lý và sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ từ NSNN trong hoạt động xúc tiến du lịch bắt đầu từ 25/11 nên có một số sự kiện phải lùi sang quý I/2010. Tuy vậy, các kế hoạch và thủ tục giải ngân khoản tiền này sẽ hoàn tất trong tháng 12.
Năm 2010 tôi chưa khẳng định là bao nhiêu, nhưng thông tin chúng tôi nắm được từ Bộ Tài chính là khoảng 40 tỷ đồng.
- Nhân nói đến việc tập trung thu hút khách thị trường gần, nhiều DN băn khoăn là khó vì các thị trường gần có sự tương đồng về sản phẩm. Vậy Tổng cục Du lịch có chủ trương tạo ra những sản phẩm khác biệt nào để thu hút khách thị trường gần?
- Thứ nhất, việc xây dựng và phát triển sản phẩm mới không thể là việc ngày một ngày hai mà cần cả một quá trình, từ ý tưởng đến việc thiết kế sản phẩm, đầu tư rồi có kế hoạch quảng bá xúc tiến, và chúng ta tổ chức các dịch vụ ở đó.
Thứ hai là ở đây có 2 khía cạnh: Chúng ta không thể nói là thị trường gần thì nó tương đồng và không có sự khác biệt. Chúng ta rất khác biệt về không gian, cảnh quan, về văn hoá, về ẩm thực, về các vấn đề sinh thái và môi trường cho nên dù gần, ta vẫn có những cách tiếp cận để quảng bá cho những cái tạo ra hứng thú cho khách gần.
Hơn nữa, chúng ta quan tâm đến thị trường gần trong thời điểm đang cần sự tăng trưởng về số lượng, song cũng không bỏ quên thị trường truyền thống và có khả năng chi tiêu cao, những nơi rất khác biệt về văn hoá như thị hiếu và tâm lý như thị trường Tây và Bắc Âu, Bắc Mỹ.
Vẫn chạy theo số lượng Ông Trương Nam Thắng, Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Công ty Liên doanh Dịch vụ du lịch OSC-SMI: Tôi cảm thấy dường như ngành du lịch vẫn chạy theo số lượng, không phải chất lượng. Đó là khách chi trả cao, có nhu cầu cao để từ đó quay lại xác định ta phải đầu tư như thế nào cho hợp lý. Xúc tiến đã yếu lại phân tán PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch: Năm nay lượng khách đạt được 4 triệu lượt là kỳ tích của ngành du lịch. Tuy nhiên, ngành vẫn cần có các biện pháp mạnh như tập trung cao độ vào các chương trình xúc tiến, quảng bá. Định hướng của Tổng cục Du lịch vừa rồi là tập trung vào thị trường gần, không phải là chệch hướng nhưng tác nghiệp chưa đủ mạnh. Nếu đã định hướng như vậy thì phải tập trung toàn lực để xúc tiến. Không thể xúc tiến theo kiểu "chộp giật" được, tức là mới làm theo ý nghĩ chủ quan, mà tới đây phải xây dựng một chiến lược riêng cho công tác xúc tiến. Phải làm có bài bản. Quan điểm cá nhân của tôi việc xoá bỏ Cục Xúc tiến du lịch trước đây thuộc Tổng cục Du lịch là sai lầm. Xúc tiến của ta đã yếu mà lại phân tán thì không thể làm được. Nên chăng, lại quay lại mô hình cũ và tập trung cho nó. Quản lý nhà nước (Vụ Hợp tác Quốc tế hiện nay) không nên xúc tiến, mà công việc tác nghiệp này nên giao cho Cục Xúc tiến du lịch. Phải tách bạch rất rõ vai trò của cơ quan quản lý với cơ quan tác nghiệp, tránh vừa đá bóng vừa thổi còi. Đây sẽ là thời điểm rất quan trọng để từ đó chúng ta có thể nhìn nhận, đánh giá quãng đường đã qua, rút kinh nghiệm đẩy mạnh vai trò của Tổng cục để hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới. Trong đó, ưu tiên củng cố và nâng cao năng lực của Tổng cục Du lịch. |
-
Hà Yên