- Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) lo ngại nhất là Hãng hàng không giá rẻ Jestar Pacific vì lý do nào đó cố tình giấu diếm hỏng hóc, đó là lỗi nặng nhất có thể khiến hãng bị rút giấy phép (giấy phép bảo dưỡng), Phó Cục trưởng Lại Xuân Thanh trả lời PV.VietNamNet.
Phó Cục trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh (ảnh Phạm Hải) |
- Thưa ông, Cục Hàng không Việt Nam đã tiếp nhận văn bản kiến nghị của kỹ sư trưởng Bernard John thuộc Hãng Jetstar Pacific như thế nào và hiện đã xử lý ra sao?
Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục Hàng không Việt Nam đã tiến hành kiểm tra trực tiếp chi tiết những vụ việc được nêu trong đơn, bởi đây là những yếu tố làm mất an toàn.
Thứ hai, chúng tôi đã thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra toàn bộ các vấn đề về tuân thủ quy chế an toàn tại Jetstar Pacific. Đoàn thanh tra bắt đầu làm việc từ thứ Năm (5/11).
Chúng tôi làm thì quyết liệt nhưng rất thận trọng bởi nếu những thông tin phản ảnh trong đơn là đúng thì đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Nó không chỉ ảnh hưởng đến một hãng mà toàn bộ ngành hàng không.
Do vậy, đây là vụ việc phải thanh tra. Đoàn kiểm tra, giám sát về chuyên môn an toàn bay tại Jetstar Pacific đã thực hiện từ hôm 27/10, đến 5/11 tôi đã ký quyết định bắt đầu thanh tra toàn bộ sự việc.
- Tại sao những lần kiểm tra trước về độ an toàn, Cục Hàng không Việt Nam không phát hiện được những sai sót trên vì theo lời vị kỹ sư trưởng của Jetstar Pacific phản ảnh, sự việc này đã kéo dài 2-3 năm?
Chúng tôi không phát hiện được nếu hãng cố tình làm vậy, còn những hỏng hóc, sự cố kỹ thuật thì Cục Hàng không Việt Nam vẫn kiểm soát được. Vì lý do nào đó, việc hãng bỏ qua những hỏng hóc này là sự thật thì đấy mới là lỗi nặng nhất. Lỗi đó là lỗi hệ thống khi bỏ qua các quy định về an toàn, là lỗi nặng nhất trong ngành hàng không.
Chúng tôi từ trước đến nay chưa phát hiện sự việc nào như tố cáo của ông Bernard John, còn những sự cố hỏng hóc kỹ thuật chúng tôi vẫn kiểm soát và giám sát. Nếu đúng như ông ấy nói là nếu Jetstar Pacific biết là hỏng mà cố tình làm vậy thì đối với chúng tôi là nghiêm trọng và chúng tôi sẽ kiểm tra.
Máy bay của JPA bị tố cáo không được bảo dưỡng theo đúng quy định (ảnh JPA) |
- Nếu đúng có chuyện xảy ra như vậy, việc xử phạt sẽ như thế nào và dựa trên những quy định gì?
- Về xử phạt vi phạm hành chính thì có Nghị định 91, nhưng với chúng tôi, nghiêm trọng hơn là có thể dẫn tới việc rút giấy phép hoạt động của hãng. Nếu hãng hàng không nào cố tình (tức là hệ thống của hãng đó không đảm bảo an toàn) khả năng rút giấy phép hoàn toàn có thể xảy ra. Khía cạnh giấy phép với chúng tôi nghiêm trọng hơn và cái này phải điều tra thật kỹ.
- Ông có thể cho biết quá trình bảo dưỡng máy bay ở các hãng hàng không diễn ra như thế nào? Cục Hàng không Việt Nam giám sát công việc này tại các hãng ra sao?
Tất cả quá trình bảo dưỡng máy bay đều có quy trình. Chẳng hạn, muốn tháo một cái ốc cũng có trong quy định, đầu tiên là của nhà chế tạo. Nhà chế tạo đưa ra cả quy trình quy định bảo dưỡng đối với một tàu bay mà người ta sản xuất ra. Về Việt Nam rồi, nhà khai thác lại dựa trên quy định của nhà chế tạo để viết ra một quy trình bảo dưỡng cụ thể, phải trình lên để Cục Hàng không Việt Nam duyệt.
Khi chúng tôi duyệt xong cũng phải giám sát xem việc thực hiện như thế nào. Bản thân các hãng hàng không cũng phải có một bộ phận giám sát độc lập.
Theo tôi, công tác bảo dưỡng có quy trình quy định hết sức cụ thể, mà đầu tiên là của nhà chế tạo và quy trình bảo dưỡng của phía khai thác cũng không được thấp hơn bên chế tạo, rồi lại có hệ thống giám sát thực hiện công việc bảo dưỡng đó nên rất chặt chẽ.
Hơn nữa, thực ra tôi không nghĩ là người ra dám cố tình như vậy nhưng có thông tin phản ánh tố cáo nên Cục Hàng không Việt Nam phải làm hết sức nghiêm túc theo các thủ tục về thanh tra. Vì thế giờ nội dung cụ thể như thế nào về kết luận chưa thể nói được.
-
Hà Yên (thực hiện)