- Bộ Công Thương vừa xin Thủ tướng cho phép xuất khẩu hàng chục nghìn tấn tinh quặng các loại, trong đó, lớn nhất là tinh quặng sắt.
Cụ thể, Bộ Công Thương xin phép cho xuất khẩu 84.000 tấn tinh quặng magnetit, 18.000 tấn quặng mangan, 44.000 tấn tinh quặng chì kẽm và 400.000 tấn tinh quặng sắt.
Khai thác quặng sắt ở mỏ Quí Xa (ảnh: baolaocai)
Số lượng trên cũng đã được tính toán là con số dư thừa, sau khi đã trừ phần sản lượng tối thiểu dành cho sản xuất trong nước.
Riêng với quặng sắt, trước đó, Thủ tướng đã cho phép xuất khẩu 500.000 tấn tinh quặng sắt khai thác ở mỏ Quí Xa, dùng để đối lưu than coke.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng tính toán, nếu số lượng tinh quặng sắt dư thừa do không sử dụng hết theo kế hoạch, Bộ sẽ tiếp tục báo cáo Thủ tướng xin điều chỉnh xuất khẩu. Cụ thể là trường hợp quặng sắt của công ty Khoáng sản luyện kim Việt Trung không có khả năng thực hiện hết chỉ tiêu xuất khẩu và khoảng 350.000 tấn quặng sắt dành cho các công ty Hoà Phát, Đình Vũ, Vạn Lợi… để sản xuất gang trong nước nhưng nếu lò cao vào chậm, sẽ không dùng hết.
Việc xuất khẩu này là nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản tiêu thụ hàng tồn đọng, bộ này khẳng định. Đồng thời, “ý nghĩa” của việc xuất khẩu thô này là tạo thêm vốn thúc đẩy các cơ sở đầu tư chế biến sâu, duy trì công ăn việc làm cho người lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn thu ngân sách của địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi.
Theo Bộ Công Thương, số lượng khoáng sản mà UBND các tỉnh đề nghị với Bộ cho xuất khẩu còn lớn hơn nhiều.
Các tỉnh đề nghị xuất khẩu 1.349 nghìn tấn tinh quặng sắt, 100 nghìn tấn tinh quặng barit, 64 nghìn tấn tinh quặng magnetit, chưa kể còn 20.000 tấn tồn kho năm 2008, 38 nghìn tấn tinh quặng mangan, 23 nghìn tấn tinh quặng đồng, 41 nghìn tấn quặng chì, kẽm.
Cuối năm 2008, Bộ Công Thương đã đề nghị các tỉnh cần chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch năm 2009 theo hướng không mở rộng khai thác khoáng sản mà phải đầu tư các dự án chế biến, đẩy mạnh tiêu thụ khoáng sản tồn kho.
Sản lượng khai thác khoáng sản chỉ duy trì đủ ở mức có việc làm cho người lao động, đặc biệt là khoáng sản mà nhu cầu tiêu thụ trong nước không lớn, các cơ sở chế biến sâu chưa hoàn thành đầu tư.
Bộ này cũng khẳng định, khoáng sản phải được ưu tiên cung cấp nhu cầu chế biến sâu trong nước, thừa mới xuất khẩu và chỉ giải quyết xuất khẩu khoáng sản cho doanh nghiệp có nguồn quặng, khai thác hợp pháp, hạn chế tối đa việc cho các doanh nghiệp thương mại, không khai thác quặng tham gia xuất khẩu.
Tuy nhiên, phiên họp tuần trước của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, cần chấm dứt việc tận thu tài nguyên cho tăng trưởng. Không chỉ là khai thác tràn lan khoáng sản mà cần hạn chế xuất khẩu thô phải được tính sớm.
Ngược với cân đối của Bộ Công Thương về quặng sắt, hiệp hội thép Việt Nam đã từng bày tỏ lo ngại khi có quá nhiều lò cao đang được xây dựng hiện nay thì Việt Nam sẽ không đủ quặng sắt sản xuất.
-
Phạm Huyền