- Với bất cứ nền kinh tế nào, hàng giả, hàng nhái là kẻ thù số 1 của nhà sản xuất. Nhưng tại Việt Nam, hàng giả đoàng hoàng mở shop, vào trung tâm thương mại và được không ít người tiêu dùng tự hào trưng ra đường.
Thái độ bình thản chung sống với hàng giả đã đẩy nhiều doanh nghiệp trong nước vào đường cùng, đồng thời tước đi cơ hội phát triển của nhiều thương hiệu Việt.
Bó tay với hàng giả, hàng nhái
Hàng giả, hàng nhái được bày bán công khai trong siêu thị. (Ảnh: Phan Hùng) |
Dạo một vòng mấy con phố trung tâm: Bà Triệu, Phố Huế, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Gà, Quán Thánh… dễ dàng gặp những shop thời trang bán hàng mang thương hiệu ngoại cao cấp như Louis Vuitton, Hermes, Chanel, Gucci, Marc Jacobs, Dolce Gabbana, Versace, Roberto Cavalli, Burberry hay Salvatore Ferragamo…
Nhưng thay vì được “sản xuất tại Pháp, Ý” như những chữ dập chìm trên thân sản phẩm, đa phần các “món hàng xa xỉ” này đều “made in Quảng Châu”.
Tới đây sẽ có người thắc mắc, vậy hàng Việt thiệt gì khi các thương hiệu bị làm nhái, làm giả đều là những thương hiệu nước ngoài?
Xin thưa là rất thiệt vì một lực lượng đông đảo người tiêu dùng, nhất là giới trẻ đã rơi vào tay các nhà buôn hàng giả và nhà sản xuất hàng giả nước ngoài, khiến doanh nghiệp Việt mất động lực vươn lên ở thị trường nội địa. Có doanh nhân còn dự đoán nếu các trung tâm bán hàng giả công khai bị xử lý, doanh số bán hàng nội sẽ tăng gấp đôi.
Cái thiệt thứ hai - lớn hơn nhiều là thói quen tiêu thụ hàng giả một cách thản nhiên không xấu hổ, dẫn tới sự vô cảm của các cơ quan quản lý thị trường lẫn sự “đồng thuận” của xã hội với hàng giả.
Có thể thấy điều này ở siêu thị ngoại, luôn tự hào tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ như Big C với những gian hàng bán túi, ví giả Louis Vuitton, Hermes, Chanel, Gucci, Versace… ngay tầng 1.
Tình trạng này cũng xảy ra với nhiều siêu thị, trung tâm thương mại lớn có thương hiệu khác. Hệ quả của sự thản nhiên này là chẳng cần đến những thương hiệu nổi tiếng trời Tây, chỉ cần thương hiệu Việt nào được thị trường đón nhận là “biết tay” với hàng giả ngay.
Chị Vũ Thị Ngọc Lan, Giám đốc Công ty CP Thời trang Hanosimex kể, một năm tách từ Tổng Công ty Hanosimex chính thức về thị trường nội địa là một năm công ty chị khốn khổ vì buộc phải chung sống với hàng giả.
Theo báo cáo công bố ngày 16/9 của Công ty Nielson, có tới 83% hàng giả bán tại thị trường Hà Nội có nguồn gốc từ Trung Quốc). |
Bản thân chị từng “ứa nước mắt bất lực” khi chứng kiến hàng giả Hanosimex bán đầy lề đường mà không làm gì được.
Điều đáng lo ngại là người bán sẵn sàng “công khai” với khách là hàng giả mà không e dè lực lượng quản lý thị trường (QLTT).
“Làm hàng nội địa sao cực quá, đang quen làm xuất khẩu chỉ cần đáp ứng đủ các yêu cầu của đối tác là xong, nhưng bán trong nước vừa lo thiết kế mẫu mã, sản xuất, phân phối rồi hồi hộp đợi sản phẩm ra thị trường.
Bao nhiêu tiền của, công sức đổ vào vậy mà Hanosimex vừa ra cái gì mới, các nhà máy vỉa hè có ngay cái đó”.
Tâm sự mệt mỏi trên của chị Lan cũng giải thích phần nào lý do nhiều doanh nghiệp Việt đang quen xuất khẩu không “mặn mà” với thị trường nội địa.
Ai tiếp tay cho hàng giả hại hàng thật?
Với mức giá được định rất thấp chỉ từ 25.000 đồng/áo người lớn, lại thuộc dòng cơ bản, thiết yếu, hàng của Hanosimex lẽ ra bán rất chạy ở thị trường nông thôn.
Thực tế, theo đánh giá của chị Lan, phản ứng của khách hàng về sản phẩm cũng rất tốt, ngoài dự đoán của công ty.
Đặc biệt, sau tin quần áo nhiễm fomadehyle khiến nhiều người tẩy chay hàng Trung Quốc, Hanosimex càng được chuộng vì doanh nghiệp này làm được vải an toàn từ A-Z.
Nhưng cuối cùng, “hưởng” thành quả thương hiệu Hanosimex lại là hàng giả.
Chị Lan kể, từng theo chân hàng giả sang tận Ninh Hiệp - chợ chuyên đổ buôn hàng may mặc về các tỉnh. Hàng giả ở đây trông hệt như hàng thật, thậm chí có cả tem chống hàng giả nhưng giá chỉ bằng 50% hàng chính hãng.
Hanosimex bị làm giả "sắc nét" đến từng chi tiết - Ảnh: Phan Hùng |
Tất nhiên, thua hàng giả ở chợ đầu mối đã làm cho công ty mất nhiều mối hàng. “Đau lắm” nhưng hành động duy nhất của bà giám đốc lúc đó chỉ là ngậm ngùi mua một chiếc áo giả về làm… kỷ niệm.
Hỏi chị sao không báo với QLTT, chị chỉ cười buồn: “Mình xót của, tức tốc đi mách thì họ bảo giá trị hàng giả nhỏ, chế tài phạt lại nhẹ quá nên bắt chẳng bõ bèn gì. Nếu có đồng ý điều tra thì họ cũng không đi bắt ngay mà yêu cầu mình viết công văn trình báo, đưa mẫu hàng thật…
Xong mấy cái thủ tục này thì "mẹt" hàng giả đã chuyển địa điểm từ bao giờ rồi nên đến nay, phát hiện hàng giả nhiều nhưng Hanosimex chưa tóm được ai để kiện cả”.
Doanh nghiệp đành tự lo bảo vệ bằng cách thay tem chống hàng giả, chuyển logo màu xanh sang màu cam nhưng ngay hôm sau các sạp hàng giả đã nhanh nhảu “update” y hệt.
“Thậm chí, cán bộ QLTT thay vì đi bắt hàng giả lại bày cho chúng tôi cách chống hàng giả của các thương hiệu cao cấp thế giới. Nhưng sản phẩm có 25.000 đồng mà tem chống hàng giả tận 350.000 đồng thì chúng tôi chịu sao thấu”, chị Lan mệt mỏi cho biết.
Câu chuyện mà Hanosimex đang phải đối mặt cũng là vấn nạn mà nhiều doanh nghiệp Việt như Việt Tiến, May 10, Foci, Kềm Nghĩa, Vĩnh Tiến, Mỹ Hảo, Trung Thành… đã và đang trải qua.
Trong hầu hết các trường hợp, họ đành chấp nhận sống chung với hàng giả vì chính các lực lượng chức năng cũng đã bó tay với hàng giả từ lâu với lý do lực lượng mỏng, bắt không xuể.
Nhưng điều lạ là hàng giả, hàng nhái bán sờ sờ có cửa hiệu, cửa hàng hẳn hoi thì “lực lượng mỏng” nhưng “doanh nghiệp Việt chỉ treo bảng giảm giá 70% là quản lý thị trường tới phạt liền”, giám đốc một công ty may phía Nam bức xúc.
10 năm qua, doanh nghiệp Việt đã nỗ lực nâng cao chất lượng hàng hóa, nhưng rồi mọi nỗ lực dường như đã bất lực trước hàng lậu chất lượng kém từ Trung Quốc hoặc hàng giả sản xuất ngay tại Việt Nam.
Thái độ chung sống hòa bình với hàng giả đó đã đẩy nhiều doanh nghiệp trong nước vào cảnh phá sản hoặc phải đổi hướng làm hàng xuất khẩu. Mặt khác, thiếu quyết đoán với hàng giả đã tước đi động lực và cơ hội phát triển của nhiều thương hiệu Việt.
Rõ ràng, muốn hàng Việt có lại vị trí thống lĩnh thị trường Việt, chắc chắn không thể lờ đi thực tế hàng giả, hàng nhái. Việc cơ quan chức năng thực sự bảo vệ hàng thật cũng là hành động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.
-
Phan Hùng