- Sức mua hàng hoá của đồng bào Tây Nguyên không thua nhiều tỉnh, thành khác nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa coi trọng địa bàn này.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần XNK Intimex, người dân ở khu vực Tây Nguyên có mức sống tốt hơn rất nhiều so với không ít vùng ở đồng bằng trên cả nước.
“Đời sống người dân Tây Nguyên hiện đã được nâng lên khá nhiều. Tại các siêu thị ở Tây Nguyên, người dân đi mua sắm không thua gì người thành phố, trong đó hàng Việt bán rất chạy, đặc biệt là những ngày cuối tuần”, ông Nam nhận xét.
Thị trường vùng cao như Tây Nguyên còn rất nhiều tiềm năng cho DN khai thác, song không ít người cứ nghĩ khu vực này còn nghèo. (Ảnh: Ca Hảo) |
Chưa đánh giá đúng nhu cầu
Nếu so sánh với những tỉnh, thành lớn trên cả nước, Tây Nguyên vẫn là thị trường có sức tiêu thụ hàng hóa yếu. Do đó, các doanh nghiệp (DN) “đánh hàng” lên Tây Nguyên thường bị lỗ. Đây chính là nguyên nhân khiến DN ngại mở rộng thị trường lên vùng cao này.
Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, thực ra hầu hết DN thường đánh giá không đúng nhu cầu tiêu dùng của người Tây Nguyên, nên chưa mặn mà trong việc đưa hàng Việt về với vùng cao.
“Người Tây Nguyên đòi hỏi chất lượng hàng hóa ngày càng cao hơn, do những người có thu nhập cao ở khu vực này tăng lên khá mạnh. Nếu chủ quan cho rằng Tây Nguyên còn nghèo và cung cấp những hàng hóa kém chất lượng thì chắc chắn DN sẽ thất bại”, ông Nam nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Hòa cho biết, Thái Hòa chưa nhắm đến việc kích cầu hàng Việt ở khu vực Tây Nguyên, mà chỉ muốn xây dựng một thương hiệu Việt ở khu vực này để cạnh tranh với hàng ngoại.
Theo ông An, hiện Thái Hòa đang thực hiện chương trình kích cầu hàng Việt ở vùng cao, trong đó chủ yếu là khu vực Tây Nguyên, nhưng mặt hàng chỉ là cà phê.
Hàng ngoại vẫn còn hiện diện khá nhiều trong các hệ thống siêu thị ở vùng cao. (Ảnh: Ca Hảo) |
Tây Nguyên là vùng cao song sức tiêu thụ cũng rất lớn, đặc biệt là thị trường này còn đang rất tiềm năng vì hầu hết DN chưa khai thác. Những năm gần đây, giá trị nông sản mang lại cho người dân Tây Nguyên một cuộc sống đầy đủ hơn, do đó sức mua đã nâng lên khá cao.
Ông An dẫn chứng, ở Tây Nguyên có cả những chiếc xe ô tô đời mới nhất có giá hàng tỷ đồng chạy trên đường phố. Vì thế, những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam không thể coi là hàng xa xỉ đối với khu vực này.
Tuy nhiên, ông An cho rằng, sở dĩ DN chưa quan tâm đến Tây Nguyên là do họ đang say sưa với những khu vực khác mang lại lợi nhuận cao hơn. Từ đó mới có thể vươn ra những nơi có lợi nhuận ít hơn, như Tây Nguyên chẳng hạn.
Đừng nghĩ người Tây Nguyên nghèo!
Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, hiện đơn vị này có hai siêu thị ở Tây Nguyên và đang kinh doanh khá tốt với doanh số lên đến cả tỷ đồng/ngày. Doanh số này theo bà Thu đánh giá là ngang bằng với một siêu thị hạng trung ở TP.HCM.
Bà Thu cho biết thêm, hàng hóa ở những siêu thị này hoàn toàn không khác gì so với ở các tỉnh, thành trong cả nước về chủng loại cũng như giá trị hàng hóa. Mức sống của người dân ở khu vực này đã được nâng lên khá nhiều, trong khi trung tâm thương mại lại chưa có nhiều.
Saigon Co.op là DN đi đầu trong việc đưa hàng về vùng cao, song chưa thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. (Ảnh: Ca Hảo) |
Trong tháng 9/2009 này, Co.op Mart đã triển khai hàng loạt chương trình nhằm đưa hàng Việt về với người Việt tại các tỉnh Tây Nguyên, như giảm giá đến 50% các mặt hàng thiết yếu và tổ chức các xe bán hàng lưu động về những huyện vùng sâu, vùng xa.
Kết quả qua những chuyến bán hàng lưu động ở những huyện vùng sâu rất khả quan, thậm chí bà Thu cho biết không đủ hàng để bán cho bà con, tuy nhiên không mấy DN mặn mà trong việc này.
“Nhiều mặt hàng giá cao vẫn bán được ở Tây Nguyên, miễn là chất lượng tốt. Nhìn chung sức mua ở khu vực này tăng trưởng rất tốt. Do đó, sắp tới Saigon Co.op sẽ mở thêm ba siêu thị tại ba tỉnh còn lại của Tây Nguyên”, bà Thu cho biết.
Theo ông Nam, Intimex là nhà đầu tư lên Tây Nguyên khá thành công trong thời gian qua. Trong đó, việc Intimex mua hàng từ thành phố lên Tây Nguyên để bán và ngược lại cho đến thời điểm này được xem là khá thuận lợi.
Nói về nhu cầu của người Tây Nguyên với hàng ngoại nhập, ông Nam cho rằng, chưa chắc hàng ngoại nhập đã tốt bằng hàng Việt, trong khi đó giá cả lại đắt đỏ.
Ông Phạm Hoàng Hà, Giám đốc Ban Dự án, Tập đoàn Phú Thái, cho rằng, nếu một sản phẩm giá 1.000 đồng trước chỉ bán được cho 100 người, nhưng nay bán với giá 800 đồng cho cả ngàn người, thì rõ ràng DN sẽ thu được nhiều lợi hơn.
Theo ông Hà, hiện trong hệ thống phân phối của Phú Thái, hàng ngoại nhập chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn, khoảng 30%. Tuy nhiên, tỷ lệ hàng ngoại sản xuất tại Việt Nam cũng chiếm một phần không nhỏ.
Thời gian gần đây, chất lượng hàng Việt đã được cải thiện đáng kể, song lại bị hàng giá rẻ lấn sân.
Suy cho cùng, theo ông Hà, từ trước đến giờ hàng Việt có một điểm yếu là ngon thì xuất khẩu, dở thì để bán trong nước.
-
Ca Hảo
Hàng Việt và hành trình giành lại thị trường nội địa