- Không thể dùng phép cộng đơn thuần để thành lập tập đoàn và làm mất đi những thương hiệu mạnh quốc gia.
Đó là thông điệp chính mà Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) và Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) cùng đưa ra hôm nay (17/8) nhằm “phản biện” lại đề án thành lập 2 tập đoàn kinh tế của Bộ Xây dựng.
Văn bản kiến nghị đã chính thức được gửi tới Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.
Hôm 6/8, Bộ Xây dựng đã có tờ trình Chính phủ việc thành lập 2 tập đoàn kinh tế. Theo kịch bản của bộ này, tập đoàn thứ nhất mang tên Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng cơ khí nặng, do Tổng Công ty Sông Đà làm nòng cốt.
Việc thành lập tập đoàn xây dựng còn nhiều tranh cãi. (Ảnh: Phạm Huyền)
Tập đoàn thứ hai chuyên về bất động sản mang tên Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị, do Tổng Công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD) làm nòng cốt.
VEA và VAMI - hai hiệp hội có nhiều thành viên "bị" gom vào các tập đoàn trên, đã không đồng tình về việc chọn lựa “nòng cốt”, cũng như ngành kinh doanh chính trong mỗi tập đoàn như vậy.
Việc thành lập 2 tập đoàn được hai hiệp hội này đề xuất một cơ cấu tổ chức khá khác biệt.
Trong đó, một tập đoàn sẽ vẫn do Tổng Công ty Sông Đà làm nòng cốt, mang tên Tập đoàn xây dựng công nghiệp, dân dụng, bất động sản Việt Nam thuộc Bộ Xây dựng. Tập đoàn này sẽ bao gồm các thành viên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp, dân dụng, phát triển đô thị, kinh doanh bất động sản…
Tập đoàn thứ hai được đề xuất lấy Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam - LILAMA làm nòng cốt, mang tên Tập đoàn Công nghiệp Cơ khí và Lắp máy Việt Nam thuộc Bộ Công Thương. Tập đoàn này bao gồm các tổng công ty, công ty, các viện hoạt động trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất cơ khí, lắp máy và các hoạt động khác kèm theo.
Có thể thấy, với kịch bản của Bộ Xây dựng, ngành nghề chính của cả hai tập đoàn đều là xây dựng công trình, bất động sản. Cơ khí sẽ chỉ là một ngành kinh doanh phụ. LILAMA sẽ chỉ là một thành viên phụ được sáp nhập vào một tập đoàn do Tổng Công ty sông Đà giữ vai trò chính.
Theo Bộ Xây dựng, Tập đoàn công nghiệp xây dựng và cơ khí nặng là tổ hợp gộp khoảng 6 tổng công ty lớn chuyên về xây dựng và cơ khí. Đó là Tổng Công ty Sông Đà, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Tổng Công ty Sông Hồng, Tổng Công ty cơ khí xây dựng, Tổng Công ty Đầu tư phát triển xây dựng, Tổng Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi). Tập đoàn phát triển nhà và đô thị hợp nhất 5 đơn vị là Tổng Công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng Công ty Thuỷ tinh và gốm xây dựng (Viglacera), Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng Công ty Đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Việt Nam.
Hai hiệp hội trên lại quan niệm cần lấy phần xây dựng các công trình công nghiệp và phần cơ khí chế tạo lắp máy thành 2 ngành chính cho tập đoàn khác nhau.
VEA và VAMI phân tích, việc thành lập một tập đoàn về cơ khí nặng gắn với lắp máy để tạo sức mạnh chuyên ngành là điều cần thiết hiện nay.
Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ rằng phát triển cơ khí là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành công nghiệp nền tảng quan trọng, bảo đảm độc lập tự chủ về kinh tế.
Đồng thời, khắc phục được tình trạng mỗi năm phải bỏ ra hàng chục tỷ USD để nhập khẩu thiết bị cơ khí cho ngành điện, ngành khí, ngành than với giá rất đắt.
Bên cạnh đó, xây dựng công trình và cơ khí lắp máy là hai ngành có thị trường quan trọng ngang nhau.
Tại các công trình năng lượng, nếu là dự án thuỷ điện, phần xây dựng thường chiếm 60 - 70%, còn phần lắp máy thiết bị chiếm 30 - 40%. Nhưng với các công trình nhiệt điện, xi măng thì ngược lại, phần lắp máy thiết bị cơ khí thường chiếm 70%, còn xây dựng chỉ chiếm khoảng 30%, VEA và VAMI cho biết.
Tuy nhiên, có một điều cốt yếu không thể phủ nhận là sự e ngại khi thương hiệu của các tổng công ty trên sẽ bị “chìm nghỉm, che mờ” trong cái áo tập đoàn.
Cả VEA và VAMI đều bày tỏ, không nên để mất đi một thương hiệu mạnh về cơ khí chế tạo lắp máy Việt Nam như LILAMA. Vì xây dựng được một thương hiệu mạnh, gắn với những công trình công nghiệp quốc gia, đi sâu vào tiềm thức của đối tác, khách hàng trong nước và quốc tế là điều rất khó khăn.
Hai hiệp hội đánh giá, thương hiệu LILAMA đã gắn liền với hàng trăm công trình thuỷ điện, nhiệt điện, xi măng… và có kinh nghiệm làm tổng thầu EPC.
Ngoài ra, mỗi ngành đều có những thế mạnh riêng, có thị trường và đối tác độc lập. Do đó, việc thành lập tập đoàn kinh tế phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện tham gia, tránh hiện tượng phép cộng đơn thuần để tạo ra sức mạnh.
-
Phạm Huyền