- Nếu biến động thị trường thế giới làm giá thành xăng dầu giảm trên 3% trở lên thì doanh nghiệp phải hạ giá bán lẻ. Không nhất thiết, mọi trường hợp điều chỉnh giá đều phải “xin phép” liên bộ Công Thương - Tài chính.
Đó là điểm khác biệt lớn nhất của cơ chế kinh doanh xăng dầu mới. Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ dự thảo cuối cùng của nghị định này.
Căn cứ quan trọng để điều chỉnh giá là mức chênh lệch từ 3 - 12% giữa giá cơ sở với giá bán lẻ hiện hành.
Theo dự thảo, nếu các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở chỉ tăng đến 3% hoặc giảm 3% so với giá bán lẻ hiện hành thì các doanh nghiệp sẽ được giữ ổn định giá bán lẻ xăng dầu.
Nếu giá thành giảm quá 3% thì doanh nghiệp phải hạ giá bán lẻ. (Ảnh: LAD)
Nếu các yếu tố cấu thành giá xăng dầu làm cho giá cơ sở giảm từ trên 3% - 12%, doanh nghiệp phải hạ giá bán lẻ. Mức giảm không thấp quá 50% của mức giảm giá cơ sở. Mỗi lần giảm giá sẽ phải cách nhau tối thiểu là 10 ngày.
Giá cơ sở là giá để hình thành giá bán lẻ xăng dầu bao gồm các yếu tố và được xác định bởi giá CIF, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, tỷ giá ngoại tệ, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trước thuế, thuế giá trị gia tăng, phí xăng dầu, mức trích Quỹ bình ổn giá và các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định hiện hành. Giá CIF là giá xăng dầu thế giới cộng với phí bảo hiểm, cước vận tải về đến cảng Việt Nam.
Nếu các yếu tố cấu thành làm giá cơ sở tiếp tục giảm trên 12%, doanh nghiệp đầu mối sẽ hạ tiếp giá bán lẻ và không hạn chế khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm giá.
Đối với trường hợp tăng giá, dự thảo nêu rõ, nếu các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng từ trên 3%-12%, doanh nghiệp được quyền tăng giá, tối đa không vượt quá 50% của mức tăng giá cơ sở. Mỗi lần tăng giá cũng phải cách nhau tối thiểu 10 ngày.
Nếu các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng trên 12%, doanh nghiệp đầu mối có thể được tăng giá vượt “ngưỡng” qui định trên nhưng sẽ phải “xin phép” liên bộ tương tự như cơ chế hiện nay.
Nghĩa là, doanh nghiệp sẽ phải gửi đăng ký giá tới liên bộ. Trong vòng 3 ngày sau đó, liên bộ phải có ý kiến trả lời bằng văn bản.
Sau 3 lần tăng giá liên tiếp, các yếu tố cấu thành vẫn làm cho giá cơ sở tiếp tục tăng trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn giá.
Qui định này cho thấy, Nhà nước sẽ chỉ can thiệp vào thị trường xăng dầu khi có biến động thị trường quá lớn. Điểm này sẽ khắc phục sự bất hợp lý trong cơ chế hiện nay là Nhà nước thường xuyên phải “bình ổn” giá dù giá thế giới biến động mạnh hay nhẹ, thông qua các văn bản chấp thuận hay không chấp thuận điều chỉnh giá.
So với Nghị định 55, cơ chế mới về điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu sẽ được thực hiện thông thoáng hơn, giao nhiều quyền hơn cho các doanh nghiệp đầu mối.
Khi tăng hay giảm giá bán lẻ, doanh nghiệp chỉ phải đồng thời gửi quyết định và phương án giá của mình cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giám sát hoặc thẩm định và tuỳ trường hợp thì phải trả lời bằng văn bản.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đầu mối sẽ phải có trách nhiệm tham gia bình ổn giá và sẽ được bù đắp lại những chi phí hợp lý khi tham gia bình ổn giá.
Dù thông thoáng hơn song dự thảo này vẫn chưa qui định rõ, trong trường hợp doanh nghiệp không điều chỉnh giá đúng qui định như không giảm giá hay tăng giá quá mức thì sẽ có chế tài xử lý như thế nào?
Dự kiến ngày 29/7, Bộ Công Thương sẽ tổ chức lấy ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp cho dự thảo này.
-
Phạm Huyền