221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1210126
Lỡ nhiều cơ hội vì treo vốn ODA
1
Article
null
Lỡ nhiều cơ hội vì treo vốn ODA
,

 - Tiêu được 10% tổng vốn trong 4 năm và thời hạn để tiêu nốt 90% số vốn còn lại chỉ còn có 6 tháng. Với tiến độ chậm chạp này, dự án ODA “An toàn đường bộ” đang bị Ngân hàng Thế giới "tuýt còi". 

10 dự án “có vấn đề”

Dự án kể trên là 1 trong 10 dự án dùng vốn ODA đã bị liệt vào danh sách “có vấn đề” Ngân hàng Thế giới (WB). Trong số đó, Bộ NN&PTNT chiếm 4 dự án, Bộ GTVT có 2 dự án,  Bộ Xây dựng, Bộ TT-TT, thành phố Hà Nội và TP.HCM, mỗi đơn vị có 1 dự án. 10 dự án có tổng vốn ODA là 1,096 tỷ USD, tuy đã đi quá nửa thời gian nhưng tỷ lệ giải ngân đều đạt rất thấp, đa số 15-30%.

Với dự án An toàn đường bộ do Bộ GTVT làm đầu mối, thời hạn thực hiện dự án sắp kết thúc mà chủ đầu tư vẫn loay hoay chưa chọn được tư vấn chính. Điều đáng nói là, quản lý dự án này là một ban bệ có 6 bộ  ngành liên quan gồm các lãnh đạo cấp cao, trong đó có 4 thứ trưởng của 4 bộ là Bộ Y tế, Giáo dục, Công an và GTVT.

Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội mới giải ngân được 3% trong 2 năm (ảnh: Phạm Huyền)

Bộ GTVT còn sở hữu 1 dự án ODA có tổng vốn khá lớn là 207,7 triệu USD nhưng lại có tỷ lệ giải ngân thấp kỷ lục: 2 năm chỉ sử dụng được 2 triệu USD, đạt 1%. Đó là dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông cho khu vực Mêkông. 

Đại diện của Bộ GTVT lý giải, bộ máy điều phối quá cồng kềnh, có tới 15 chủ đầu tư tham gia gồm 13 tỉnh và 2 đơn vị Cục Đường bộ và Cục Đường sông. Mỗi quyết định và phê duyệt phải được 2 cơ quan chấp thuận, thủ tục rất rườm rà. Khi chuẩn bị dự án gặp đúng lúc lạm phát, giá cả tăng cao, các địa phương đều lúng túng và phần làm được rất sơ sài.

Một dự án khi có sự ôm đồm nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cùng tham gia, lại triển khai trải rộng từ Bắc tới Nam sẽ khó điều phối. Bộ KH-ĐT đề xuất phải rút kinh nghiệm ngay từ việc thiết kế dự án theo hướng tinh giản hơn, chuyên sâu hơn.

Có thể nói, mỗi một dự án đều có nguyên nhân đặc thù riêng để dẫn tới sự chậm trễ, ỳ ạch trong triển khai nhưng tựu chung lại, lỗi đầu tiên là năng lực hạn chế của chủ đầu tư.

Theo ông Nguyễn Thế Dũng, chuyên viên của WB, điểm chung của cả 10 dự án này là đều bị mất quá nhiều thời gian để xây dựng Ban quản lý dự án, khoảng 2 năm. Sau khi ký hiệp định thương mại, Ban quản lý này mới được ra đời và dự án mới bắt đầu đi vào hoạt động. Trong khi đó, theo quy định, ban quản lý dự án có thể được thành lập trong vòng 10 ngày sau khi có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được phê duyệt.

Sẽ tái cơ cấu lại dự án sử dụng vốn ODA

Với việc bị đưa 10/42 dự án vào hệ thống giám sát của WB, vấn đề chậm giải ngân vốn ODA của Việt Nam đã ở mức báo động đỏ.

Hệ luỵ đáng tiếc hơn cả là cơ hội tiếp tục hấp thụ những đồng vốn ưu đãi của cộng đồng quốc tế sẽ nhỏ đi. Trong khi đó, các dự án dùng nguồn ODA đều tập trung xử lý những vấn đề bức xúc của Việt Nam như khắc phục yếu kém cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường…

Đến tháng 6/2009, WB cam kết cung cấp 5,1 tỷ USD vốn ODA nhưng tới nay, còn tới 3,8 tỷ USD chưa giải ngân được.

Các nhà quản lý cấp cao của WB lo ngại khả năng đảm bảo nguồn ODA cho Việt Nam trong trung và dài hạn đã đặt ở mức độ báo động do tỷ lệ giải ngân quá thấp.

 Chẳng hạn, tại dự án phát triển lâm nghiệp của Bộ NN&PTNT, do mất 2 năm đầu đấu thầu kéo dài, dự án đã bị giảm diện tích đất và như vậy, sẽ không thể đạt được mục tiêu ban đầu là trồng rừng trên 66.000ha.

Thậm chí, việc rút vốn ODA của toàn dự án có thể được tính đến như trường hợp các dự án trong năm nay phải kết thúc nhưng tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 1-10%.

Hiện nay, tỷ lệ giải ngân vốn ODA bình quân mỗi năm của Việt Nam chỉ đạt có 12-13%/năm trong khi, mức bình quân của khu vực là 20-22%/năm.

Trước tình trạng này, giải pháp phải tái cơ cấu lại dự án ODA đang được WB và Bộ KH-ĐT bàn tới. Trung bình, sẽ phải mất tới 6 tháng để cơ cấu lại dự án trong khi không phải dự án nào cũng còn cơ hội về thời gian để hoàn thành.

Tại cuộc họp mới đây với Bộ KH-ĐT về 10 dự án phải “để ý” tới, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam đã nhấn mạnh, tỉnh nào không thực hiện đúng cam kết về giải ngân vốn ODA thì không nên tiếp tục phân bổ vốn ODA cho tỉnh đó.  Những hợp phần nào trong các dự án không còn cần thiết thì sẽ phải huỷ bỏ.

Việc phân bổ vốn ODA phải dựa trên kết quả thực hiện vốn ODA trước đó. Với tình trạng giải ngân trì trệ này, việc tiếp tục mở rộng thêm vốn ODA mới sẽ khó khăn, bà Victoria Kwakwa bày tỏ. Bởi lẽ, việc thu hút vốn ODA của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các quốc gia khác.

Dù vậy, bà khẳng định, vốn ODA dư ra sẽ phân bổ lại cho các dự án trên phạm vi lãnh thổ của Việt Nam.

Ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT nói rằng, Chính phủ không để thiếu vốn đối ứng  cho dự án ODA. Vì thế, các chủ đầu tư sẽ phải quyết tâm mạnh mẽ trong từng dự án một. Bộ sẽ làm rõ trách nhiệm của từng địa phương, bộ, ngành trong việc làm chậm dự án cụ thể.

Sắp tới, Bộ KH- ĐT và WB sẽ tiếp tục điểm mặt thêm 10-15 dự án khác để tháo gỡ mọi vướng mắc tới cùng. Đây là việc làm cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh các gói kích cầu đầu tư và mong muốn dự án sẽ đóng góp cho tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay.

  • Phạm Huyền

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;