- Nhiều dự án lưới điện quốc gia đang chậm tiến độ so với kế hoạch. Năng lực truyền tải sẽ khó đáp ứng được yêu cầu theo tốc độ tăng thêm của công suất nguồn điện từ 3.000-4.000 MW/năm. Bộ Công Thương đánh giá, nguy cơ mất cân đối giữa nguồn điện và lưới điện truyền tải bắt đầu thấy rõ.
Dự án truyền tải điện miền Bắc mở rộng đang được triển khai gồm 8 tiểu dự án thành phần: ĐZ 500kV Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan, ĐZ 500kV Sơn La - Sóc Sơn, ĐZ 500kV Quảng Ninh - Mông Dương, TBA 500kV Hiệp Hòa, Mở rộng TBA 500kV Thường Tín, Mở rộng TBA 220kV Vân Trì, ĐZ 220kV Thanh Hóa - Vinh mạch 2, ĐZ 220kV Hà Tĩnh - Thạch Khê.
Đây là gói dự án sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có tổng giá trị vay là 360 triệu USD, gọi tắt là khoản vay 2225-VIE. Hiệp định vay này đã được ký từ năm 2006 và hết hạn vào ngày 31/12/2010.
Tiến độ công trình lưới điện cần đồng bộ với tiến độ nguồn điện. (Ảnh: VNN) |
Tuy nhiên, phần lớn các tiểu dự án đều đang chậm tiến độ so với kế hoạch. Tổng Công ty Truyền tải Điện quốc gia (NPT) khẳng định, ba tiểu dự án quan trọng chiếm hầu hết tổng giá trị vốn vay của cả dự án sẽ không thể hoàn thành đóng điện trước thời điểm cuối năm 2010, là năm kết thúc khoản vay. Đó là tiểu dự án ĐZ 500kV Sơn La - Hiệp Hòa, TBA 500kV Hiệp Hòa và ĐZ 500kV Quảng Ninh - Mông Dương.
Nguyên nhân chậm trễ tiến độ chủ yếu do vướng mắc về đền bù tái định cư, đồng thời, một số dự án phải điều chỉnh tuyến đường dây do trùng với qui hoạch của một số huyện liên quan.
Bên cạnh đó, lạm phát năm 2008 đã làm cho giá vật tư thiết bị tăng cao dẫn tới phải hiệu chỉnh lại giá gói thầu, phải thay đổi trong tính toán thiết kế kỹ thuật tổng dự toán. Chi phí đầu tư thực tế của 8 tiểu dự án đã tăng lên khoảng 45,21 triệu USD so với tổng dự toán vốn vay đã ký ban đầu.
Theo Ban chỉ đạo Quy hoạch điện 6, các công trình lưới điện cần đảm bảo đồng bộ với tiến độ nguồn điện. Với tình trạng lưới điện bị chậm tiến độ, hệ lụy xấu là nguy cơ mất cân đối giữa nguồn và lưới điện truyền tải trên hệ thống điện quốc gia.
Hiện nay, dung lượng các trạm 220kV chỉ xấp xỉ bằng tổng công suất nguồn trên toàn hệ thống, gần 14.761 MVA. Với tốc độ nhu cầu tăng thêm cần 3.000-4.000MW bổ sung mỗi năm thì năng lực truyền tải sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, thông thường, năng lực truyền tải phải cao hơn từ 10-20% so với công suất của các nguồn phát.
Một khó khăn khác đã được báo cáo lên Bộ Công Tthương là tình trạng thiếu vốn trầm trọng của các dự án. Nhiều công trình lưới điện cần đóng điện cho năm 2010-2012 đến nay vẫn chưa thu xếp được vốn.
Tổng nhu cầu vốn cho các công trình lưới điện theo Quy hoạch điện 6 tính đến năm 2015 là khoảng 8,7 tỷ USD, tương đương 148.000 tỷ đồng nhưng hiện nay, vốn KHCB của NPT giai đoạn này mới chỉ 25.000-30.000 tỷ đồng, không đủ để trả nợ. So với tổng vốn cần có, lượng vốn này chỉ đạt 16-20%.
Ban chỉ đạo Quy hoạch điện 6 cũng cho biết thêm, khối lượng nợ năm 2008 chưa thanh toán được cho các công trình lưới điện ước lên tới 465 tỷ đồng. NPT không đủ vốn tự có tối thiểu cho đầu tư dự án là 15%.
Đến nay, theo NPT, ADB đã đồng ý tài trợ bổ sung thêm số tiền vượt dự toán của Dự án truyền tải điện miền Bắc mở rộng là 45,21 triệu USD. Đồng thời, về nguyên tắc, ngân hàng này cũng đã đồng ý tài trợ bổ sung khoảng 250 triệu USD cho dự án này.
Khoản vốn này được NPT dự kiến dành cho 11 công trình lưới điện thuộc khu vực miền Bắc đang chưa thu xếp được vốn, trong đó có 9 công trình lưới điện 220kV và 2 công trình 500kV.
Tuy nhiên, NPT vẫn phải xin phép EVN phê duyệt kế hoạch này. Để thuận lợi cho việc đầu tư dự án lưới điện, Bộ Công thương dự kiến sẽ chuyển chủ đầu tư của các dự án ODA từ EVN sang NPT.
-
Phạm Huyền