- Ông Vũ Công Chính - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết, Cục này đã có kế hoạch đề xuất lên Bộ Tài chính về việc thanh tra mặt hàng sữa trên toàn quốc.
"Nếu lãnh đạo Bộ quyết định sớm thì việc này sẽ được giao cho Tổng cục Thuế chủ trì và tiến hành ngay trong tháng 3", ông Chính nói.
Không chỉ vậy, Bộ Công Thương cũng nhận định trong một báo cáo do Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh ký rằng giá nguyên liệu sữa nhập khẩu đã giảm gần 50% so với tháng 2/2008 nhưng sản xuất sữa vẫn tăng chậm. Sản lượng sữa bột 2 tháng ước đạt 6 nghìn tấn, chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ, bằng 10,9% so với kế hoạch năm 2009. Trong đó, tháng2, sản lượng sữa bột chỉ đạt 2,9 nghìn tấn, giảm 7,1% so với tháng 1.
Đặc biệt, giá bán sản phẩm vẫn đứng ở mức cao, chưa có dấu hiệu giảm giá. Một số loại sữa nhập ngoại đã được người bán lẻ tự ý tăng giá 5.000-10.000đồng/hộp như sữa Gain Advance IQ, Pedia Sure...Việc tăng giá sản phẩm sữa trong khi sữa nguyên liệu giảm như vậy là điều bất bình thường, do vậy, cần phải tiến hành kiểm tra việc tăng giá sữa đối với các nhà phân phối tại Việt Nam.
"Việc tăng giá sữa là bất bình thường"- báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ.
Chiều ngày 2/3, trao đổi với phóng viên, ông Triệu Quang Thìn, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, trong tuần này, Ban chỉ đạo 127 Trung ương sẽ có văn bản gửi Ban chỉ đạo 127 tại các địa phương và gửi Bộ Y tế về kế hoạch phối hợp kiểm tra ngăn chặn mặt hàng sữa nhập lậu, sữa giả, sữa kém chất lượng lưu thông trên thị trường nội địa.
Để công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này đạt hiệu quả cao nhất, Ban chỉ đạo 127 Trung ương sẽ đề nghị Bộ Y tế cung cấp danh sách các đơn vị được phép sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm sữa, nguyên liệu sữa trên cả nước, cung cấp các nhãn sữa kém chất lượng qua kiểm tra không đảm bảo chất lượng như đã công bố hoặc đã đăng ký.
Đặc biệt, Ban này đề nghị Bộ Y tế công bố các tiêu chí cụ thể về mức độ kém chất lượng của sản phẩm được xem là hàng giả để các cơ quan chức năng có căn cứ pháp lý xử lý đối với các hành vi vi phạm.
Theo ông Chính, đợt thanh tra này không chỉ tập trung vào vấn đề giá mà sẽ kiểm tra nhiều vấn đề liên quan đến tài chính, kinh doanh của DN sản xuất và kinh doanh sữa nhằm làm rõ vấn đề giá thành, lợi nhuận để xem xét sự hợp lý của giá sữa trên thị trường hiện nay.
Thanh tra giá sữa từ góc độ tài chính để tìm ra một phương án kiểm soát giá hợp lý. (Ảnh: VNN) |
Vì thế, việc giao nhiệm vụ này cho Tổng cục Thuế, theo ông Chính, là có lý của nó. Cơ quan này tính toán số tiền thuế phải nộp của các DN nên nắm rất rõ chi phí đầu vào, đầu ra để có cơ sở làm rõ vấn đề giá cả của kinh doanh và lợi nhuận của các DN.
Do vậy, việc giao cho cơ quan thuế là thanh tra giá cả có vẻ là hơi "trái tay", song, thực ra là hợp lý với ý đồ làm rõ vấn đề tài chính của DN, từ đó có sự kiểm soát giá cả một cách hợp lý.
TIN LIÊN QUAN |
---|
|
Việc thanh tra giá sữa đặt ra trong bối cảnh hiện giá nguyên liệu sữa trên thế giới đang giảm nhưng giá sữa, nhất là với sữa nhập khẩu ở Việt Nam, hiện được cho là rất cao. Nhiều thông tin đã đặt vấn đề về lợi nhuận rất lớn đang chảy vào các DN kinh doanh sữa.
Mặc dù sữa không phải là mặt hàng nằm trọng diện quản lý giá của nhà nước, tuy nhiên, đây là mặt hàng nhạy cảm nên việc thanh tra là cần thiết như một biện pháp để ổn định thị trường này.
Trước đây, vào cuối năm 2007 đầu 2008, khi giá sữa liên tục tăng cao lại vào đúng lúc chỉ số giá tiêu dùng bắt đầu tăng liên tục, Bộ Tài chính cũng đã tổ chức thanh tra giá sữa cùng một số mặt hàng khác, như thép...
Ban đầu, mọi việc được giao cho Cục Quản lý giá nhưng sau đó cũng được chuyển sang cơ quan Thuế để làm rõ vấn đề giá cả từ góc độ tài chính.
Cuộc kiểm tra đã được tiến hành khá rộng, trên phạm vi cả nước, nhưng kết quả chính thức cuối cùng về đợt thanh tra này lại không được công bố công khai. Từ đó đến nay, sữa vẫn là mặt hàng tăng giá liên tục.
-
Phước Hà - Diệp Anh