- Mấy ngày này, các chủ nhà trọ đã rục rịch nâng giá điện lên mức cao ngất ngưởng. Một số (KW) điện ở nấc thang cuối cùng có giá cao nhất chỉ là 1.790 đồng (chưa tính thuế VAT) song ở rất nhiều khu nhà trọ tại Hà Nội, bình quân giá là 3.000đồng/kWh.
30 và 150 ngàn đồng
“Tháng 3, tăng giá điện đấy nhé!”. Mấy ngày hôm nay, hầu như sinh viên và những người đang thuê nhà tại Hà Nội đều nhận được thông báo chắc nịch này từ các chủ nhà.
Những người lao động, sinh viên thuê nhà phải gánh chịu giá điện cao ngất ngưởng do chủ nhà đưa ra. Ảnh: VNN. |
Sáng, mới bước chân ra khỏi nhà thì bà chủ đã rào trước: “Này, có khi phải tăng lên 3.000 đồng một số điện đấy cháu!”. Vội đi làm nên Dương (nhân viên một công ty truyền thông, đang thuê nhà ở đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội) chỉ kịp cười méo mó: “Sao cao thế hả bà!” và định bụng tối về, phải thương thảo lại việc tăng giá điện này.
Dương than thở với đám bạn cùng cơ quan: “Đúng là xui xẻo, chưa gì đã bị doạ tăng giá điện!”. Chưa kịp dứt lời thì ngay lập tức, 3- 4 cái miệng khác đồng thanh: “Ôi trời ơi, bên tôi đã thông báo tăng giá điện rồi, cao “dã man” lắm! Tăng giá gì mà tới tận 3.000-4.000 đồng”. Chỉ có vậy, mọi bức xúc, ấm ức về những ông bà chủ nhà ép giá điện được tuôn ra không ngớt. Phòng làm việc của Dương có tới hơn nửa phòng là người dân tỉnh ngoài, đều đang phải thuê nhà trọ bình dân. Sáng thứ Sáu (27/2), sau 1 hôm Bộ Công Thương thông báo biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt cụ thể thì chuyện giá điện leo thang được bàn luận rôm rả.
Còn tại khu trọ thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội, Lê Thị Trang (quê ở Yên Bái), sinh viên Học viện Ngân hàng cho biết, chủ nhà đã thông báo chính thức áp dụng giá 3.000đồng/kWh từ ngày 1/3.
Trang tâm sự: “Bình thường, ở phòng em đã chịu giá 2.500đồng/kWh. So với mức cao nhất của Nhà nước hiện là 1.780đồng/kWh thì các chủ nhà đã lãi tới 700 đồng rồi. Em thực sự choáng. Nhà trọ bình dân nhưng giá thì đắt đỏ, 1,2 triệu đồng/phòng. Cộng các khoản chi phí điện, nước hiện nay thì đã mất 1,6 triệu đồng/tháng. Nếu với mức tăng giá này, một tháng dùng 50 số điện thì mất tới 150.000đồng, trong khi dùng mức này theo giá Nhà nước chỉ mất có 30.000 đồng!”
Cái lý của chủ nhà
Trang bảo: “Không thể thắc mắc được gì với chủ nhà vì họ là người quyết định. Có thắc mắc nữa cũng không giải quyết được việc gì cả, không chừng còn bị đuổi!”
|
Cũng như tâm sự của Trang, Phạm Thu Hương (quê ở Quảng Ninh), công nhân một công ty sản xuất đồ chơi tại đường Láng, Hà Nội kể: “Vừa thắc mắc với chủ nhà, giá cao nhất trong biểu giá điện mới vẫn chưa tới 1.800 đồng thì chị lấy giá của bọn em là 2.000 đồng như cũ là vừa phải rồi, 3.000 đồng thì đắt quá, ngay lập tức, chị chủ nhà quắc mắt: “Thắc mắc lắm! ở được thì ở, không ở được thì đi. Đang đầy người tìm nhà kia kìa, cho bọn em đi, chị còn được tăng giá nhà!”.
Lê Thanh Phương, sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền còn bức xúc kể: “Bên nhà em thuê, chủ nhà còn tính hệ số “khấu hao” dùng công tơ! Cứ 10kWh điện thì phải cộng tới 1kWh nữa. Một tháng, em dùng 50kWh điện thì sẽ phải tính thêm là 55kWh. Giá hiện tại đang là 2.500đồng/kWh rồi. Lần này, không chừng sẽ tăng lên 4.000đồng/kWh mất.”
Trên thực tế, giá điện nhà trọ đắt hơn giá điện Nhà nước đã là “luật bất thành văn” ở hầu hết các khu nhà trọ hiện nay. Các chủ nhà thường đưa ra lý do, không thể tách công tơ cho từng phòng trọ vì thực tế, chỉ có một hộ khẩu. Do vậy, các phòng trọ phải chấp nhận mức giá bậc thang cuối cùng.
Trừ một số ít, các chủ nhà tính khoán tiền điện. Những chủ nhà cho thuê theo căn hộ riêng biệt, độc lập, thường lắp công tơ riêng thì giá điện được tính theo đúng biểu giá của Nhà nước. Song, những loại nhà này là thuộc mức “cao cấp”, thường có giá từ 1,7triệu đồng/căn trở lên, chỉ dành cho những người có thu nhập khá hoặc sinh viên có gia đình giàu có.
Còn đại bộ phận, hàng trăm ngàn sinh viên và những người công nhân, nhân viên đều phải tìm đến nhà trọ bình dân, giá rẻ hơn, từ 1 triệu đồng/phòng trở xuống. Tuy nhiên, những kiểu nhà trọ này thường có giá điện, giá nước cao ngất ngưởng. Ngay tại thời điểm này, cũng đã có nhiều nơi áp dụng mức giá điện từ 2.500-3.000đồng/kWh. Chưa kể, hệ thống các công tơ điện ở đây không đảm bảo chính xác.
Nhiều người thuê nhà đang rất bất bình với cách ép giá điện một cách bất hợp lý này. Theo biểu giá điện sinh hoạt mới, có 7 nấc thang thì mức giá cao nhất là 1.790đồng/kWh, chỉ cao hơn 10đồng/kWh đối với biểu giá bậc thang cũ. Việc tăng giá điện tới 700đồng-1.200đồng/kWh tại các nhà trọ được coi một khoản lãi nghiễm nhiên của các chủ nhà chứ không phải là tăng giá bù lỗ.
Thiệt thòi nhưng bất lực
Theo biểu giá mới, từ 401kWh điện trở lên sẽ áp dụng mức giá cao nhất là 1.790đồng/kWh. Như vậy, theo giá luỹ tiến được áp dụng trong 400kWh đầu tiên thì tổng số tiền điện cho 400kWh này là 540.070đồng, cộng 10% VAT là 594.757 đồng.
Khu trọ nơi sinh viên Lê Thị Trang thuê có 10 phòng, nếu trung bình mỗi phòng sử dụng 50kWh/tháng thì tổng số điện sử dụng là 500kWh điện. Áp dụng giá cao nhất của Nhà nước sắp tới là 1.790đồng/kWh, tổng số tiền điện là 984.500đồng tính cả VAT nhưng nếu theo giá 3.000đồng/kWh, nghiêm nhiên các chủ nhà thu tiền điện khoảng 1.500.000đồng. Các phòng trọ càng dùng nhiều điện thì các chủ thuê nhà càng lãi lớn.
Thực tế việc quản lý giá điện giữa người thuê nhà và chủ nhà là rất khó khăn. Ảnh: VNN. |
Theo thông tư 05 về biểu giá điện của Bộ Công Thương, những người thuê nhà vẫn có cơ hội để hưởng giá điện tính theo bậc thang. Đối với trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà có thời hạn thuê nhà từ 12 tháng trở lên thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc uỷ quyền cho đại điện người lao động hoặc sinh viên thuê nhà ký kết hợp đồng này, có bảo lãnh thanh toán tiền điện của chủ nhà.
Trong trường hợp này, cứ 4 người, căn cứ vào giấy đăng ký tạm trú dài hạn tính là 1 hộ sử dụng điện để áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang. Trường hợp thuê nhà dưới 12 tháng thì chủ nhà phải trực tiếp ký hợp đồng mua điện. Tuy nhiên, hầu hết các chủ nhà trọ không áp dụng cách thức này mà thường tính giá điện theo 1 công tơ chung để lấy lãi thêm tiền điện.
-
Diệp Anh