221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1003436
Kinh doanh tiền qua mạng và nước mắt nhà nông
1
Article
null
Kinh doanh tiền qua mạng và nước mắt nhà nông
,

(VietNamNet) - Mấy ngày gần đây, dư luận trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp xôn xao về chuyện hàng ngàn người dân ở thị trấn Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) và vùng lân cận đang bị cuốn vào vòng xoáy của đường dây kinh doanh tiền tệ đa cấp qua mạng Internet, bất chấp nguy cơ trắng tay.

Vậy thực chất của lối làm ăn này là gì? Nhóm phóng viên đã đến địa phương tìm hiểu câu chuyện.

Theo phản ánh, đây là một đường dây do vợ chồng bác sĩ Nguyễn Trung Quân - Lê Thị Mộng Thu ngụ tại thị trấn Mỹ Thọ - huyện Cao Lãnh điều hành. Theo cơ quan chuyên môn, ước có khoảng hàng ngàn người dân địa phương, đa phần là nông dân đã sụp bẫy trong vụ kinh doanh qua mạng.

Những người nông dân nghèo đang chờ đợi một cách vô vọng để lấy lại tiền (ảnh: H. Nguyễn)
Những người nông dân nghèo đang chờ đợi một cách vô vọng để lấy lại tiền (ảnh: H. Nguyễn)

Lấy tiền thật mua tiền giả

Chúng tôi qua đò sang xã Tân Thuận Đông – một xã cù lao của thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp), trên chuyến đò ngắn ngủi, câu chuyện chúng tôi được nghe là những nhà nông kinh doanh tiền qua mạng kiếm lời, nhưng lời lãi đâu không thấy, chỉ thấy sự mỏi mòn chờ đợi.

Chị Hồ Thị Ánh Loan - ấp Đông Định – xã Tân Thuận Đông – thành phố Cao Lãnh, đầu tư 100 đô la vào mạng kinh doanh có tên là C–Invest, cùng đầu tư với chị có hai hộ khác khác đi vay mượn tiền để tham gia. Tuy nhiên, từ ngày 18/10 đến nay, tất cả đều chờ đợi mỏi mòn. Chị Loan hồn nhiên kể “Tui hỏng có tiền, rồi ông dắt mối cho mượn 100USD để nạp tài khoản, thấy tui làm, chị Chín Trung, và chị Ba ham quá cầm cố đất cùng tham gia kiếm lời, ai dè mất luôn”.

Chị Loan và nhiều bà con khác ở xứ cù lao hiền hoà này suốt ngày chỉ biết cái cày, cái cuốc, giờ kinh doanh qua mạng phải tập tành truy cập Internet ở bưu điện văn hoá xã. “Tui có biết gì đâu, thấy mở ra có ông Tây đứng trong đó, rồi có tên mình nữa nên nạp tiền chơi đại”. Một “nạn nhân” khác trong xã nói với những giọt nước mắt trên má.

Theo ông  Đỗ Văn Hạnh – Phó chủ tịch UBND xã thì gần phân nửa số hộ dân trong ấp tham gia đầu tư kinh doanh tiền trên mạng internet là những hộ thuộc diện xoá đói giảm nghèo, hay chỉ mới vừa thoát nghèo. Có hộ còn phải đi vay quỹ tín dụng nhân dân mới có tiền chơi. “Chắc là chương trình xóa đói giảm nghèo của xã còn phải mệt dài dài”, ông Hạnh thở dài than.

Khi nghe chúng tôi tìm hiểu chuyện kinh doanh tiền qua mạng của vợ chồng Quân – Thu, nhiều người đã chờ sẵn để kể lại hoàn cảnh của mình. Ông Nguyễn Văn Đáo tức tưởi kể: “Tui  mới có được đôi bò xoá đói giảm nghèo, nghe nạp tiền vô mạng lời bắt ham nên bán tuốt đôi bò được 400 đô la, cộng với số tiền 100 “đô” tích cóp được nhờ bán vé số đưa tuốt cho người ta, con gái tui bán ve chai lông vịt cũng được 500 “đô” đưa vô, giờ tiêu hết rồi chú ơi”

Chị Lê Thị Tuyết Vân ẵm đứa con bị bệnh bại liệt trên tay, rưng rưng nước mắt kể: “Chồng tui đi làm mướn cả chục năm nay, gom được 300 “đô” để dành trị bệnh cho thằng nhỏ, giờ mất, coi như đổi mạng tui rồi.”

Bi đát hơn, chị Lê Thị Năm gom mấy chục triệu đồng chuẩn bị xuống giống cho mùa rẫy sắp tới. Mặc dù chồng chị can ngăn dữ dội nhưng chị lén lấy tiền “nướng” vào mạng. “Mùa rẫy này chắc phải vay tiền Nhà nước xuống giống, chồng tui mà hay được ổng đánh chắc chết, rồi đuổi tui ra khỏi nhà luôn.” Chị đưa tay quệt ngang đôi mắt sưng húp vì khóc ròng mấy ngày nay.

Khổ nhất có lẽ là bà Nguyễn Thị Ê, lớn tuổi, chồng chết, con chết, để lại một bầy cháu nội nheo nhóc. Với hơn công đất vườn, bà đã cầm cố lấy 100 USD tham gia cuộc chơi và tràn trề hy vọng với lời hứa chỉ ít tuần là lấy vốn lấy lời gấp mấy lần. Thông qua một đầu nậu, bà tham gia đầu tư vào mạng có tên là C-Invest. Tiền vốn trao tay người khác đã mấy tuần, nhưng tiền lời thì bặt vô âm tính. Bà Ê, không biết đi xe, vậy mà hai ba tuần nay bà qua hai chặng đò, lội bộ 7- 8 cây số để đến tiệm karaoke của Trần Thị Ngọc Bích, một đầu nậu ở thành phố Cao Lãnh, để rút tiền, nhưng bà hoàn toàn vô vọng. Và nước mắt đã rơi theo nhịp chập chờn của website C-Invest.

Nước mắt nhà nông

Vụ lừa đảo vét hết tiền của cả những người nghèo nhất (ảnh: H. Nguyễn)
Vụ lừa đảo vét hết tiền của cả những người nghèo nhất (ảnh: H. Nguyễn)
Người ta gọi những người nộp tiền vào tài khoản để tham gia đường dây kinh doanh tiền qua mạng là nhà đầu tư. Nhưng những nhà đầu tư mà chúng tôi gặp tại nhà vợ chồng ông Quân – bà Thu là những nông dân chính hiệu.

Có người, khi chúng tôi hỏi họ, tên, địa chỉ của mình còn không rõ, nhưng lại bỏ tiền ra hàng trăm, hàng ngàn đô la để mua một tài khoản ảo trên mạng với bao thủ tục rườm rà nào là password, nào là username, toàn những thuật ngữ vi tính.

Như anh Bùi Văn Luỹ ở ấp Bình Quới, xã Hoà An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, bản thân bị tật nguyền, đi lại trên hai chiếc nạng, nhưng cũng cố gắng gom góp, kể cả vay mượn tiền để nạp vào tài khoản. Lần đầu tiên anh tới nhà ông Nguyễn Trung Quân để rút tiền, và anh nhận được lời hứa là chờ trưởng nhóm.

Ông Huỳnh Văn Bay, ở huyện Lai Vung cũng chẳng hơn gì anh Luỹ. Cả gia đình ông có 4 hộ, đã hùn vốn đầu tư trên 2000 đô la. Theo ông Bay thì hiện ông đã rút được hơn phân nữa vốn, lời lãi đâu không thấy, chỉ thấy số tiền còn lại không biết đang ở phương trời vô định nào. Ông Bay nói:  “Tui với bốn người con nạp vô hai ngàn mấy đô, giờ rút ra được một mớ, còn lại sắp tới như thế nào tui không biết”

Vậy ông Bay, anh Luỹ, và rất nhiều người khác được gọi là “nhà đầu tư” vào mạng kinh doanh tiền ảo qua mạng internet được đảm bảo quyền lợi như thế nào? Bởi theo quan sát của chúng tôi, dù nộp 100 USD hay hàng ngàn USD thì hầu như không một nhà đầu tư nào nhận được hoá đơn chứng từ bảo đảm, mà nói theo kiểu những nhà đầu tư là bỏ tiền đô thật mua đô la ảo trên mạng mà không có lấy một tấm giấy lận lưng.

Trước những mất mát của người nông dân, ấy vậy mà khi tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Quân - người điều hành đường dây kinh doanh tiền đa cấp vẫn trâng tráo, “Đây là một cuộc chơi, nếu mất thì cùng mất hết”. Ông Quân còn đưa ra các biên lai mà trong đó ông đã bắt buộc người dân cam kết “Chúng tôi tự nguyện tham gia vào tập đoàn Colony, nếu có rủi ro, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm và không khiếu nại bất cứ điều gì”.

Sự thật đã rõ, theo tìm hiểu của chúng tôi hình thức kinh doanh của vợ chồng Quân – Thu mang nặng tính lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tài sản của những người nông dân vốn ít học, cả tin. Rất mong các cơ quan chức năng sớm làm rõ và xử lý nghiêm khắc vợ chồng Quân – Thu, để trả lại công bằng cho người dân xóm cồn nghèo này.

  • H.Nguyễn

Ý kiến bạn đọc:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,