(VietNamNet) - Báo cáo môi trường kinh doanh vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 26/9 đánh giá, Việt Nam là một trong những nước có tiến bộ trong cải thiện môi trường kinh doanh. Vị trí xếp hạng của Việt Nam năm nay là 91 trên tổng số 178 nước được khảo sát về môi trường kinh doanh.
Việt Nam đang đi đúng hướng
Ông Sing Foong Wong - Giám đốc Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) thuộc WB tại Việt Nam cho biết, bảng xếp hạng cho thấy một kết quả rất tích cực. Việt Nam xếp vị trí 91/178 quốc gia so với vị trí 104/175 quốc gia năm ngoái.
Điều đáng chú ý, vị trí của Việt Nam không chỉ tăng lên mà khoảng cách giữa Việt Nam so với các nước có vị trí cao trong khu vực đã được thu hẹp. Kết quả này đã thể hiện những nỗ lực của Việt Nam trong việc tạo thuận lợi hơn cho DN. Việt Nam đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm để môi trường kinh doanh ngày càng tốt hơn.
Việt Nam đi đúng hướng trên con đường cải cách môi trường kinh doanh. (Ảnh: VietNamNet) |
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong 3 năm gần đây, năm nay xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam cải thiện mạnh mẽ nhất. Năm 2006, xếp 98/155 quốc gia, năm 2007 là 104/175 quốc gia và năm 2008 là 91/178 quốc gia. Như vậy, những nỗ lực cải cách của Việt Nam đã được ghi nhận và tạo ra sự đảo chiều trong xếp hạng.
Trong 10 tiêu chí đưa vào xếp hạng, so với năm ngoái Việt Nam tiến bộ trong 5 tiêu chí nhưng có 4 tiêu chí tụt hạng và 1 tiêu chí không thay đổi.
Cụ thể, mức độ thuận lợi kinh doanh chung của Việt Nam xếp 91. Trong đó, tiêu chí thành lập doanh nghiệp không thay đổi và đứng thứ 97; 4 tiêu chí tụt hạng là thủ tục cấp giấy phép 63 (năm 2007 là 25), đăng ký tài sản 38 (năm 2007 là 34); nộp thuế 128 (120) và giải thể DN 121 (116). Năm tiêu chí tăng điểm là tuyển dụng và sa thải lao động 84 (104); bảo vệ nhà đầu tư 165 (170); thương mại quốc tế 63 (75); thực thi hợp đồng 40 (94); vay vốn và tín dụng 48 (83).
Tuy nhiên, các chuyên gia của WB cho rằng, không nên quá chú ý vào vị trí xếp hạng cụ thể mà cần tập trung cho những cải cách của mình đang tiến hành. Điều quan trọng hơn vị trí là Việt Nam cần được so sánh với các nước trong khu vực. Việt Nam có vị trí thấp hơn do vậy luôn phải có một nỗ lực mạnh mẽ hơn trong cải thiện môi trường kinh doanh để thu hẹp khoảng cách với các nước khác. Các nước có vị trí cao hơn Việt Nam như Singapore (đứng thứ nhất), Thái Lan 15, Malaysia 24, Trung Quốc 83... đều rất nỗ lực để duy trì và nâng cao vị trí của mình.
Nhà đầu tư khi quyết định đầu tư họ sẽ so sánh Việt Nam với các nước xung quanh. Báo cáo này sẽ là một nguồn tham khảo, Việt Nam có tiến bộ nhưng còn có khoảng cách với các nước. Vì thế, vị trí xếp hạng là một chuyện nhưng tương quan khoảng cách với các nước khác là một vấn đề quan trọng.
Còn nhiều việc phải làm
Các chuyên gia WB chỉ ra hai điểm đổi mới đáng kể nhất của Việt Nam trong thời gian tiến hành báo cáo từ 1/4/2006-31/6/2007 là: tiếp cận tín dụng và bảo vệ nhà đầu tư. Việc tiếp cận tín dụng của DN đã được mở rộng thông qua việc mở rộng phạm vi tài sản có thể sử dụng để thế chấp. Bộ luật Dân sự 2005 và Nghị định 163/2006 về giao dịch bảo đảm đã cho phép DN sử dụng bất động sản hiện có và cả hình thành trong tương lai, hữu hình và vô hình làm tài sản đảm bảo cho khoản vay.
Còn nhiều việc phải làm để môi trường kinh doanh tốt hơn. (Ảnh: Phước Hà) |
Việt Nam xứng đáng vị trí tốt hơn |
Ông Nguyễn Đình Cung cho biết, một số tư liệu xây dựng bản báo cáo chưa được cập nhật có lợi nhất cho Việt Nam. Ví dụ, trong tiêu chí thành lập DN đưa ra 11 thủ tục với 50 ngày và tốn 20% thu nhập GDP đầu người. Đây là con số từ những năm 2000. Hiện tại ở Việt Nam chỉ có 6 thủ tục bắt buộc và không thể có đến 50 ngày như trên đây. Nếu tính đúng thì Việt Nam trong tiêu chí này Việt Nam ở vị trí 30 chứ không phải là 97. Tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư nếu tính đầy đủ các quy định pháp lý mà Việt Nam đã ban hành thì có thể đứng ở vị trí 80 chứ không thể là 165. Hay việc cấp phép cũng không thể lâu đến thế nếu tính một cách chính xác. Thời gian nộp thuế 1.050 được giữ nguyên trong báo cáo 3 năm qua. Điều này có thể đặt dấu hỏi vì nó không tính đến sự vận động của DN và cải cách của Nhà nước Việt Nam. Không thể phủ nhận sự phức tạp, hạn chế và cần tiếp tục nỗ lực cải cách để Việt Nam có một môi trường kinh doanh tốt hơn. Nhưng hy vọng những cải cách của Việt Nam được cập nhật đầy đủ để đưa lại cái nhìn đúng hơn về Việt Nam, ít nhất là trong báo cáo năm tới. |
Bên cạnh đó, Việt Nam đã ban hành Luật Chứng khoán quy định các hoạt động của thị trường chứng khoán với các điều khoản bảo vệ nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ. Luật DN mới cũng đã quy định các hoạt động của công ty phải có sự tham gia của nhà đầu tư, tăng cường các quy định yêu cầu công khai thông tin, đưa thêm các quy định về trách nhiệm của lãnh đạo DN trong việc bảo toàn lợi ích của DN. Bên cạnh đó, Việt Nam còn lên điểm nhờ sự thuận lợi trong tuyển dụng lao động; thương mại quốc tế. Việc thực thi hợp đồng cũng được đánh giá cao khi đã có các quy định rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn rất nhiều điểm yếu cần phải cải thiện. Ngay cả những điểm được đánh giá cao về cải cách là bảo vệ nhà đầu tư thì Việt Nam vẫn xếp thứ hạng rất thấp 165/178. Thuộc nhóm các nước bảo vệ nhà đầu tư kém nhất.
Về vấn đề nộp thuế của DN, Việt Nam thuộc nhóm tiêu tốn nhiều thời gian nhất để đáp ứng các yêu cầu về thuế. Trung bình mất 1.050 giờ để nộp thuế. Thủ tục cấp phép tiếp tục tụt hạng vì DN phải mất quá nhiều thời gian, khoảng 194 ngày với 13 thủ tục và tiêu tốn một số tiền bằng 373,6% so với GDP bình quân là 690 USD của người Việt Nam để có được giấy phép xây dựng.
Tuyển dụng lao động dễ dàng nhưng sa thải và chấm dứt lao động lại rất khó khăn. Đặc biệt, tiêu chí giải thể DN không được cải thiện và bị tụt hạng. Nhà đầu tư muốn giải thế DN để bắt đầu một chu trình kinh doanh mới tốn thời gian khoảng 5 năm và mất 15% chi phí tài sản.
Ngay cả một tiêu chí có nhiều thuận lợi và đã được cải thiện nhiều trong năm qua là thương mại quốc tế vẫn còn rất nhiều vấn đề, tốn kém về chi phí và thời gian so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Singapore... ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Bà Phạm Chi Lan lấy ví dụ, chi phí xuất khẩu hay nhập khẩu một container ở Việt Nam vẫn đắt gấp đôi Trung Quốc và gần như dẫn đầu khu vực. Tốn kém này khiến cho giá thành cao và Việt Nam khó có thể cạnh tranh nổi. Việt Nam rất kỳ vọng việc gia nhập WTO sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng nếu các thủ tục và chi phí xuất khẩu không cải thiện thì cơ hội xuất khẩu khó thành hiện thực.
-
Phước Hà