(VietNamNet) - Ngày 13/9, Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) đã chính thức công bố hai cổ đông chiến lược trong và ngoài nước, kết thúc giai đoạn đầu của quá trình cổ phần hóa (CPH) Bảo Việt với hai công việc chính: bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và chọn cổ đông chiến lược.
Theo đó, Công ty bảo hiểm HSBC Châu Á - Thái Bình Dương - HSBC Insurance (Asia Pacific) Holding limited, thuộc Tập đoàn toàn cầu HSBC là đối tác chiến lược nước ngoài duy nhất và Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) là đối tác chiến lược trong nước.
Bảo Việt hướng tới mô hình tập đoàn tài chính - bảo hiểm. (Ảnh: Bảo Việt)
Để trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, HSBC đã đạt được thỏa thuận mua 10% cổ phần của Bảo Việt. Số cổ phần thực chất mà HSBC nắm giữ là 57.302.661 cổ phần và tổng số tiền mà HSBC phải trả là 4.121 tỷ đồng tương đương 225 triệu USD.
Theo cam kết hợp đồng, HSBC sẽ nắm giữ cổ phần Bảo Việt tối đa 5 năm. Trong thời gian này, HSBC sẽ có quyền chọn mua thêm 8% cổ phần của Bảo Việt theo giá thị trường. HSBC cũng có quyền mua thêm cổ phần Bảo Việt hiện do Nhà nước nắm giữ tới mức tối đa là 25%.
Trong khi đó, nhà đầu tư chiến lược trong nước Vinashin sở hữu 3,56% cổ phần tại Bảo Việt với tổng giá trị hợp đồng là 1.467 tỷ đồng tương đương 90 triệu USD.
Ông Trần Xuân Hà - Thứ trưởng Bộ Tài chính tỏ ra rất hài lòng với việc Bảo Việt chọn được đối tác chiến lược là HSBC và cả mức giá mà Bảo Việt đã bán cho HSBC. Việc lựa chọn cổ đông chiến lược không chỉ giúp Bảo Việt nâng cao tiềm lực tài chính mà còn giúp hỗ trợ kỹ thuật một cách tốt nhất đưa Bảo Việt đạt được các mục tiêu sau khi CPH.
Theo ông Clive Bannister - Tổng Giám đốc HSBC Holding plc, với việc trở thành cổ đông chiến lược, HSBC sẽ hỗ trợ Bảo Việt chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực và mở rộng thị trường... hướng tới mục tiêu trở thành một tập đoàn tài chính tầm cỡ khu vực. Bên cạnh đó, thương vụ đầu tư này cũng sẽ giúp HSBC phát triển mạng lưới và hướng tới các mục tiêu chiến lược trên thị trường bảo hiểm ở Châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Lê Quang Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo Việt cho biết, sau khi CPH, vốn điều lệ của Bảo Việt đã lên tới 9.124 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước vẫn nắm giữ 77,54%. Sau khi CPH, Bảo Việt tiếp tục chuyển đổi mô hình, cơ cấu và quản trị để trở thành Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Bảo Việt xác định mục tiêu trở thành DN dẫn đầu trên thị trường tài chính - bảo hiểm Việt Nam và là tập đoàn tài chính - bảo hiểm có uy tín trong khu vực.
-
Phước Hà