(VietNamNet) - Ông Vương Đình Huệ, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN), cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu đề xuất kiểm toán vốn và tài sản Nhà nước tại DN. Đây là kiểm toán chuyên đề đánh giá hiệu quả đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước.
>>Sử dụng kết quả kiểm toán để chống tham nhũng
Ông Vương Đình Huệ cho biết thời gian tới sẽ kiểm toán cả SCIC. (Ảnh: H.Yên).
Ông Huệ cho rằng, điều này có nghĩa ở đâu có vốn và tài sản của Nhà nước thì ở đó có KTNN. Như vậy, sớm muộn sẽ không ngoại trừ việc kiểm toán cả Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Mối quan hệ SCIC và KTNN, theo ông Huệ, sẽ ngày càng bền chặt do đây vừa là quan hệ phối hợp vừa là đối tượng kiểm toán.
"Vốn Nhà nước cũng là đối tượng kiểm toán của chúng tôi. Luật Kiểm toán cho phép kiểm toán công ty 100% vốn Nhà nước, công ty TNHH một thành viên, công ty cổ phần có các cổ đông là Nhà nước, các loại DNNN mà Nhà nước sở hữu vốn từ 50% trở nên", ông Huệ nói thêm.
Sau khi kiểm toán, nếu phát hiện sai sót, KTNN sẽ kiến nghị về trách nhiệm cá nhân để xảy ra sai phạm. Cơ quan này sẽ gửi công văn tới chủ tịch UBND các tỉnh, các bộ trưởng yêu cầu tuân thủ pháp luật, còn trách nhiệm xử lý là thuộc các bộ. Ví như, nếu có dấu hiệu gian lận về thuế thì cơ quan thuế phải xử lý. Năm qua, KTNN đã gửi 3 hồ sơ sang cơ quan thuế yêu cầu kiểm tra các trường hợp cụ thể.
Thông thường, ông Huệ đánh giá kiến nghị mà KTNN đưa ra để xử lý sai phạm thường đạt tỷ lệ rất cao, trên 70%.
Sắp tới, KTNN sẽ ban hành quy chế về công khai kết quả kiểm toán theo cơ chế mở hơn, kể cả những cuộc họp báo đột xuất tuỳ theo tính chất vụ việc. Việc công bố kết quả kiểm toán năm 2006 về niên độ ngân sách năm 2005 có chậm so với mọi năm, ông Huệ lý giải, đó là do Quốc hội chuyển giao sang khoá mới. Luật Ngân sách quy định quyết toán ngân sách hàng năm được thông qua sau 18 tháng, kể từ khi kết thúc năm tài chính.
SCIC chính thức khai trương gày 17/12/2006, với cách là tổ chức chuyên kinh doanh vốn của Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn này. Một số DN tiêu biểu có vốn đầu tư của SCIC bao gồm FPT, Pacific Airlines, Vinamilk, Bảo Minh, Vinaconex...
Sau một năm hoạt động, SCIC đã nhận bàn giao 687/1.037 DN, với tổng giá trị vốn Nhà nước đầu tư tại các DN theo giá thị trường tăng gấp 4,5 lần so với giá trị ban đầu, đạt xấp xỉ 30.000 tỷ đồng. Ngoài ra, SCIC bắt đầu tiếp cận và chuẩn bị đầu tư vào một số dự án trọng điểm trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng như sân bay, cảng biển, bệnh viện...
Lợi nhuận thực hiện 6 tháng đầu năm 2007 ước đạt 398 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước ước đạt gần 40 tỷ đồng.
-
H.Yên