221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
962154
Thiếu nghiêm trọng nhân viên dịch vụ hàng không
1
Article
null
Thiếu nghiêm trọng nhân viên dịch vụ hàng không
,

(VietNamNet) - Khảo sát mới đây của Công ty Du lịch và dịch vụ hàng không TransViet cho thấy, với tốc độ tăng trưởng 20%/năm của ngành hàng không, cần thêm 400 lao động dịch vụ cho ngành này mỗi năm. Sự thiếu hụt nhân lực khiến các đại lý tranh giành người lẫn nhau, chất lượng nhân lực thì yếu.

Một lớp đào tạo nhân viên dịch vụ hàng không của Học viện Hàng không Việt Nam.

Học kiểu truyền nghề

Ông Mai Trung Thành, Giám đốc Đào tạo của TransViet, nhận xét, hiện số học sinh được đào tạo làm nhân viên dịch vụ hàng không, như đặt chỗ, xuất vé, tính giá... rất ít. Cả nước duy nhất có Học viện Hàng không đào tạo các ngành nghề cho lĩnh vực này, nhưng đặt ở phía Nam, chủ yếu phục vụ Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Số học sinh ra trường mỗi năm không đủ cung ứng cho thị trường. 

Hà Nội và TP.HCM có khoảng 520 đại lý lữ hành, cộng với 40 hãng hàng không đang có văn phòng ở Việt Nam. Ông Thành cho biết, qua khảo sát cho thấy 70% đại lý có chưa quá một nửa nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp. Số còn lại tự bảo nhau theo kiểu truyền nghề, kèm cặp.

Vietnam Airlines cũng có chương trình đào tạo nhân viên đặt chỗ, giữ vé với 4 khoá/năm (mỗi khoá 20-25 học viên), song, cũng chỉ đủ dùng cho hãng. Đối với các đại lý bán vé của hãng, Vietnam Airlines chỉ đào tạo miễn phí cho 1-2 người. Đơn vị nào muốn cử nhân viên đi học phải trả học phí khoảng 6 triệu đồng. 

Ngay tại TransViet, những năm qua, để làm tổng đại lý cho các hãng hàng không lớn như United Airlines (Mỹ ), British Airway (Anh), All Nippon Airways (Nhật), công ty này cũng gần như tự đào tạo nhân viên theo kiểu truyền nghề trong nội bộ công ty.

"Đã có sự chuyển đổi nhân lực giữa các đại lý, các hãng, thậm chí là tranh giành lẫn nhau. Các hãng buộc phải trả tăng lương để lôi kéo nhân viên dịch vụ hàng không về với mình. Điều này không tạo cơ hội cho người lao động ít kinh nghiệm. Mỗi khi có hãng hàng không mới vào Việt Nam là lại bắt đầu có một cuộc rút ruột những nhân lực có nghề của các hãng cũ bằng quy luật giá trị", ông Thành nói. 

Chất lượng nhân viên dịch vụ hàng không, vì thế, cũng còn yếu. Ông Thành ví dụ, nhân viên booking (đặt chỗ) của Việt Nam trong một năm chỉ làm được số lượng hợp đồng bằng 1/2 của nhân viên Thái Lan và 1/3 của nhân viên Singapore.

Giám đốc Văn phòng đại diện của United Airlines tại Việt Nam, ông Joe Mannix, thẳng thắn nói, khả năng chung của nhân viên dịch vụ hàng không ở Việt Nam thì tạm ổn. Song, mức độ hiểu biết sâu về công việc hay các kỹ năng xử lý tình huống, công nghệ thông tin... vẫn kém. Nhân viên đặt chỗ, xuất vé, tính giá... ở Việt Nam cũng chưa biết nhiều về các tiêu chuẩn quốc tế. 

Ông này nhận xét, kỹ năng cần được nâng cao nhất cho nhân viên dịch vụ hàng không chính là tiếng Anh, sao cho trau chuốt. Ngoài ra, sự chủ động, linh hoạt trong công việc cũng là điều mà nhân viên Việt Nam còn thiếu.

DN "xắn tay" tự đào tạo nhân lực

Đại diện Học viện Hàng không, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ Phạm Thị Thuý chia sẻ, các em học sinh toàn quốc có nhu cầu học nghề này đang rất thiệt thòi. Họ phải "khăn gói quả mướp" vào TP.HCM học, và thường ở lại đó luôn nên các đại lý lữ hành, hàng không phía Bắc vẫn khan nhân lực.

Trong khi đó, việc đào tạo ở Học viện vẫn vấp phải khó khăn cố hữu là không có môi trường thực tập, hoặc nếu phải đầu tư, thì rất đắt đỏ. Chưa kể, để cử một giáo viên ra nước ngoài đào tạo cho 1 trong số 9 module của chương trình, lấy chứng chỉ do Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) cấp, riêng chi phí học, ăn ở, đi lại cũng đã mất tới 4.000 USD cho mỗi người.

Do vậy, nhu cầu về nhân lực hàng không là một gợi ý và là cơ hội để các doanh nghiệp tham gia xã hội hoá đào tạo nghề. Ông Nguyễn Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của TransViet, cho biết, kết hợp với Học viện Hàng không, sự trợ giúp của Amadeus  (hệ thống đặt chỗ toàn cầu) và hãng United Airlines, doanh nghiệp sẽ khởi đầu đào tạo một khoá nhân viên bán vé máy bay 3 tháng. Công ty cũng xây dựng một cơ sở đào tạo tại Hà Nội, có môi trường thực tập được thiết kế như thật. 

Chương trình bắt đầu triển khai tháng 8 tại TP.HCM và tháng 9 ở Hà Nội. Mỗi năm có 4 khoá, mỗi khoá với 20 học viên, chi phí khoảng 6,75 triệu đồng. Giai đoạn 2 của chương trình này sẽ mở rộng sang đào tạo nhân viên điều hành du lịch, đại lý hàng không, quản trị trung cấp...

Bà Thuý đánh giá, việc đào tạo như trên góp phần tiết kiệm cho người học, giúp DN đào tạo theo yêu cầu của công việc. Kết thúc khoá học, học sinh được nhận vào làm hoặc giới thiệu đến các đại lý, cơ sở tiếp nhận lao động khác. 

Rõ ràng, sự kết hợp này sẽ có được chuẩn hoá về chương trình đào tạo từ Học viện Hàng không và kinh nghiệm thực tế từ môi trường thực tập của doanh nghiệp. Với việc tham gia làm đại lý cho nhiều hãng hàng không và du lịch lữ hành lớn trên thế giới, các doanh nghiệp như TransViet cũng sẽ là nơi tiêu thụ nguồn nhân lực được đào tạo. Qua đó, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch và hàng không cũng dần được nâng lên.

  • Hà Yên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,