221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
936418
Làm thế nào "giữ chân" nhân viên giỏi?
1
Article
null
Làm thế nào 'giữ chân' nhân viên giỏi?
,

(VietNamNet) - Hội nhập kéo theo sự gia tăng các DN thuộc mọi loại hình kinh tế đã khiến cho thị trường lao động đang hình thành một cách nhanh chóng. Một biểu hiện dễ nhận thấy là sự di chuyển nhân lực giữa các công ty ngày càng nhiều. Điều này là tất yếu của một thị trường lao động nhưng cũng kéo theo hậu quả là các DN liên tục phải đối mặt với tình trạng "chảy máu chất xám" do sự ra đi của các nhân lực giỏi trong công ty.

Giám đốc Công ty chứng khoán thuộc một Ngân hàng quốc doanh hàng đầu Việt Nam đã than thở, công ty ông là một trong những công ty chứng khoán đầu tiên trên thị trường và để đi vào lĩnh vực mới mẻ này, công ty đã đầu tư rất nhiều để có được những nhân viên giỏi về nghiệp vụ. Tuy nhiên, trong gần 2 năm gần đây, khi thị trường chứng khoán phát triển nhanh kéo theo sự ra đời của hàng loạt các công ty chứng khoán thì nhân viên của công ty đã trở thành đối tượng săn tìm của các công ty mới thành lập với rất nhiều lời mời hấp dẫn.

Vị giám đốc này cho biết, đến bây giờ, công ty còn rất ít những nhân viên cũ, hầu hết những người do công ty đầu tư đào tạo và có ý định sử dụng dài hạn đã ra đi và nắm giữ các vị trí cao ở các công ty chứng khoán mới. Để phát triển, công ty lại tiếp tục phải đầu tư đào tạo nhưng cũng lại tiếp tục chứng kiến những người giỏi ra đi. Và dường như việc giữ người giỏi ở lại làm việc đang khiến vị giám đốc này đau đầu hơn cả sự lên xuống của thị trường chứng khoán. Đây có lẽ là một điển hình của tình trạng mất nhân viên giỏi hiện nay.

nhanvien1.jpg

Cải thiện môi trường làm việc và mối quan hệ sếp với nhân viên cũng là cách tốt để giữ nhân lực giỏi. (Ảnh: Phước Hà)

Sếp "bó tay" khi nhân viên giỏi ra đi

Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng Petrolimex cho biết, công ty ông là DN đầu ngành về thiết kế xây dựng các công trình xăng dầu, khí đốt. Với năng lực của mình công ty có kết quả kinh doanh khá, nhờ đó chế độ đãi ngộ cho nhân viên không hề thấp. Tuy nhiên, công ty ông cũng đang đối mặt với tình trạng các rất nhiều kỹ sư giỏi của mình ra đi theo lời mời của chính các đối tác và khách hàng của công ty.

Ông Sơn nói, ông không biết làm thế nào để giữ lại các nhân viên giỏi khi họ đã có đơn xin nghỉ. Và mỗi lần một nhân viên giỏi ra đi đã gây ra nhiều ảnh hưởng. Trước hết là lỗ hổng trong công việc chưa có người thay thế, rồi hàng loạt các mối quan hệ khách hàng, tiến độ các dự án mà nhân viên đó đóng vai trò quan trọng bị ảnh hưởng không ít.

Bà Lê Hoài Giang - Giám đốc Công ty Thiên Giang lại có một thực tế khác, công ty của bà thường cử các nhân viên ra nước ngoài đào tạo để nâng cao trình độ và học tập kinh nghiệm của các đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, sau mỗi lần được đào tạo ở nước ngoài về, rất nhiều nhân viên giỏi mà công ty ưu đãi cho đi học lại bị các DN khác có khi là đối tác hay đối thủ cạnh tranh "nẫng" mất bằng những lời mời hấp dẫn.

Một nhân viên giỏi của công ty ra đi không chỉ làm cho hiệu quả sản xuất giảm sút rõ rệt, ảnh hưởng tâm lý làm việc của các nhân viên khác mà ở trong lĩnh vực dịch vụ thì những ảnh hưởng này còn nặng nề hơn nhiều. Đối với các công ty cung cấp dịch vụ, các nhân viên giỏi nhất giữ các vị trí chủ chốt ra đi sẽ kéo theo hàng loạt mối quan hệ, hệ thống khách hàng, thậm chí là cả một bộ phận tác chiến công việc của công ty cũng có nguy cơ đi theo nhân viên đó. Trường hợp khi nhân viên sang làm cho đối thủ cạnh tranh trực tiếp hay mở công ty mới trong cùng lĩnh vực thì sẽ có những khó khăn hơn nữa sẽ đến với công ty bị mất người.

Biết là như thế nhưng hầu hết các công ty gần như không có biện pháp nào để ngăn chặn sự ra đi của các nhân viên và gần như các "sếp" không thể nào hiểu nổi vì sao nhân viên giỏi lại ra đi dù họ trả lương - thưởng không hề thấp; thậm chí các lợi ích như đề bạt hay học tập, phát triển cũng không mấy có tác dụng đối với các nhân viên giỏi khi họ đã quyết định ra đi.

Giữ người giỏi không thể bằng biện pháp nhất thời

Trong một cuộc gặp gỡ của gần 150 "sếp" là giám đốc, quản lý nhân sự từ gần 150 công ty ở miền Bắc mới đây để cùng bàn bạc về việc "làm thế nào giữ được nhân viên giỏi" do Unicom và Business edge thuộc Chương trình phát triển kinh tế tư nhân - MPDF thuộc Công ty tài chính Quốc tế IFM, thì câu trả lời cuối cùng mà các DN nhận được từ các chuyên gia là: giữ nhân viên giỏi là một chiến lược dài hạn, các biện pháp đối phó tức thời mà đa số DN Việt Nam đang áp dụng đều chưa mang lại kết quả bền vững.

nhanluc21.jpg

Giữ nhân lực giỏi là cả một quá trình từ tuyển dụng, đào tạo, đãi ngộ... (Ảnh:Vista)

Theo bà Nguyễn Trương Minh - Chuyên gia của Tổ chức Businesss Edge thuộc MPDF thì một nhân viên giỏi ngoài "phần nổi" mà chúng ta có thể nhận biết kiến thức, kỹ năng... thì có "phần chìm" là tố chất tâm huyết... đây là điều rất ít "sếp" quan tâm nhận biết và chính nó trở thành yếu tố nguy hiểm khiến nhân viên ra đi bất cứ lúc nào mà "sếp" không  biết và "bó tay" khi nhận đơn nghỉ việc từ nhân viên.

Nếu DN không quan tâm nhiều đến điều này mà chỉ xoay quanh chuyện lương thưởng, cơ hội thăng tiến thì cũng không có gì khác biệt với các DN khác và có nhưng DN khác sẽ đãi ngộ tốt hơn để lấy đi nhân viên giỏi. Bên cạnh đó, với một nhân viên giỏi, nếu quá đặt nặng vấn đề thu nhập mà không tạo lập môi trường quản trị chuyên nghiệp thì càng khiến họ chán nản và dễ ra đi hơn.

Vì thế, theo các chuyên gia Businesss Edge, việc giữ nhân viên giỏi là cả một quá trình xuyên suốt, bắt đầu từ việc thu hút - tuyển dụng - hội nhập cho đến cộng tác trong công việc và lợi ích. Tất cả các khâu này đều đòi hỏi thực hiện một cách chuyên nghiệp đi với cùng với đó là một sự nhìn nhận và chia sẻ có tâm huyết và tình cảm của người lãnh đạo sẽ khiến cho nhân viên suy nghĩ lại trước khi quyết định chạy theo những lời mời hấp dẫn.

Trên có sở đó, các chuyên gia đã đề ra 3 bí quyết cho DN tham khảo. Thứ nhất: giữ chân người giỏi là chiến lược, không phải là biện pháp đối phó nhất thời. Đa phần doanh nghiệp đợi đến khi nhân viên nộp đơn xin nghỉ, mới tìm cách “níu chân” là không có kết quả. Thứ hai, cần xác định ai là nhân viên giỏi và họ cần gì ở chúng ta? Từ đó xác định những tiêu chí, định tính và định lượng giúp doanh nghiệp nhận diện ra nhân viên giỏi cần giữ. Thứ 3, sử dụng đúng công cụ giữ nhân viên giỏi nhằm giảm các yếu tố "bất mãn" và tăng sự "hài lòng" của nhân viên. Mọi việc đều phải bắt đầu tư yếu tố nguồn là thu hút và tuyển dụng cho đến các yếu tố động viên, bao gồm: khen thưởng, đào tạo và kèm cặp, tạo sức hút công việc và văn hóa doanh nghiệp.

  • Phước Hà
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,