(VietNamNet) - Báo cáo Môi trường kinh doanh 2007 mới được Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) công bố sáng nay cho thấy, Việt Nam xếp hạng 104 trên tổng số 175 nền kinh tế thế giới. Vị trí của Việt Nam đã bị sụt giảm so với năm trước ở vị trí 98. Việt Nam vẫn xếp sau các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, và Trung Quốc
Cải cách mạnh mẽ nhưng vẫn bị tụt hạng
Báo cáo Môi trường kinh doanh nhận xét, Việt Nam là một trong 7 nền kinh tế Đông Á đã tiến hành ít nhất một cải cách để nâng cao chỉ số xếp hạng mức độ thuận lợi kinh doanh. Những cải cách chính có tác động đến chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam là đã giảm lược một số giấy tờ và cắt giảm thời gian cấp giấy phép xây dựng, cho phép người sử dụng lao động áp dụng hợp đồng lao động có thời hạn đối với mọi loại hình công việc tạo điều kiện cho việc tuyển dụng lao động dễ dàng hơn.
Bà Caralee McLiesh - giám đốc chương trình dự án Báo cáo môi trường kinh doanh thừa nhận, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có cải cách mạnh mẽ về rút ngắn thời gian cấp phép, linh hoạt trong các quy định lao động. Đặc biệt, Việt Nam đã ban hành Luật DN, đây là được xem là một bước cải cách lớn về môi trường kinh doanh nhưng việc này chưa có tác động lên chỉ số thuận lợi về môi trường kinh doanh trong báo cáo này.
VIỆT NAM - NGÔI SAO VỀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ Ở ĐÔNG NAM Á Đó chính là nhận định của ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia, Cơ quan đại diện thường trú Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Hà Nội về sự phát triển của kinh tế VN đưa ra trong buổi họp báo công bố bản “Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á 2006 ” diễn ra sáng 6/9 . Ông Ayumi Konishi cho rằng, sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư tư nhân, tiêu dùng và xuất khẩu là những động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, giúp Việt Nam trở thành ngôi sao về tăng trưởng kinh tế ở khu vực Đông Nam Á. Theo đó, Việt Nam đã có nhiều hành động nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Biểu hiện cụ thể là việc GDP 6 tháng đầu năm của Việt Nam tăng 7,4%, dự báo năm 2006 đạt mức 7,8% và năm 2007 sẽ tăng lên 8%. Đồng thời, trong 6 tháng đầu năm 2006, đã có 20.000 doanh nghiệp mới được thành lập, cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam tăng 21%, đạt 2,3 tỷ USD và thâm hụt cán cân vãng lai của Việt Nam giảm xuống chỉ còn 1,2% GDP so với dự báo trước đó là 2,7% GDP và khả năng cán cân vãng lai sẽ có thặng dư 0,3% GDP vào năm 2008. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó không chỉ là vấn đề tỉ lệ lạm phát vẫn ở mức cao (8% trong 6 tháng đầu năm và dự báo sẽ tăng lên 8,3% cả năm 2006), mà còn là vấn đề làm sao quản lý hiệu quả các nguồn lực phát triển và những hành động cụ thể trong việc phòng, chống tham nhũng nhằm tạo được niềm tin từ các nhà đầu tư. Nếu vượt qua được những thách thức đó, theo ông Omkar Shrestha, Trưởng ban Kinh tế, Chương trình hỗ trợ và quan hệ đối ngoại của ADB, Việt Nam hoàn toàn có thể là “Siêu sao” về tăng trưởng kinh tế ở khu vực Đông Nam Á, không dừng lại là “Ngôi sao” như hiện nay. (Theo TTXVN)
Tuy nhiên, theo nhận định Báo cáo lần này, Việt Nam vẫn chưa thành công trong việc thu hẹp khoảng cách với các quốc gia đứng đầu ASEAN. Vì thế, Việt Nam vẫn là một nơi còn nhiều thử thách cho hoạt động kinh doanh.
Báo cáo cũng chỉ rõ những điểm mà Việt Nam vẫn còn tụt hậu trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Cụ thể,
Việc giải thể doanh nghiệp ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian trung bình để hoàn thành thủ tục phá sản doanh nghiệp ở Việt Nam là 5 năm và mức thu hồi tài sản chỉ được 18%, xếp thứ 116 trong số 175 quốc gia.
Trong lĩnh vực đóng thuế, Việt Nam đứng thứ 120 trong số 175 quốc gia. Theo báo cáo, các doanh nghiệp ở Việt Nam thường mất trung bình 1.050 tiếng đồng hồ, tương đương với 130 ngày làm việc để hoàn tất các thủ tục liên quan đến đóng thuế. Báo cáo cũng cho biết con số tổng hợp về số thuế thực sự phải đóng là 41,6%, cao hơn nhiều so với mức thuế thu nhập doanh nghiệp chính thức 28%.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cải cách tại Việt Nam, các chuyên gia đã cho rằng, Việt Nam có cơ sở để hy vọng sẽ cải tiến được thứ bậc của mình trong thời gian tới vì có nhiều luật lệ mới tiến bộ hơn ra đời. Luật Đầu tư chung, Luật Doanh nghiệp mới và các Nghị định hướng dẫn thi hành dự kiến ban hành trong nửa cuối năm nay sẽ rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp và nâng cao yêu cầu công khai thông tin, một yếu tố giúp bảo vệ nhà đầu tư.
Những nỗ lực trong việc xây dựng khung pháp lý cho việc hình thành các văn phòng thông tin tín dụng và các giao dịch bảo đảm khi có hiệu lực sẽ mở rộng việc tiếp cận tín dụng. Ngoài ra, một số luật được thông qua năm ngoái và có hiệu lực vào đầu năm nay như Luật Thuế xuất nhập khẩu, Luật Hải quan sửa đổi, Luật Thương mại, và Luật Dân sự mới, có xu hướng tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam thông thoáng hơn.
Mức độ cạnh tranh trên từng tiêu chí cụ thể
Báo cáo Môi trường kinh doanh được đưa ra dựa trên 10 chỉ số đánh giá là: thành lập DN, cấp giấy phép, tuyển dụng và sa thải lao động, đăng ký tài sản, vay vốn, bảo vệ nhà đầu tư, thương mại quốc tế, đóng thuế, thực thi hợp đồng và giải thể doanh nghiệp. Trong Báo cáo kinh doanh, các chuyên gia đã đi sâu phân tích từng yếu tố tại Việt Nam và có sự so sánh với các nước trong khu vực. Qua đó cho thấy rõ những hạn chế của Việt Nam trong việc cạnh tranh với các đối thủ của mình, để đề ra những cải cách tạo sự thuận lợi hơn cho môi trường kinh doanh.
Tiêu chí thành lập doanh nghiệp, Việt Nam xếp thứ 97/175. Việc thành lập DN ở Việt Nam hiện vẫn còn khá phức tạp và tốn kém hơn nhiều quốc gia khác trong khu vực như Singapore, Thái Lan và Malaysia. Để thành lập một DN tư nhân ở Việt Nam phải qua 11 bước và hơn 50 ngày. Điều này chưa có cải tiến gì so với năm ngoái. Tuy nhiên, điều ghi nhận là chi phí thành lập DN đã giảm từ 50% xuống 44,5% tổng thu nhập quốc dân tính trên đầu người.
Về cấp phép đầu tư, Việt Nam đã giảm được một số giấy tờ và cắt giảm thời gian cấp phép xây dựng. Nghị định 16/2005ND-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng đã tinh giảm một số bước phê duyệt giấy phép, đặt mức khống chế thời gian cấp phép. Thời gian cấp phép đã nhanh hơn, 113 ngày so với 143 ngày trước đây. Chi phí cấp phép kinh doanh cũng giảm từ 64,1% xuống còn 56,4% tổng thu nhập trên đầu người. Hiện nay để được cấp phép xây dựng DN phải qua 14 bước và 133 ngày hoàn tất thủ tục và chi phí 56% thu nhập trên đầu người. Tiêu chí này, Việt Nam xếp thứ 25, vẫn đứng sau Thái Lan và Singapore nhưng trên Trung Quốc, Malaysia và Indonesia...
Về tuyển dụng và sa thải lao động, Việt Nam xếp thứ 104. Việt Nam đã có sự tiến bộ đáng kể trong tuyển dụng lao động. Việt Nam đã cho phép áp dụng hợp đồng lao động có thời hạn đối với mọi loại hình công việc, tạo điều kiện cho việc tuyển dụng lao động dễ dàng hơn. Chỉ số khắt khe trong chế độ thuê lao động đã giảm từ 51 xuống 31 trên thang điểm 100. Xếp hạng tiêu chí này, Việt Nam thua Singapore, Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc.
Về đăng ký tài sản, báo cáo cho thấy việc đăng ký và chuyển giao quyền sở hữu tài sản ở Việt Nam không phức tạp như nhiều nước khác. Việc đăng ký tài sản ở Việt Nam trải qua 4 bước và 67 ngày. Chí phí đăng ký tài sản chiểm 1,2% tổng giá trị tài sản. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn mất nhiều thời gian đăng ký tài sản. Hiện vẫn còn tồn đọng một số vấn đề như giao dịch chính thức vẫn còn khá phổ biến, quy trình hợp thức hoá còn nhiều khó khăn. Quản lý đất đai không hiệu quả. Trong lĩnh vực này Việt Nam được xếp hạng 34, xếp sau Singapore,Thái Lan, Trung Quốc.
Trong vay vốn tín dụng, thông tin về độ tin cậy tín dụng của cá nhân cũng như công ty không được chia sẻ và các tổ chức đăng ký thông tin tín dụng tư nhân chưa phát triển. Nếu không có dữ liệu về độ tin cậy tín dụng, ngân hàng sẽ rất e ngại việc cho vay và vì thế, việc tiếp cận tín dụng sẽ bị hạn chế. Việt Nam được xếp 83 về vay vốn sau Malaysia, Singapore, Thái Lan và Indinesia nhưng xếp trên Trung Quốc.
Về tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư, Việt Nam xếp thứ 170, thua tất cả các quốc gia trong khu vực. Việt Nam bị xếp là 1 trong 5 nước bảo vệ nhà đầu tư kém nhất. Chỉ số bảo vệ nhà đầu tư Việt Nam chỉ đạt 2 trên thang điểm 10. Vì vậy, Việt Nam cần phải tiến hành nhiều cải cách trên nhiều khía cạnh liên quan để bảo vệ nhà đầu tư để họ yên tâm bỏ vốn làm ăn.
Về nộp thuế, khảo sát cho thấy, các DN Việt Nam phải thanh toán thuế 32 lần một năm, mất 1.050 giờ để thực hiện việc này và chịu 41,6% chi phí tổng lợi nhuận để đóng thuế. Việt nam xếp 120 trên 175 quốc gia về sự thuận lợi trong đóng thuế, thua Thái Lan, Singapore, Malaysia cả Campuchia và Philippines về việc này.
Về thương mại quốc tế, các nhà nhập khẩu Việt Nam vẫn mất nhiều thời gian lo thủ tục xuất nhập khẩu và chịu chi phí cao hơn đồng nghiệp của họ ở trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Singapore. Việt Nam hiện xếp hạng 75 về thương mại quốc tế và nếu vấn đề này không được giải quyết, tính cạnh tranh của Việt Nam sẽ yếu đi.
Về thực thi hợp đồng lao động, thời gian cưỡng chế thực hiện hợp đồng đã được rút ngắn đáng kể từ 343 ngày xuống 295 ngày. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm nước kém hiệu quả vì DN vẫn phải qua 37 bước, thủ tục tốn kém 30,1% giá trị hợp đồng để thu hồi nợ khó đòi hoặc giải quyết các tranh chấp quốc tế. Việt Nam xếp thứ 94, thua Singapore, Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Malaysia.
Giải thể DN, thời gian và chí phí giải quyết phá sản ở Việt Nam đều cho thấy cơ chế giải quyết phá sản ở Việt Nam vẫn còn rất kém hiệu quả. Vì thế rất ít DN tuân theo quy định và thủ tục chính thức khi muốn đóng cửa hoạt động. Một trường hợp phá sản được ước tính hơn 5 năm và tốn 15% chi phí giá trị tài sản nếu áp dụng quy trình chính thức. Hơn nữa, khi kết thúc việc phá sản, các bên chỉ thu hồi được 17,95% giá trị tài sản, xếp hạng 116 đứng sau Singapore, Thái Lan Malaysia và Trung Quốc.
-
Đông Hiếu