(VietNamNet) - Đơn giản hoá thủ tục hải quan chính là một trong những công cụ hữu hiệu để tăng sức cạnh tranh cho các nền kinh tế thành viên APEC.
Trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cấp cao APEC lần thứ 3 (SOM 3) và các cuộc họp liên quan đang diễn ra tại Đà Nẵng và Hội An, ngày 5/9, Tổng cục Hải quan VN đã chủ trì tổ chức cuộc đối thoại
Hải quan - Doanh nghiệp APEC 2006 (ACBD) với chủ đề "Thúc đẩy môi trường kinh doanh an toàn và thuận lợi thông qua việc tăng cường mối quan hệ đối tác và hợp tác giữa Hải quan và Doanh nghiệp".
Tham gia cuộc đối thoại là các quan chức hải quan, doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế thành viên APEC và đặc biệt là sự có mặt của lãnh đạo Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), Nhóm chuyên gia về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của APEC...
Được biết, diễn đàn đối thoại Hải quan - Doanh nghiệp APEC là một trong các sự kiện quan trọng hàng năm của Tiểu ban Thủ tục Hải quan APEC (SCCP) nhằm tăng cường thông tin cho các doanh nghiệp về thủ tục hải quan; thúc đẩy trao đổi, hiểu biết giữa hải quan và cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường mối quan hệ đối tác giữa hải quan - doanh nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu thuận lợi hoá thương mại và đầu tư trong khu vực APEC.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan VN, Chủ tịch SCCP 2006 Vũ Ngọc Anh, nội dung cơ bản được trình bày tại cuộc đối thoại lần này là việc thực thi khung chuẩn mực về an ninh thương mại trong APEC dựa trên chuẩn mực về an toàn và tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu của WCO. Khung chuẩn mực này sẽ tạo môi trường thuận lợi cho sự luân chuyển của hàng hoá xuất nhập khẩu được an toàn và hiệu quả. Một trong những nhân tố quan trọng để đảm bảo an ninh cho dây chuyền cung cấp trong khu vực kinh tế tư nhân là những chủ thể kinh tế được ưu tiên (AEO).
Tiếp đó là các vấn đề liên quan đến hệ thống A.T.A CARNET. Hệ thống này không chỉ tạo thuận lợi cho thương mại mà còn giúp cơ quan hải quan giám sát luồng hàng hoá xuất nhập khẩu chặt chẽ hơn, giảm giấy tờ và đảm bảo thu ngân sách. Vấn đề quan trọng nữa là thực thi quyền sở hữu trí tuệ và mối quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp trong việc thực thi nhiệm vụ này.
Ông Vũ Ngọc Anh cho hay: "Hiện Hải quan VN đang chuyển dần hoạt động của mình dựa trên thu thập và xử lý thông tin. Phải nắm được thông tin rất vững về doanh nghiệp, về hoạt động buôn bán và đầu tư. Trên cơ sở đó, trong những khâu nào có rủi ro cao nhất về vi phạm thì tập trung nhân lực, vật lực vào đó để kiểm tra. Còn những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có thông tin cho biết họ kinh doanh lành mạnh thì hầu như sẽ không có chuyện can thiệp của hải quan. Như thế sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí hành chính cho doanh nghiệp".
Nhiều doanh nghiệp cũng xác nhận, kể từ khi Luật Hải quan VN có hiệu lực (năm 2001), Hải quan VN đã có nhiều cải cách, đổi mới để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho doanh nghiệp. Như phân luồng xanh – đỏ đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, thí điểm thủ tục hải quan điện tử… Qua đó, Hải quan VN đã có bước tiến dài trong cải cách hành chính, tạo thuận lợi và hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp để tăng tính cạnh tranh trong hoạt động xuất nhập khẩu. Và nói rộng ra là tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ông Lê Quốc Ân, thành viên Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN khẳng định, những đổi mới trong thủ tục hải quan ở VN không chỉ tác động tới các doanh nghiệp VN mà còn với các đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, trong xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, Hải quan của hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC đã nhận thức được điều này, và đáng lưu ý là họ tiến nhanh hơn chúng ta trong mục tiêu thuận lợi hóa thương mại. Điều đó cũng có nghĩa hàng hóa của các nền kinh tế khác đã có thêm một “công cụ” hữu hiệu để cạnh tranh.
Ông Lê Quốc Ân không giấu nổi sự sốt ruột: "Các nước xung quanh đã có nhiều giải pháp để rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan. Cũng như họ cộng tác với hải quan ở các nước nhập khẩu để làm thế nào hàng hoá đến cửa khẩu nhập khẩu được dỡ ra rất nhanh. Ví dụ Thái Lan, Philippines đã ký những thoả thuận hợp tác với Hoa Kỳ để hàng hoá xuất khẩu từ Thái Lan, Philippines được kiểm tra kỹ tại chỗ, khi sang cửa khẩu của Mỹ thì không còn kiểm tra nữa.
Như vậy là có thể rút ngắn thời gian 1 - 2 ngày so với bình thường. Điều đó làm cho sức cạnh tranh của hàng hoá của họ tăng lên ghê gớm. Cho nên chúng tôi rất mong muốn VN cũng sẽ có những cải tiến tương tự như thế. Đặc biệt là giữa VN với các nền kinh tế thành viên APEC, VN với Nhật Bản, Hoa Kỳ vì đây là những thị trường lớn của chúng ta".
Phát biểu tại cuộc đối thoại, ông Kunio Mikuriya, Phó Tổng thư ký Tổ chức Hải quan thế giới nhấn mạnh: Cuộc đối thoại Hải quan - Doanh nghiệp là cơ hội quý để cơ quan Hải quan và cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy quan hệ hợp tác nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho giao lưu thương mại trong khu vực. Đây cũng là dịp để cơ quan Hải quan và các doanh nghiệp cùng chia sẻ những kinh nghiệm về hợp tác, thảo luận những nội dung quan trọng để thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
Ông Kunio Mikuriya cũng lưu ý: "Các nền kinh tế thành viên APEC đang nâng cao sức cạnh tranh để hội nhập kinh tế sâu rộng hơn trong khu vực. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần cải tiến, đối mới thủ tục hải quan và các thủ tục có liên quan tại biên giới dựa trên chuẩn mực quốc tế. Đây là vấn đề đã được APEC triển khai từ đầu những năm 1990 để hợp tác chặt chẽ hơn với cộng đồng doanh nghiệp bằng cách đơn giản và hài hoà hoá hải quan dựa trên các chuẩn mực của WCO".
Tiếp theo cuộc đối thoại này, từ ngày 6 - 9/9 sẽ diễn ra các cuộc hội thảo chuyên đề về thủ tục hải quan do SCCP tổ chức. Đây cũng là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu.
-
Hải Châu