Theo báo cáo thường niên về tình hình đầu tư toàn cầu vừa được Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD) công bố hôm 4/10, Việt Nam nằm trong danh sach các nước hấp dẫn đầu tư nhất châu Á.
Trong 9 tháng vừa qua, Hà Nội thu hút được nhiều vốn FDI nhất, qua đó giúp Việt Nam vượt Thái Lan giành vị trí thứ 9. |
Việt Nam vượt Thái Lan giành vị trí thứ 9
Theo đó, Việt Nam đã vượt Thái Lan giành vị trí thứ 9 trong số các nước hấp dẫn đầu tư nước ngoài (FDI) nhất châu Á. Người láng giềng Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ vững vị trí số 1 châu lục, theo ngay sau là Hồng Kông và Singapore.
Cụ thể, năm 2004, Trung Quốc đã thu hút được 60,6 tỷ USD vốn FDI, gấp khoảng 1,5 lần GDP cùng năm của Việt Nam. Trung Quốc còn tận hưởng thêm niềm vui chung từ Hồng Kông - đặc khu có tổng FDI thu về tới 34 tỷ USD.
Ở các vị trí tiếp theo, Singapore thu hút được 16,1 tỷ USD, Nhật Bản 7,8 tỷ USD, Hàn Quốc 7,7 tỷ USD, Ấn Độ 5,3 tỷ USD, Malaysia 4,6 tỷ USD, lãnh thổ Đài Loan 1,9 tỷ USD, Việt Nam 1,6 tỷ USD và Thái Lan được 1,1 tỷ USD.
Mỹ vẫn duy trì là nước nhận FDI hàng đầu thế giới với 96 tỷ USD. Danh sách 10 nước nhận FDI lớn nhất thế giới bao gồm Mỹ, Anh, Australia, Hồng Kông, Brazil, Trung Quốc, Singapore, Mexico, Hàn Quốc và Nga. Hơn nửa FDI xuất phát từ Mỹ, Anh và Luxembourg.
Báo cáo cũng lý giải nguyên nhân các nền kinh tế đang phát triển mạnh như Trung Quốc hay Việt Nam thu hút được nhiều vốn FDI là do không ngừng cải thiện môi trường đâu tư song song với quá trình toàn cầu hoá và quốc tế hoá của các công ty xuyên quốc gia.
Xu hướng FDI tương lai: nghiên cứu và phát triển
Theo các chuyên gia UNCTAD, các nguồn đầu tư rót vào các nước đang phát triển đã phục hồi sau ba năm sụt giảm, với hoạt động của các công ty đa quốc gia đang ngày càng nở rộ. Triển vọng mức FDI đang ở mức cao hiện nay vẫn duy trì được trong năm nay và năm tới.
Cụ thể, xu hướng tiếp theo của các dòng FDI vẫn là chảy về các nước đang phát triển. Các công ty đa quốc gia đang tìm kiếm cơ hội nâng cao tính cạnh tranh bằng việc tham gia vào các thị trường đang lớn mạnh của các nền kinh tế đang lên và đồng thời cũng tìm cách giảm chi phí sản xuất tại đây. Các nước đang phát triển tại châu Á, theo UNCTAD, là những nước nhận FDI nhiều nhất.
Nhưng xu thế nổi trội nhất của đầu tư toàn cầu thời gian tới, theo UNCTAD, là việc các tập đoàn đa quốc gia hiện nay không chỉ chú trọng vào sản xuất mà còn đang chuyển đổi tương quan nghiên cứu và phát triển sang các nước đang phát triển, chủ yếu là ở châu Á. Hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) sẽ đóng vai trò chủ đạo và tạo dựng vị thế cho các nhà đầu tư hơn cả, thay vì chỉ đóng vai trò thầm lặng như trước nay.
Xu thế nổi trội nhất của đầu tư toàn cầu thời gian tới là nghiên cứu và phát triển cho công nghệ mới. |
Trong giai đoạn 1996 - 2002, tỷ lệ các hoạt động nghiên cứu và phát triển của các công ty nước ngoài diễn ra ở các nước đang phát triển tăng từ 2,0% tới 18%. Năm 2003, chỉ riêng vốn các công ty xuyên quốc gia giành cho nghiên cứu và phát triển đã lên tới con số 677 tỷ USD trên phạm vi toàn cầu, trong đó hơn 2/3 là nhằm phục vụ các dự án kinh tế thương mại.
Các đại gia đầu tư nhiều nhất có thể kể đến các hãng xe Ford, DaimlerChrysler, Toyota và General Motors, hãng dược phẩm Pfizer, hãng điện tử truyền thông Siemens. Mỗi hãng chi trung bình 5 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển trong năm 2003. Các nước thu hút nhiều nhất nguồn vốn lớn nói trên không đâu khác chính là Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil, Singapore và Việt Nam.
Các nước đang phát triển cần cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa
Để tiếp tục thu hút thêm FDI, các chuyên gia cho rằng các nước này cần phát huy thế mạnh sẵn có, cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa và phải đặc biệt chú trọng tới xu thế đầu tư nghiêng về nghiên cứu và phát triển như trên.
Theo như lời Tổng thư ký LHQ Kofi Annan, đây là việc cần làm trước tiên và liên tục nếu các nền kinh tế đang phát triển tiếp tục muốn nâng cao thu nhập quốc dân đồng thời đạt các mục tiêu thiên niên kỷ, bởi "FDI là chìa khoá giải quyết vấn đề thất nghiệp, tăng trưởng kinh tế, nâng cao kỹ năng lao động và đối mởi công nghệ".
Về phần mình, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, để tạo ra bước chuyển biến cơ bản trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là thu hút vốn từ các tập đoàn xuyên quốc gia nhằm tranh thủ vốn và công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, một trong những bước đi không thể thiếu là cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư.
Theo đó, chính sách về đầu tư nước ngoài được bảo đảm thống nhất, ổn định, minh bạch và hấp dẫn hơn trước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan triển khai và thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp nhằm tạo chuyển biến mới trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam…
Hà Nội là địa phương thu hút FDI nhiều nhất trong 9 tháng qua.
-
Nhật Vy (Theo UNCTAD, World Investment Report 2005)