221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
687102
Đa số doanh nghiệp VN không biết gì về WTO!
1
Article
null
Đa số doanh nghiệp VN không biết gì về WTO!
,

(VietNamNet) - Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam không biết gì hoặc có hiểu biết rất hạn chế về Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) song vẫn ủng hộ việc gia nhập sớm, đồng thời yêu cầu được bổ túc thêm kiến thức cần thiết.

Trong buổi thuyết trình trước khoảng 200 DN và Hiệp hội DN VN sáng ngày 27/7 tại Hà Nội, bà Phạm Chi Lan, thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, đã đưa ra thông tin nói trên.

Soạn: AM 497723 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Đa số DN VN chưa chuẩn bị sẵn sàng cho hội nhập.

Không biết WTO là gì!

Bà Lan cho biết, một cuộc khảo sát mới đây diễn ra ngay tại TP.HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất nước, con số đáng lo ngại đã được rút ra: 95% DN được hỏi nói rằng họ không biết WTO là gì! Số còn lại phần lớn đều chỉ hiểu một cách rất mơ hồ.

Sở dĩ có hiện tượng trên, theo bà Lan, là do đặc điểm chung của DN VN. Cụ thể, đa số DN VN là nhỏ và vừa (SMEs); mới thành lập nên ít kinh nghiệm kinh doanh; năng suất lao động thấp; chi phí kinh doanh cao; năng lực cạnh tranh hạn chế; thiếu trầm trọng các nguồn lực cần thiết như vốn, tài nguyên; hoạt động trong môi trường khó khăn, nhiều rào cản, ít được hỗ trợ, phân biệt đối xử còn nặng nề.

Do vậy, các DN giành hầu hết thời gian cho việc thích ứng với hoàn cảnh trước mắt và khắc phục những khó khăn nói trên hơn là đầu tư thời gian vào nghiên cứu về những sự kiện còn chưa tới.

Mục tiêu chính của WTO là thúc đẩy tự do hoá thương mại thông qua việc cắt giảm các rào cản thuế quan và phi thuế quan để các luồng hàng hóa, dịch vụ được lưu chuyển tự do hơn giữa các nước và trên phạm vi toàn cầu.

Nguyên tắc pháp lý quan trọng nhất của WTO là quy định các nước thành viên phải dành cho nhau chế độ đối xử tối huệ quốc (MFN), nghĩa là, khi một nước đối xử ưu đãi đối với hàng hoá và dịch vụ của một nước nào đó thì cũng phải dành sự ưu đãi như thế cho hàng hóa và dịch vụ của các nước khác. Khi MFN được áp dụng đa phương đối với tất cả các thành viên của WTO thì đó cũng có nghĩa là nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử vì các nước đều dành cho nhau sự đối xử ưu đãi nhất.
Nguồn: WTO

"Tuy nhiên, đa số DN ủng hộ và mong muốn VN gia nhập sớm với nhận thức rằng việc tham gia sẽ tác động tích cực đối với nền kinh tế quốc dân và cho bản thân các DN", bà Lan cho biết.

Theo bà Lan, sỡ dĩ đa số đều ủng hộ do ít nhiều hiểu được những lợi thế của việc tham gia WTO như: có điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang các nước và trên quy mô toàn cầu song song với nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu và dịch vụ cần thiết với chất lượng tốt và giá cả thuận lợi để phục vụ sản xuất; có điều kiện thuận lợi hơn để thu hút đầu tư nước ngoài (cả đầu tư trực tiếp và qua thị trường chứng khoán); có điều kiện tốt hơn để đấu tranh giải quyết các tranh chấp trong quan hệ thương mại quốc tế một cách xây dựng và công bằng...

Tuy vậy, điều mà nhiều DN đang lo ngại là tham gia cơ chế thương mại toàn cầu WTO sẽ đặt họ trước những thách thức vô cùng to lớn. Đó là sức ép cạnh tranh để giành giật thị trường tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ ngày càng lớn trên quy mô toàn cầu cũng như ngay chính trên thị trường nội địa; phải thay đổi cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất ra các sản phẩm theo nhu cầu thị trường quốc tế; nguy cơ sản xuất ồ ạt, không có kế hoạch, chỉ chạy theo lợi nhuận, bất chấp những hệ quả xấu cho xã hội như cạn kiệt tài nguyên, huỷ hoại môi trường sinh thái…

DN cần làm gì để tồn tại và phát triển khi VN vào WTO?

Cũng như các chuyên gia kinh tế VN và nước ngoài đã từng đề cập, bà Lan cho rằng để tranh thủ các cơ hội và điều kiện thuận lợi do việc tham gia WTO mang lại, đồng thời hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của quá trình này, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị tốt rất nhiều vấn đề để kịp thời thích ứng "cuộc sống mới với WTO", được kỳ vọng sẽ tới vào cuối năm nay.

Theo bà Lan, cần xây dựng, tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong toàn doanh nghiệp nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vấn đề hội nhập quốc tế và tham gia WTO, thấy rõ cả cơ hội và những thách thức để chủ động chuẩn bị, tránh tình trạng đa số DN hiểu biết hạn chế như đã đề cập.

Sau khi đã hiểu rõ về các vấn đề đó, DN cần chủ động nghiên cứu xác định những lĩnh vực, ngành hàng, mặt hàng mình có thế mạnh hoặc điều kiện thuận lợi để phát triển, trên cơ sở đó chủ động điều chỉnh và thu hút các nguồn lực, tập trung phát triển các mặt hàng có hiệu quả và có sức cạnh tranh quốc tế.

Bà Lan đặc biệt nhấn mạnh việc DN nên tham gia các hiệp hội ngành nghề. Theo bà, việc có tên trong một hay nhiều hiệp hội sẽ giúp DN tránh phải đơn thương độc mã đối phó với các khó khăn bất ngờ, ví dụ các vụ kiện bán phá giá.

Theo các chuyên gia kinh tế, các DN cũng cần quan hệ chặt chẽ với các Bộ, ngành ở Trung ương và các công ty hoạt động kinh doanh quốc tế để nắm bắt tình hình, xu hướng thị trường quốc tế, trên cơ sở đó quyết định các kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cho phù hợp và có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới.

Các doanh nghiệp còn cần chuẩn bị tốt cho mình, từ tăng cường năng lực quản lý, tăng cường đào tạo cán bộ; đổi mới công nghệ, giảm giá thành và đặc biệt phải xây dựng được hệ thống phân phối và thương hiệu riêng. "Được như vậy, DN mới có thể tồn tại và phát triển khi các tập đoàn đa quốc gia thể hiện sức mạnh lấn át trên chính sân nhà của mình", bà Lan phát biểu.

"Hiện tại, Chính phủ cũng đang hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo môi trường thân thiện, bình đẳng cho mọi DN", bà Lan cho biết thêm, "Các hoạt động cải cách hành chính đang diễn ra mạnh mẽ đi đôi với cải cách giáo dục đào tạo và phát triển kết cấu hạ tầng".

  • Nhật Vy

                              Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,