(VietNamNet) - Bộ Thương mại đã thành lập Ban Soạn thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động thương mại điện tử, bắt đầu đi vào hoạt động từ 1/7, để có thể hoàn thành và ban hành trong năm 2006.
Theo Bộ Thương mại, nguyên tắc xây dựng Nghị định là tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp có thể yên tâm tiến hành giao dịch thương mại điện tử và là căn cứ pháp lý để xét xử khi có tranh chấp liên quan đến hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời, phải hỗ trợ tối đa hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp và cá nhân trong xã hội, không tạo ra những rào cản không cần thiết cho các hoạt động đó.
Nghị định cần bao quát các hoạt động thương mại điện tử diễn ra trong thực tế, đồng thời có tính đến sự thay đổi, phát triển nhanh chóng của những loại hình giao dịch mới để đề ra các quy định mang tính thực tế, khả thi.
Luật Thương mại (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ bảy thông qua ngày 20/5/2005. Chính phủ đã giao Bộ Thương mại chủ trì soạn thảo 11 nghị định và một quyết định, trong đó có Nghị định về hoạt động thương mại điện tử.
Việc xây dựng môi trường pháp lý cho thương mại điện tử bao gồm nhiều chương trình, dự án như: Bổ sung quy định về hợp đồng điện tử trong Bộ Luật dân sự, bổ sung quy định pháp lý của thông điệp dự liệu trong giao dịch thương mại trong Luật Thương mại, xây dựng Luật Giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, còn phải ban hành hàng loạt các văn bản pháp quy điều chỉnh các vấn đề cụ thể về thương mại điện tử như về hợp đồng, chữ ký điện tử, cấp phép qua mạng.
Trong kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử Việt Nam 2006 - 2010, đã đề ra sáu chính sách lớn để nhằm phát triển thương mại điện tử ngoài việc xây dựng môi trường pháp lý còn có các chính sách về tuyên truyền và đào tạo về thương mại điện tử; chương trình ứng dụng thương mại điện tử và cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử tại các cơ quan nhà nước; phát triển hạ tầng kỹ thuật; thực thi các quy định pháp luật; hợp tác quốc tế về thương mại điện tử.
-
Nguyên Phong