Trong đợt dịch cúm vừa qua, ông Phùng Văn Xiêm (xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đã bị tiêu hủy trên 14.000 con gà (tương đương 700 triệu đồng), con trai ông Xiêm vì tiếc của đã trở nên điên dại châm lửa đốt tài sản (10 triệu đồng tiền mặt). Đến nay, tuy ông Xiêm đã khôi phục lại đàn gà được khoảng 10.000 con, nhưng sự mất mát quá lớn của đợt dịch trước vẫn còn ám ảnh cả gia đình ông. Ông ao ước, giá mà có ai đó bán bảo hiểm cho gà với mức chi phí hợp lý, thì ông mua ngay. "Nhưng trước tới giờ có nghe ai nói tới bảo hiểm cho gà đâu!"- ông Xiêm nói.
Ông Võ Văn Hùng, người cùng xã với ông Xiêm cũng cùng tâm trạng: nếu như đàn gà của chúng tôi được bảo hiểm thì khi rủi ro xảy đến chúng tôi cũng được chia sẻ phần nào, đằng này… Sau đợt dịch lần trước, hơn 1/3 NCN ở xã Lương Hòa Lạc (nơi có nhiều trại chăn nuôi gà qui mô lớn, vài ngàn con/trại) bỏ nghề do không còn vốn để khôi phục, một số hộ thì có nuôi lại nhưng với qui mô nhỏ lẻ hơn trước rất nhiều do lo sợ tiếp tục bị phá sản.
Đại diện một công ty chăn nuôi gia cầm tại TP.HCM cũng cho hay, cơn dịch cúm gia cầm đã ''cuốn" phăng của công ty hơn 10 tỷ đồng. Là người kinh doanh ai cũng mong muốn có cách nào đó để bảo vệ tài sản của mình; nếu nhà bảo hiểm cho người mua thấy được quyền lợi của mình, giải tỏa được những băn khoăn của người mua thì công ty sẵn sàng mua bảo hiểm cho gia cầm, bởi chúng là tài sản sống còn của công ty. Nhưng lâu nay, ngành
bảo hiểm chỉ bó hẹp ở những dịch vụ bảo hiểm con người, tài sản, xe cộ, y tế,... "Giờ chúng tôi chẳng biết trông cậy vào đâu" - Ông nói.
...nhưng chẳng có người bán!
Điểm mặt các công ty bảo hiểm phi nhân thọ tại VN, hầu như chưa có công ty nào bán sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN). Trước đây, Bảo Việt từng triển khai BHNN, nhưng rồi phải ngừng do thua lỗ. Hiện chỉ có Công ty TNHH bảo hiểm tổng hợp Groupama (Cần Thơ) là chuyên kinh doanh về lĩnh vực này. Tuy nhiên, dịch vụ và thông tin của công ty này chưa được NCN biết nhiều, do hạn chế vùng miền hoạt động (chỉ có ở Đồng bằng sông Cửu Long). Nên dù Groupama đã triển khai toàn diện về BHNN nhưng cũng không thành công. Đến nay, công ty đã ngưng cung cấp sản phẩm bảo hiểm gia cầm, bởi khuyến cáo thua lỗ từ công ty mẹ.
Đại diện Tổng Công ty bảo hiểm Việt Nam cho hay, Bảo Việt cũng không có ý định đưa ra sản phẩm bảo hiểm cho gia súc, gia cầm, vì theo các dự án nghiên cứu trong và ngoài nước về BHNN đều đã khẳng định, nhiều năm qua kinh doanh bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng không đem lại hiệu quả kinh doanh, thậm chí còn chịu lỗ. BHNN chỉ phát triển được nếu có sự hỗ trợ thực sự của Nhà nước, nhưng hiện chính sách hỗ trợ này chưa có. Nếu các công ty bảo hiểm không được hỗ trợ, thì mức phí bảo hiểm đưa ra sẽ là rất cao và NCN cũng sẽ không chấp nhận.
Theo ông Vũ Ngọc Anh, chuyên viên nghiên cứu & phát triển sản phẩm bảo hiểm (Công ty Bảo Minh), do tính khả thi của BHNN không cao nên rất khó để công ty phát triển sản phẩm bảo hiểm này. Trong khi đó, NCN VN chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, khi có sự kiện xảy ra thì mới tham gia bảo hiểm, theo kiểu "mất bò mới lo làm chuồng".
Xem ra, các nhà bảo hiểm quá sợ hãi BHNN. Thực tế, để phát triển BHNN thì không chỉ đơn thuần là dựa vào chính sách Nhà nước, nâng cao nhận thức người tiêu dùng, mà bản thân nhà bảo hiểm cũng phải có những chiêu thức để thu hút và hấp dẫn khách hàng. Bản lĩnh kinh doanh của nhà cung cấp dịch vụ chính là ở chỗ này.
Thực ra thì cũng đã có DN cả gan nhảy vào cuộc... kinh doanh bảo hiểm này, nhưng thật đáng tiếc lại không phải là một nhà làm dịch vụ bảo hiểm chuyên nghiệp. Đó là Công ty chăn nuôi - thức ăn gia súc Thanh Bình. Công ty này là nơi đầu tiên "tự mua, tự bán" bảo hiểm cho chính đàn gà của mình, với "chiêu độc" và cũng rất có nghiệp vụ bảo hiểm là: Nếu NCN mua gà giống của Thanh Bình, sẽ được bao tiêu đầu ra và sẽ đền bù khoản tiền tương đương với giá trị thực con gà nếu bị cúm gia cầm. Đây hoàn toàn là do Công ty Thanh Bình tự đứng ra bảo hiểm để trấn an khách hàng của mình, chứ không do công ty bảo hiểm nào chi trả.
"Bản lĩnh" hơn, Thanh Bình còn dám ký cả hợp đồng với Công ty bảo hiểm PJICO (Đồng Nai) cam kết bảo hiểm cho người tiêu dùng khi dùng sản phẩm gà của công ty, nếu có "mệnh hệ" nào sẽ được bồi thường đến 100 triệu đồng/người, giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi sử dụng lại các sản phẩm thịt gà, trong lúc đại dịch H5N1 chưa hoàn toàn chấm dứt trên phạm vi toàn quốc.
Thế mà, chưa có một công ty bảo hiểm chuyên nghiệp nào dám nhảy vào cuộc, bán bảo hiểm cho người nuôi gia cầm...
Nhà nước hỗ trợ : Tại sao không?
Một quan chức của Vụ Bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng đã từng nhận định, nông nghiệp nước ta thường phải chịu nhiều thiên tai, dịch bệnh, nên hoạt động BHNN có rất nhiều rủi ro. Hơn thế, cho đến nay trên thế giới cũng chưa có DN nào chỉ kinh doanh BHNN mà có lãi. Nhưng không phải vì thế mà không triển khai, vì BHNN không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội.
Với DN trong ngành bảo hiểm, việc đòi hỏi hiệu quả kinh doanh và lợi ích kinh tế cũng là điều hiển nhiên, nhưng với một đất nước có đến 80% dân số sống bằng nghề nông, thì DN cũng không thể tìm lý do để “né” mãi thị trường này.
Để giải được bài toán BHNN này, chính sách Nhà nước giữ vai trò quan trọng. Nên chăng, Nhà nước phải là người bảo hiểm sau cùng, là người đứng ra bù đắp cho những tổn thất vượt quá khả năng hoặc mức định của DN; hỗ trợ về chính sách tài chính cho DN như miễn thuế dịch vụ BHNN, thuế thu nhập DN, thuế VAT…?
-
Nguyễn Sa