Mặc dù một hội đồng khoa học cấp quốc gia đã thống nhất xác định ngôi mộ tìm thấy ở Tây Cao Huyệt, An Dương, Hà Nam là mộ Tào Tháo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trái chiều vẫn tiếp tục khẳng định, ngôi mộ được tìm thấy tuyệt đối không phải là mộ Tào Tháo.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Từ những tấm bia ngụy tạo...
Cho đến nay, bằng chứng quan trọng nhất khẳng định ngôi mộ ở An Dương là mộ Tào Tháo chính là những tấm bia có khắc ba chữ “Ngụy Vũ Vương” được tìm thấy trong mộ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã đưa ra những chứng mình rằng, tấm bia này là giả.
Những tấm bia có khắc chữ "Ngụy Vũ Vương" được tìm thấy trong ngôi mộ ở An Dương. Ảnh: THX. |
Lâm Khuê Thành, chủ nhiệm bộ môn Thư pháp thuộc Hội Văn học nghệ thuật Khai Phong, Hà Nam thì cho rằng, việc xuất hiện tấm bia “Ngụy Vũ Vương” như một thụy hiệu của Tào Tháo trong ngôi mộ ở An Dương là rất đáng nghi ngờ.
Ông Thành cho biết, khi còn sống, Tào Tháo xưng là Ngụy Vương (tước vị này về sau được Tào Phi kế vị). Sau khi chết, Tào Tháo có thụy hiệu là Vũ Vương. Điều này đã được ghi rất rõ trong Vũ Đế kỷ, Ngụy Thư, sách Tam Quốc Chí.
9 tháng sau khi Tào Tháo chết, Tào Phi xưng đế, lấy tước hiệu “Ngụy” làm tên nước, tôn Tào Tháo làm “Thái tổ Vũ Hoàng đế”. Cho đến tận lúc này, thụy hiệu của Tào Tháo có thay đổi một chút, song chỉ đổi chữ “Vương” thành chữ “Hoàng đế” mà thôi. Sau này, khi nước Ngụy bị diệt vong, người đời sau mới gọi Tào Tháo là “Ngụy Vũ đế”.
Như vậy, từ khi còn sống cho đến lúc chết đi, trước sau Tào Tháo chưa từng có tên hiệu nào là “Ngụy Vũ Vương”. Tìm khắp các sách sử cũng không thấy có ghi chép nào nói rằng Tào Tháo từng có thụy hiệu là “Ngụy Vũ Vương”.
Ngoài ra, theo thể chế thời phong kiến, khi đã có thụy hiệu thì tên gọi lúc sinh thời không được sử dụng nữa. Nếu như sử dụng lại tên lúc còn sống được coi là đại bất kính. Chuyện này đối với các bậc đế vương càng được tuân thủ nghiêm ngặt. Do vậy, cách gọi Ngụy Vũ Vương như một thụy hiệu đã vi phạm vào điều cấm kỵ này khi dùng lẫn lộn tên khi còn sống và sau khi đã chết.
Ở góc độ văn tự, Lý Lộ Bình, chủ nhiệm Hiệp hội thư họa Tô Châu nhận định rằng ba chữ “Ngụy Vũ Vương” trên tấm bia tìm thấy là sản phẩm ngụy tạo. Ông Bình cho biết, hình dáng cũng như cách viết của ba chữ Ngụy Vũ Vương trên các bia đá khai quật được tại mộ Tào Tháo giống hệt những chữ viết tại một ngôi mộ cổ tìm thấy năm 1998 tại An Dương, Hà Nam. Do đó, đây có thể là những tác phẩm ngụy tạo của cùng một người làm ra.
Đến vô số những nghi vấn
Rất nhiều trân châu và mã não được tìm thấy trong ngôi mộ. Ảnh: THX. |
Bên cạnh những nghi vấn quanh tấm bia có khắc ba chữ “Ngụy Vũ Vương”, nhiều chuyên gia khác cũng đưa ra những lập luận chứng minh ngôi mộ ở An Dương không phải là mộ Tào Tháo.
Trịnh Trung Đường, Hội trưởng Hội nghiên cứu văn hóa Hàm Đan Cổ Nghiệp tỉnh Hà Bắc nói, sau khi quan sát và tìm hiểu tỉ mỉ những hiện vật được tìm thấy trong ngôi mộ có thể chỉ ra rất nhiều điểm đáng nghi ngờ:
Thứ nhất, Tào Tháo lúc sinh thời rất tiết kiệm, kêu gọi mai táng phải giản tiện, không xa hoa. Trong “Di lệnh” để lại trước khi chết, Tào Tháo còn dặn dò rằng khi chôn cất mình “tuyệt đối không được chôn theo vàng bạc châu báu”. Tuy nhiên, trong “mộ Tào Tháo” tìm thấy ở An Dương, người ta lại tìm thấy rất nhiều trân châu và mã não. Điều này hoàn toàn không phù hợp với những gì đã ghi trong “Di lệnh”.
Thứ 2, trong Hậu phi truyện sách “Tam Quốc chí” có ghi rõ Biện Thái hoàng Thái hậu mất vào năm 230, sau đó 2 tháng được “hợp táng tại Cao lăng” cùng Tào Tháo. Tuy nhiên, trong “mộ Tào Tháo” ở An Dương người ta không tìm thấy bất cứ dấu vết nào của hài cốt Biện Thái hoàng Thái hậu.
Thứ 3, theo thể chế mai táng đời Hán, Biện Thái hoàng Thái hậu khi còn sống được phong là Thái hậu và Thái hoàng Thái hậu nên khi chết đi nhất định phải chôn theo những ấn tín để chứng minh thân phận.
Nơi yên nghỉ cuối cùng của Tào Tháo vẫn sẽ là bí ẩn. Ảnh: Internet.
Thứ 4, theo như tác phẩm “Chung lệnh” (sắc lệnh lúc lâm chung), mộ Tào Tháo không phải là một ngôi mộ đơn độc mà là một quần thể mộ được xây dựng với quy mô hoành tráng.
Tuy nhiên, kết cấu của ngôi mộ ở An Dương chỉ có một ngôi mộ chính và một ngôi mộ bé hơn ở cạnh. Chủ nhân của ngôi mộ phụ này là ai cũng không rõ. Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì đã được lịch sử ghi chép.
Thứ 5, trong khi ngôi một thứ nhất vẫn chưa được khai quật và chỉ dựa vào những hiện vật tùy táng khai quật được ở ngôi mộ số 2 đã vội kết luận đây là mộ Tào Tháo như vậy là quá vội vàng.
Nhà nghiên cứu Lý Lộ Bình cũng đưa ra một điểm nghi vấn khác, cho rằng, căn cứ theo những tập tục mai táng thời Hán, ấn chương lúc sinh thời là một vật tùy táng không thể thiếu. Từ đầu thế kỷ 20 đã hình thành quy định ngầm “lấy ấn chương để chứng thực lịch sử” trong giới khảo cổ Trung Quốc.
Các nhà sử học cận hiện đại, các nhà khảo cổ không ai không phải tuân thủ quy định này. Vì vậy, việc không tìm thấy ấn chương của chủ nhân ngôi mộ là một lỗ hổng lớn trong kết luận ngôi mộ ở An Dương là mộ Tào Tháo.
Mặc dù tuyên bố những ý kiến của mình không ảnh hưởng đến những kết luận chính thức của các cơ quan hữu quan. Tuy nhiên, rõ ràng những điểm nghi ngờ mà các chuyên gia đặt ra buộc người ta phải xem xét lại tính chân xác của ngôi mộ ở An Dương, vốn đã được xác định là nơi yên nghỉ của Tào Tháo.
-
Lê Văn (Tổng hợp)