Dù việc xác định ngôi mộ tìm thấy ở thôn Tây Cao Huyệt xác thực là mộ Tào Tháo là kết quả thảo luận của hàng chục chuyên gia lịch sử đầu ngành của Trung Quốc thế nhưng những hiện vật mới được phát hiện tại khu mộ lại đang gây ra những nghi ngờ đối với kết luận đầy quyền uy này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vào ngày 12/6 vừa qua, khi công việc khai quật khu mộ Tào Tháo được truyền hình trực tiếp, thì những hiện vật được tìm thấy tại khu mộ cũng lần đầu tiên được công bố.
Trong số những hiện vật này, tấm bia “Thường sở dụng trường tê thuẫn” (chiếc trường thuẫn thường sử dụng) và chiếc “chuồng lợn bằng gốm” trở thành những “chứng cứ” để nhiều người phản bác lại kết luận khu mộ ở An Dương là của Tào Tháo.
Ngụy Vũ Vương Tào Tháo cũng nuôi heo?
"Chuồng lợn gốm" là văn vật mang tính tiêu chí của các di chỉ đời Hán. Ảnh: Wuhanart.com. |
Trong buổi khai quật được truyền hình trực tiếp, đoàn khảo cổ Hà Nam đã tìm thấy một chiếc “chuồng lợn bằng gốm” tại ngôi mộ số 2, nơi tìm thấy bộ hài cốt Tào Tháo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lịch sử cho rằng hiện vật này khẳng định ngôi mộ được tìm thấy không phải là mộ Tào Tháo.
Các chuyên gia lịch sử cho rằng, dù “chuồng lợn bằng gốm” là hiện vật mang tính đặc trưng cho xã hội thế tục thời Hán song nó khó có thể xuất hiện trong mộ của Tào Tháo. Bởi vì càng là mộ của quý tộc, vua chúa, càng không thể xuất hiện loại hiện vật này.
Nhiều người còn nói, “chuồng lợn bằng gốm” là một hiện vật mang tính tiêu chí để nhận diện các di chỉ thời Hán, tuy nhiên cũng có ý nghĩa tượng trưng là trong gia đình có nuôi dưỡng lợn. Chẳng nhẽ lúc còn sinh thời, Tào Tháo đã từng nuôi lợn?
Thân làm thống soái, Tào Tháo sao phải dùng khiên?
Những tấm bia đá có khắc chữ "Ngụy Vũ Vương thường sở dụng..." tìm thấy trong ngôi mộ ở thôn Tây Cao Huyệt vốn được cho là bằng chứng quan trọng để khẳng định đây là mộ Tào Tháo. Ảnh: THX. |
Trong buổi tường thuật trực tiếp hôm 12/6 vừa qua, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy một tấm bia nhỏ có khắc hàng chữ “Thường sở dụng trường tê thuẫn”. Chiếc bia này được các nhà khảo cổ Hà Nam cho là “chứng cứ quan trọng”, và “thêm một lần nữa chứng minh ngôi mộ là của Tào Tháo”.
Tuy nhiên, nhiều người lại không cho là như vậy. Rất nhiều người cho rằng, Tào Tháo là vị tư lệnh tối cao của nước Ngụy, không thể có chuyện dùng khiên để bảo vệ. Bởi lẽ, thông thường, những người dùng khiên bảo vệ trong quân đội phải là những binh lính cấp thấp chứ không phải vị tướng chỉ huy như Tào Tháo.
Ngoài ra, tất cả thư tịch từ “Tam Quốc Chí” cho đến “Tam Quốc diễn nghĩa” đều không hề nói rằng Tào Tháo có dùng khiên. Vì vậy, việc phát hiện được tấm bia này là một bằng chứng khẳng định đây hoàn toàn không phải là mộ Tào Tháo.
Giải thích của các nhà khảo cổ
Những phát hiện mới khiến các nhà khảo cổ đang phải đối mặt với rất nhiều những câu hỏi nghi ngờ về kết luận đây là ngôi mộ của Tào Tháo. Ảnh: THX. |
Mới đây nhất, ông Phan Vỹ Bân, người phụ trách khai quật khu mộ Tào Tháo tại An Dương cũng đã lên tiếng trả lời tất cả những câu hỏi này.
Đối với việc phát hiện chiếc “chuồng lợn gốm” trong ngôi mộ số 2, Phan Vỹ Bân nói, ông đã tra rất nhiều tư liệu và phát hiện ra rằng, không ít các ngôi mộ của các bậc vương hầu thời Hán đều khai quật được “chuồng lợn gốm”. Điều này chứng tỏ, việc tìm thấy nó trong mộ Tào Tháo là chuyện hoàn toàn bình thường.
Còn việc tìm thấy tấm bia có khắc chữ “chiếc trường thuẫn thường sử dụng”, Phan Vỹ Bân cho rằng cũng không có gì là lạ. “Tuy bản thân Tào Tháo có thể không sử dụng khiên, tuy nhiên khi Tào Tháo dẫn binh đi chinh chiến tất phải có người bảo vệ. Những người vệ binh này cầm gì để bảo vệ Tào Tháo? Đó đương nhiên là ‘trường thuẫn’, ông Phan Vỹ Bân khẳng định.
Dù đã có lời giải thích chính thức từ phía các nhà khảo cổ, tuy nhiên có vẻ như những tranh cãi xung quanh ngôi mộ của nhân vật nổi tiếng bậc nhất thời Tam Quốc Tào Tháo vẫn chưa đến hồi kết thúc.
-
Lê Văn (Tổng hợp)