Hành tinh có thể cung cấp đủ lương thực cho dân số thế giới với chế độ dinh dưỡng tiêu chuẩn Châu Âu trong nhiều thế kỷ nữa, nhưng một cuộc khủng khoảng lương thực toàn cầu sẽ xảy ra do các nước tiếp tục ưu tiên phát triển cây lương thực phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học, theo ông Roel Jongeneel, tiến sĩ kinh tế thuộc Trường Đại học Wageningen (Hà Lan).
Thêm nữa, dân số thế giới dự kiến sẽ đạt 9 tỷ người vào năm 2050. Tiến sĩ Roel Jongeneel cho rằng, lượng người khổng lồ này vẫn có thể được cung cấp đủ lương thực nếu các nhà lãnh đạo trên thế giới cần có những chính sách hữu hiệu hơn nữa để bảo vệ và hỗ trợ ngành nông nghiệp, đồng thời hạn chế diện tích cây lương thực phục vụ cho ngành sản xuất nhiên liệu sinh học.
![]() |
Cần có những chính sách hữu hiệu hơn nữa để bảo vệ và hỗ trợ ngành nông nghiệp. Ảnh: Edmonton |
“Thực tế, chúng ta đã có thể cung cấp đủ lương thực cho tất cả mọi người trên thế giới, nhưng chúng ta đang không làm điều đó. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng những ưu tiên của chúng ta chưa hợp lý”, tiến sĩ Jongeneel phát biểu tại hội nghị Farm Forum Event được tổ chức tại Canada.
Tiến sĩ người Hà Lan đưa ra số liệu hơn 1 tỷ người trên thế giới đang sống trong cảnh thiếu ăn và mỗi ngày lại có thêm 22.000 người tử vong do nạn đói và những bệnh liên quan. Ông cho rằng nguyên nhân chính của vấn nạn này nằm ở giá cả của lương thực quá đắt với nhiều người ở những vùng khác nhau trên thế giới. Năm 2007, giá lương thực tăng cao do sự gia tăng trong sản xuất nhiên liệu sinh học và gần đây, sự suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến sức mua các sản phẩm lương thực giảm.
"Cho dù giá lương thực giảm chút ít (do suy thoái kinh tế), nhưng chúng ta vẫn thấy số người đói ăn trên thế giới vẫn không ngừng tăng lên”, tiến sĩ Roel Jongeneel nói. “Việc gia tăng các vùng trồng cây lương thực để phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới cuộc khủng hoảng lương thực".
Saskatchewan - một tỉnh bang miền tây của Canada, rất tích cực hỗ trợ giúp giải quyết nạn đói trên thế giới bằng cách xuất khẩu lương thực và phân bón. Tuy nhiên theo tiến sĩ Jongeneel, một số nước cần nhiều lương thực lại không thể phân phối các sản phẩm như phân bón bì giá quá cao.
“Ví dụ như ở Ấn Độ, nước này đã đưa ra chính sách trợ giá cho người nông dân khi mua phân bón... Mặc dù giá sản phẩm khá thấp sau khi được hỗ trợ, nhưng người nông dân vẫn không đủ tiền mua được phân bón”, tiến sĩ Jongeneel nói.
Trong khi đó, một số quốc gia ở Châu Phi vẫn đánh thuế các sản phẩm phục vụ nông nghiệp. Điều này khiến người nông dân ở những nước này không đủ khả năng để mua phân bón và việc thu lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp vẫn là giấc mơ qua xa vời với nhiều nông dân.
Tiến sĩ Jongeneel kêu gọi cần có các chính sách mang tính quốc tế nhằm bảo vệ và hỗ trợ ngành nông nghiệp ở những nước đang phát triển. Vào năm 2050, ông hy vọng việc phát triển nông nghiệp sẽ đáp ứng đước nhu cầu về lương thực nhằm xóa bỏ hoàn toàn nạn đói trên thế giới.
"Xét về góc độ công nghệ, chúng ta có thể cung cấp đủ lương thực cho tất cả mọi người ở thời điểm hiện tại, cũng có thể chúng ta sẽ cũng cấp gấp hai hay ba lần nhu cầu lương thực của thế giới trong vào năm 2050... nhưng như tôi đã đề cập điều quan trọng là chúng ta phải có những chính sách ưu tiên phát triển một cách hợp lý vì trong nhiều năm qua, chúng ta vẫn phải đối mặt với việc khủng hoảng lương thực trầm trọng”, tiến sĩ Jongeneel kết luận.
-
Hà Hương (Theo Canada.com)