- Chiều nay (8/5/2009), đề tài “Nghiên cứu một số vấn đề ghép tim thực nghiệm” đã được báo cáo nghiệm thu tại Học viện Quân y (Hà Đông, Hà Nội).
Đề tài đang được báo cáo bởi PGS.TS Đặng Ngọc Hùng - Ảnh: N.A |
PGS.TS Đặng Ngọc Hùng - Nguyên PGĐ Học viện Quân y, nguyên GĐ Bệnh viện 103 - Chủ nhiệm đề tài - nhấn mạnh: Đây là nghiên cứu đầu tiên trên cả nước về vấn đề ghép tim thực nghiệm, nhằm bước đầu xây dựng, rèn luyện đội ngũ, đào tạo tổ chức, tập dượt làm quen với kỹ thuật,… để tiến thêm những bước lớn hơn.
Đề tài nghiên cứu này hướng đến 3 mục tiêu: “Xây dựng quy trình ghép tim thực nghiệm; Nghiên cứu đặc điểm giải phẫu tim lợn ứng dụng trong ghép tim thực nghiệm; Bước đầu nghiên cứu xác định những biến đổi sinh lý, bệnh lý của tim và cơ thể nhận tim trong quá trình ghép.”
Thực nghiệm trên lợn cũng từng là cách mà Học viện Quân y tập dượt cho việc ghép thận và ghép gan, để đi đến thành công trong ghép thận và gan cho người năm 1992 và 2004.
Các mô hình ghép tim trên người - Ảnh: N.A |
Việc nghiên cứu ghép tim ở Việt Nam - nơi bệnh tim đang có tỷ lệ lớn trong cơ cấu bệnh tật - là một yêu cầu thực tiễn và cấp bách. Ngoài ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, nghiên cứu ghép tim còn tạo điều kiện nâng cao nhanh trình độ cán bộ, năng lực trang thiết bị, chất lượng phục vụ nói chung của ngành y tế.
Thiếu tướng, GS Phạm Tử Dương - Nguyên PGĐ Bệnh viện 108 - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài Khoa học cấp Bộ Quốc phòng - trả lời pv VietNamNet khẳng định: “Đánh giá chung của Hội đồng nghiệm thu là thành công. Đây chính là cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo để dần dần có thể ghép tim người.”.
Kết quả thu được cũng cho thấy cần tiến hành thực nghiệm với số lượng nhiều hơn nữa để nâng cao kỹ năng phẫu thuật cũng như sự phối hợp đồng bộ giữa các kíp kỹ thuật khác bảo đảm cho cuộc mổ ghép tim.
Trên thế giới, ghép tim đã thành công lần đầu tiên từ 1967 và hiện là một biện pháp hiệu quả để điều trị các bệnh tim giai đoạn cuối.
Nhuệ Anh