- UBND tỉnh Khánh Hòa vừa cho biết, tỉnh đã đồng ý hỗ trợ 500 triệu đồng để Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế nghiên cứu và xây dựng quy trình sản xuất kháng độc tố tetrodotoxin nhằm phục vụ điều trị ngộ độc cá nóc.
Độc tố trong cá nóc độc gấp 275 lần xyanua. |
Do thiếu hiểu biết về độc tố trong cá nóc nên hiện nay tình trạng khai thác và sử dụng các loại cá nóc biển làm thực phẩm của người dân duyên hải miền Trung khá phổ biến khiến không ít trường hợp ngộ độc cá nóc dẫn đến tử vong.
Việt Nam vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và phòng ngừa ngộ độc cá nóc để cung cấp rộng rãi cho người tiêu dùng. Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ thường sử dụng loại thuốc có tên gọi Antipois làm từ than hoạt nhũ để điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc cá nóc.
Cá nóc là cá độc, thường gây ngộ độc ở Nhật Bản, Đài Loan và các nước vùng Đông Nam Á. Trong cá có chứa một loại chất độc tetrodotoxin có độc tính với hệ thần kinh, tim mạch. Đây là một trong các chất có độc tính mạnh nhất được con người biết đến, độc gấp 275 lần so với xyanua và gấp 50 lần so với mã tiền. Nhiều loại động vật biển khác cũng chứa tetrodotoxin như sao biển, bạch tuộc vòng nhẫn xanh, một số loài cua biển,... ở cá nóc, tất cả các bộ phận của cá đều có chứa tetrodotoxin, đặc biệt là ở các phủ tạng, da và trứng.
Độc tố này không bị phân huỷ ở nhiệt độ cao do đó mặc dù cá nóc được nấu chín kỹ nhưng độc tố vẫn không thay đổi. Thịt cá để lâu (ví dụ cá nóc khô) hoặc thậm chí nước mắm cá nóc vẫn chứa chất độc và có thể gây ngộ độc. Con người đặc biệt dễ bị ngộ độc tetrodotoxin hơn so với các động vật khác.
-
K. Nguyên