Phòng thí nghiệm Công nghệ Sinh học Phân tử - ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM có quân số 30-40 người, tuổi từ 23-29 tuổi. Đa số được hỗ trợ một số tiền tượng trưng, nhưng sinh viên vẫn nộp đơn xin ở lại để tiếp tục nghiên cứu. Tại sao?
Khơi dậy đời sống nghiên cứu khoa học thật sự
Cán bộ trẻ của khoa Công nghệ Sinh học - ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Ảnh: Thu Hưong
20h ngày Chủ nhật, sau một cú điện thoại, ThS. Phan Kim Ngọc, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM vẫn quay lại mở cửa phòng thí nghiệm Công nghệ Sinh học Phân tử vì sinh viên đang cần sử dụng...
Và vừa mới đây, Nhà Xuất bản Giáo dục đã xuất bản cuốn sách "Công nghệ Sinh học trên người và động vật". Cuốn sách đã đề cập đến những lĩnh vực đang được chú trọng và phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu. Đó là tế bào gốc, động vật biến đổi gien, liệu pháp gien, công nghệ sinh dược phẩm và vật liệu sinh học.
Đồng tác giả cuốn sách là ThS. Phan Kim Ngọc và Phạm Văn Phúc. Trong đó, ThS. Phan Kim Ngọc là một nhà khoa học nổi tiếng đam mê nghiên cứu trong lĩnh vực tế bào gốc. Còn Phạm Văn Phúc năm nay mới chỉ 25 tuổi, tốt nghiệp cử nhân Khoa Công nghệ Sinh học cách đây ba năm. Hiện, Phúc đang là cán bộ của phòng thí nghiệm Công nghệ Sinh học Phân tử.
"Được đứng tên chung với thầy Phan Kim Ngọc trong một công trình lớn như thế là niềm tự hào. Tuy nhiên, tôi biết thầy Ngọc đã trải qua rất nhiều vất vả. Có thầy cô cho rằng tôi còn quá trẻ, kiến thức hạn hẹp, nên không thể đứng tên chung như thế. Nhưng thầy Ngọc lại quan niệm rằng, tôi có tham gia vào công trình, thì tôi sẽ được đứng tên", Phạm Văn Phúc nói.
Phạm Văn Phúc với cuốn sách "Công nghệ sinh học". Anh đã được đứng tên chung với thầy giáo của mình, một chuyên gia về tế bào gốc, ThS. Phan Kim Ngọc. Ảnh: H.Cát
Dù chỉ bỏ ra một chút ít công sức nào đó, nhưng được những người thầy chấp nhận, đã khơi dậy cho những trí thức trẻ như Phạm Văn Phúc một niềm đam mê nghiên cứu. Vì họ biết họ sẽ được những người thầy hỗ trợ hết mình.
Theo Phúc, đó cũng chính là những thứ đã níu chân sinh viên ở lại trường. Trong khi, bạn của Phúc hiện có người làm cho tư nhân lương rất cao từ 6 - 10 triệu đồng/ tháng.
Một tín hiệu mới đầy khích lệ: Tại sao sau khi ra trường, sinh viên trẻ ngành công nghệ sinh học muốn được ở lại trường. Dù đó chỉ là ở lại tạm thời hoặc lâu dài để làm công việc nghiên cứu, và được khoa hỗ trợ như một dạng “học bổng” với số tiền tượng trưng, thay vì tìm việc ở các công ty bên ngoài với lương tháng cao hơn rất nhiều?
Theo ThS. Phan Kim Ngọc, sở dĩ nhiều sinh viên muốn ở lại trường để tiếp tục nghiên cứu vì ngay từ đầu, giữa thầy và trò tạo dựng được một niềm tin và chia sẻ chung một quyền lợi nghiên cứu. Thông thường, giữa sinh viên đại học và giáo viên luôn có một khoảng cách. Trong khi, lớp trẻ là một nguồn tài nguyên rất quý giá.
Để khuyến khích nhân lực trẻ, mô hình làm việc mà ThS. Ngọc đang theo đuổi không giới hạn “không gian”, không giới hạn thời gian, không giới hạn số lượng, không giới hạn trình độ và không giới hạn chuyên môn.
“Tôi luôn tin rằng các em sẽ làm được. Xây dựng các nhóm, ê-kíp trong nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo tại trường đại học sẽ khơi dậy một đời sống nghiên cứu khoa học thật sự. Chứ không đơn thuần là một phong trào", ThS. Phan Kim Ngọc tâm sự.
Sinh viên giỏi nhất tìm cách ở lại trường
Theo PGS. TS Trần Linh Thước, từ những năm 2000, xu hướng bắt đầu thay đổi. Những sinh viên giỏi nhất sau khi tốt nghiệp đều tìm cách để ở lại trường. Ảnh: H.Cát
Theo PGS. TS Trần Linh Thước – Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên phụ trách Khoa học – Công nghệ và Quan hệ Quốc tế, thực sự lĩnh vực Công nghệ Sinh học đã tạo được hứng thú nghiên cứu trong sinh viên, ham mê cái mới.
“Công việc này bắt đầu từ một dự án của ĐH Quốc gia TP.HCM đầu tư cho ĐH Khoa học Tự nhiên xây dựng phòng Thí nghiệm Công nghệ Sinh học Phân tử vào năm 1999. Mục tiêu là đầu tư các trang thiết bị để thực hiện được những nghiên cứu tiếp cận với cái mới,” TS. Thước nói.
Chính nhờ có phòng thí nghiệm, thầy cô có những đề tài nghiên cứu. Qua đó, các sinh viên có điều kiện tiếp cận trực tiếp nghiên cứu.
“Ví dụ, khi sinh viên đọc các bài báo khoa học, rồi bây giờ mình có điều kiện bắt tay làm thí nghiệm. Điều đó đã tạo sự hứng thú cho sinh viên. Do đó, từ những năm 2000, xu hướng bắt đầu thay đổi. Những sinh viên giỏi nhất sau khi tốt nghiệp đều tìm cách để ở lại trường", TS Trần Linh Thước nhận xét.
Cũng từ đó, khoa Sinh mới đề xuất với trường cho khoa sử dụng người và tự trả "lương". "Lương" sẽ lấy từ các đề tài nghiên cứu, chủ yếu là đề tài của Nhà nước. Khởi đầu, "lương" của các em là 400.000 đồng/tháng, sau đó lên 700.000 đồng/tháng... Với một mức "lương" như thế, nhưng các em vẫn xếp hàng xin ở lại khoa.
"Khi vào đến phòng thí nghiệm, em có thể tự tin nói rằng, mọi cái em đều có thể làm được. Và em càng ham muốn tìm ra những cái mới", Thanh Khương nói. Ảnh: H.Cát |
"Sau khi tốt nghiệp đạt loại giỏi, một phó khoa Vô sinh của BV Đa khoa Đà Nẵng đã giới thiệu em về làm việc tại BV. Nhưng em vẫn muốn được tiếp tục học lên nữa, do đó em đã nộp đơn xin ở lại trường", Thanh Khương nói.
Hai tháng đầu thử việc tại phòng Thí nghiệm Công nghệ Sinh học Phân tử, lương của Khương chỉ có 1 triệu đồng/tháng, sau đó lên được 1,2 triệu đồng/tháng. Hàng tháng, gia đình vẫn hỗ trợ Khương trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
"Trước đây, nhìn vào những gì đã học được, em cảm thấy những điều đó thật xa vời, và khó thực hiện được. Nhưng khi vào đến phòng thí nghiệm, em có thể tự tin nói rằng, mọi cái em đều có thể làm được. Và em càng ham muốn tìm ra những cái mới", Thanh Khương tâm sự.
TS. Thước cho biết, sau khi "mở trói" về số lượng cán bộ trẻ được giữ lại trường, chỉ trong vòng 5 năm, diện mạo khoa thay đổi nhiều. Lực lượng cán bộ trong khoa lúc nào cũng hùng hậu và rất trẻ.
"Ở lại tức là sinh viên còn muốn tiếp tục phát triển lên nữa, và đầu tư cho tương lai. Đồng thời, trong khi đang làm việc tại trường, nhiều em tìm được học bổng đi nước ngoài để có cơ hội học hỏi hơn nữa nhằm sau này quay về nước phục vụ. Chính điều đó tạo động lực rất mạnh mẽ đối với các trí thức trẻ", TS. Thước nói.
-
Hương Cát
Ý kiến của Bạn:
Phản hồi từ bạn đọc:
Ho ten: Huy Tiến
Dia chi: Australia
Email:
Tieu de: Nên có nhiều hơn "tượng trưng"
Noi dung: Tôi cũng rất thán phục các bạn trẻ đã quyết tâm ở lại trường để thoả mãn niềm đam mê nghiên cứu. Các bạn rất đáng trân trọng, và hy vọng các bạn sẽ trụ lại được lâu dài để sau này có thể thành những nhà nghiên cứu giỏi. Tôi tốt nghiệp ĐH ở nước ngoài, ngành Môi trường. Khi về Việt Nam, tôi cũng đã định vào một trường Đại học để thoả mãn niềm đam mê nghiên cứu. Nhưng tôi đã không làm được, vì tôi không thể sống "tượng trưng", không thể tiếp tục sống nhờ bố mẹ sau bao nhiêu năm họ nuôi nấng tôi đến khi tôi đã trưởng thành như thế. Tôi phải tự đi trên đôi chân của chính mình. Vì thế, tôi rất mong các cơ quan, trường học hãy nhanh chóng thay đổi để có những chính sách đãi ngộ nhiều hơn sự "tượng trưng". Chỉ có như vậy, các nhà trí thức trẻ mới có thể sống thực và nghiên cứu thực. Nếu cứ "tượng trưng" mãi thế này, tôi e rằng nhiều người giỏi sẽ phải ra đi hết...
Ho ten: Huan
Dia chi: California
Email: juantonss@gmail.com
Tieu de: Cần thực tế hơn
Noi dung: Tôi thấy bài viết mang tính cổ động nhiều hơn là thực tế. Đại đa số những sinh viên giỏi xin ở lại trường vì cơ hội xin học bổng ở nước ngoài, chứ chẳng phải mấy ai được nghiên cứu khoa học đúng ngành nghề, mà đầu tư cơ sở vật chất ở Việt Nam cũng chẳng có gì, rất khó phát triển cho những người có tâm huyết. Mong bài viết sâu sắc hơn, nhìn nhận vấn đề đúng thực tế. Là người trong cuộc chúng tôi hiểu rõ vấn đề hơn ai hết, xin đừng vì một bài viết hay mà trái thực tế. Đó là một sự thật phũ phàng, bởi chính phủ tài trợ để đào tạo nhân lực nhưng mấy người trở về. Vấn nạn chảy máu chất xám đã được đề cập đến từ rất lâu và nó ngày càng phổ biến, nếu chúng ta không nhìn nhận thực tế thì rất khó có thể phát triển được.
Ho ten: Luu Van Thu
Dia chi: Ha Noi
Email: luu_thu98@yahoo.com
Tieu de: Chúc mừng
Noi dung: Tôi thán phục những người trẻ tuổi, đầy nhiệt huyết trong bài viết này. Ước gì những trí thức ở nước ta cũng có được nhiệt huyết, lòng yêu nghề và sự gắn bó với công tác khoa học như những bạn trẻ này thì tốt biết bao. Mong VNN cho tôi mail và địa chỉ của từng người trong bài viết này như Khương, Phúc để chúng tôi cùng nhau chia sẻ những ý tưởng và cảm nghĩ...
Ho ten: Tran nhu hoa Binh
Dia chi: ninhoa khanh hoa
Email: binh_tran57@yahoo.com
Tieu de: Khởi sắc...
Noi dung: Mong rằng những chính sách thiết thực như thế này ngày càng nhiều để tuổi trẻ có một định hướng rõ ràng, tránh tình trạng chảy máu chất xám. Chuc các bạn ngày càng gắn bó với khoa học và nghiên cứu được nhiều đề tài mới.
Ho ten: Tuan
Dia chi: Quận 8
Email: nguyenanhtuan@yahoo.com
Tieu de: Lương như thế, liệu họ có trụ được không?
Noi dung: Những người trẻ mới tốt nghiệp nhiệt huyết còn đầy, niềm đam mê và tinh thần cống hiến còn rất lớn nên họ mới sẵn sàng ở lại với mức "lương" như thế. Tôi hiểu rõ điều đó đơn giản vì tôi cũng đã từng như họ. Nhưng bạn hãy thử tìm hiểu thêm đi, bạn sẽ thấy khi ở lại 2, 3 năm rồi, họ sẽ như thế nào? Xin trả lời thẳng cho bạn rằng trừ những người kiếm được học bổng đi nước ngoài, những người còn lại đều chán nản đến vô cùng. Sau một thời gian sống vì đam mê, rất nhiều người trong số họ chợt nhận ra rằng mình vẫn còn 2 bàn tay trắng, áp lực mưu sinh với bao lo toan trong cuộc sống sẽ khiến họ trở nên mệt mỏi và sống thực tế hơn. Và họ ra đi gần như là tất yếu...
Ho ten: Hoàng Minh
Dia chi:
Email:
Tieu de:
Noi dung: Tôi sống ở phía Bắc. Lý do ở lại trường với đồng lương tượng trưng nghe thật phũ phàng. Sự lựa chọn của đa số chúng tôi là vì chẳng có lựa chọn nào hay hơn. Công việc tốt đúng ngành nghề rất khó vì công việc, chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp thấp. Sinh viên ngành công nghệ sinh học ra trường có mức lương cũng rất thấp và đa số phải làm trái ngành nghề. Ở lại trường lương thấp nhưng cơ hội xin học bổng để tiếp tục đi học lại vì ngành này các nước phát triển cần nhiều. Thực tế nữa là, bạn bè của tôi đi học thạc sỹ và nghiên cứu sinh rất nhiều nhưng sau đó, mấy người trở về làm việc ở Việt Nam. Rất xin lỗi các thầy cô nếu tôi nói hơi phiến diện...
Ho ten: Lưu Hoàng Lân
Dia chi: Đại học Phương Đông
Email: lan_lh@yahoo.com
Tieu de: Ý kiến
Noi dung: Tôi rất vui khi được biết có một cơ sở đào tạo đã có suy nghĩ thoáng như vậy. Điều đó sẽ giúp ích rất nhiều cho các tân cử nhân, kỹ sư. Tôi nghĩ, sau khi ra trường rất nhiều người không đặt nặng vấn đề lương bổng mà quan trọng hơn là được tự khẳng định mình trong công việc mà mình yêu thích. Đó là một mô hình cần được khuyến khích, mở rộng.