221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
1011700
Tế bào gốc: Mạnh ai nấy tiến, tiến sao nổi!
1
Article
null
Tế bào gốc: Mạnh ai nấy tiến, tiến sao nổi!
,

(VietNamNet) - Nếu đầu tư manh mún, mạnh ai nấy mở ngân hàng tế bào gốc trong khi Nhà nước chưa đầu tư đầy đủ, chưa có luật về tế bào gốc thì Việt Nam không tiến nổi và tiến kịp các nước trong lĩnh vực này.

>>Việt Nam: Ngân hàng tế bào gốc sắp đi vào hoạt động>>

>>TP.HCM: Ca đầu tiên dùng tế bào gốc chữa bệnh mắt >>

>>Nuôi cấy thành công bước đầu giác mạc từ tế bào gốc>>

>>Xây dựng Phòng thí nghiệm Tế bào gốc ở TP.HCM>>

 

Sau khi đọc bài “Việt Nam: Ngân hàng tế bào gốc sắp đi vào hoạt động”, kỹ sư Đỗ Việt Hà, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học – Công nghệ trẻ Thành Đoàn TP.HCM đã bày tỏ nỗi bức xúc với phóng viên VietNamNet.

“Nếu tập trung đầu tư và đầu tư có hệ thống, Việt Nam có thể cạnh tranh với nhiều nước khác trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc”, ông Đỗ Việt Hà nói.

Thế nhưng, đang có thực trạng là Nhà nước đầu tư chỗ này một chút, chỗ kia một chút nên thành ra manh mún...

Ở Việt Nam, chỉ cần trả 500 USD cho một chuyên viên nghiên cứu tế bào gốc là có thể khiến họ thực hiện công việc, nhưng ở Đức thì phải trả gấp 10 lần!  Trong ảnh: Một nhà nghiên cứu Việt Nam đang hướng dẫn kỹ thuật  tách tế bào gốc cho sinh viên (Ảnh: V. Giang)

Công bố... cho vui!

Trả lời câu hỏi, gần đây, đã có những công bố từ các cơ quan nghiên cứu khoa học cho thấy, Việt Nam đã có một số thành công bước đầu trong ứng dụng nghiên cứu tế bào gốc, như ghép giác mạc từ nuôi tế bào gốc của tế bào niêm mạc miệng... liệu đây có phải là tín hiệu đáng mừng?

"Cứ manh mún như hiện nay, mạnh ai nấy làm thì 5 năm nữa Việt Nam cũng không tiến được trong lĩnh vực tế bào gốc... "

Theo kỹ sư Đỗ Việt Hà, hiện nay chưa có chuẩn để đánh giá những sản phẩm nghiên cứu này.

"Chưa có luật về nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, cũng chưa có chuẩn để đánh giá thì những ứng dụng kia của mình vẫn chỉ là thí nghiệm... chơi mà thôi!"

"Bây giờ, chỉ có một phòng thí nghiệm tế bào gốc đang được đầu tư nhưng nhiều người, nhiều đơn vị đã tuyên bố đủ điều kiện nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tế bào gốc thì những tuyên bố ấy có chính xác? Ai kiểm tra được họ cả về cơ sở vật chất, nhân lực?” – ông Hà nêu câu hỏi.

Phải chăng nhận xét trên đây của kỹ sư Đỗ Việt Hà là bi quan?

Còn nhiều cái khó...

Kỹ sư Đỗ Việt Hà nhìn nhận một thực tế là, còn nhiều cái khó khiến cho công nghệ tế bào gốc ở Việt Nam chưa thể phát triển được.

Thứ nhất là đầu tư manh mún. Ông chê: ”Đầu tư ở viện này một chút, trường kia một chút, người học nước này, người học nước kia theo nhu cầu tự phát”.

Thứ hai là chưa tận dụng được chất xám của Việt kiều. “Trí thức Việt kiều muốn chuyển giao công nghệ tế bào gốc về cho mình cũng khó. Chuyển về đâu, ai tiếp nhận, ai đảm bảo sẽ tiếp tục nghiên cứu thành quả ấy? ”.

Thứ ba, việc xây dựng một khung pháp lý cho phép nghiên cứu, kinh doanh, xuất khẩu để có thể tiến tới phát triển tế bào gốc cần phải nghĩ từ trước chứ không phải tới bây giờ vẫn... chưa có!

Và, ông Hà lo ngại: ”Luật ra chậm thì chắc chắn những công ty hiện đi đầu trong lĩnh vực này sẽ bị ách tắc. Điều nguy hiểm là, nếu chưa có khung pháp lý, các doanh nghiệp đầu tư hoạt động trong lĩnh vực tế bào gốc mà “làm ăn lộn xộn” thì không biết làm sao quy trách nhiệm!”.

Tiềm năng lớn chỉ để... ngó!

Cuống rốn, một nguyên liệu quý giá cho công nghệ tế bào gốc. Ảnh chụp tại BV Phụ sản Hùng Vương-TP.HCM (Ảnh: H. Cát)

Thế nhưng, kỹ sư Đỗ Việt Hà vẫn tỏ ra lạc quan về năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc.

“Lợi thế cạnh tranh lớn nhất của chúng ta là có nhân lực rẻ”, kỹ sư Đỗ Việt Hà nêu dẫn chứng, lương của các chuyên viên tế bào gốc ở Việt Nam rẻ gấp 10 lần so với lương chuyên viên nước ngoài.

Ở Việt Nam, chỉ cần trả 500 USD cho một chuyên viên nghiên cứu tế bào gốc là có thể khiến họ thực hiện công việc, nhưng nếu như ở Đức thì phải trả 5.000 USD!

Bên cạnh đó, là chất xám của Việt kiều. “Chúng ta có bác sĩ Phan Toàn Thắng ở Singapore, TS Doãn Trọng Hùng ở Đức... là những tên tuổi được nhiều quốc gia ghi nhận".

Thêm một lợi thế nữa là đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc thì “gọn nhẹ, sạch sẽ, không ô nhiễm môi trường, không tốn diện tích”.

Ông Hà thử so sánh: “Để sản xuất 100 loại thuốc theo phương pháp “thông thường”, một công ty dược phẩm cần mặt bằng 3ha trở lên. Thế nhưng sản xuất chừng ấy thuốc từ công nghệ tế bào gốc thì chỉ cần 0,5ha đất. Giá trị sản phẩm lại cao hơn rất nhiều, gấp hàng trăm lần”.

Ai sẽ cầm cờ?

Kỹ sư Đỗ Việt Hà (trái). Ảnh: Tư liệu
Vậy thì làm sao để biến tiềm năng thành hiện thực? Theo kỹ sư Đỗ Việt Hà, nếu chú trọng vấn đề này, thì đây lại là ngành có khả năng cạnh tranh quốc tế cao trong vòng 3-5 năm tới.

Thế nhưng, hiện nay, Nhà nước chưa xác định đây là ngành mũi nhọn, chưa có văn bản nào của Nhà nước chỉ đạo đầu tư tập trung cho ngành này và cũng chưa có luật!

Tuy Nhà nước đã đầu tư 40 tỷ đồng cho một phòng thí nghiệm tế bào gốc nhưng để phát triển công nghệ tế bào gốc của Việt Nam thành thương hiệu phải đầu tư hàng trăm triệu đô.

Đồng thời, hàng năm, Nhà nước lại còn phải có thêm kinh phí để ổn định và đảm bảo phát triển ngành này nhằm bắt kịp đà tiến của thế giới.

Ông Hà phàn nàn: “Chương trình đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ mỗi năm của nước mình làm chung chung... Chỉ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành sinh học nhưng chưa có ai học chuyên về tế bào gốc”.

“Nếu cứ như hiện nay, thì 5 năm nữa mình cũng như thế này... Như nước tương, nước mắm của mình, ngon đấy nhưng cả trăm năm rồi vẫn không thể thành thương hiệu quốc gia!".

Tóm lại, theo ông Hà, để phát triển công nghệ tế bào gốc của Việt Nam thành ngành mũi nhọn thì phải đầu tư. Thế nhưng, “Muốn đầu tư có hệ thống thì cần phải có người đứng cầm cờ...”, ông Hà nói.

Đó là vấn đề mà kỹ sư Đỗ Việt Hà, xuất thân từ ĐH Bách khoa TP.HCM, từng đảm trách Trung tâm Khoa học - Công nghệ Trẻ - Thành Đoàn TP.HCM và tham gia nhiều Hội đồng khoa học ở TP.HCM muốn đặt ra.

  • V. Giang

Ý kiến của Bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,