ĐH Y Hà Nội:
Nuôi cấy thành công bước đầu giác mạc từ tế bào gốc
Cập nhật lúc 16:28, Thứ Tư, 21/11/2007 (GMT+7)
(VietNamNet) - Ngày 20/11, PGS. BS Nguyễn Thị Bình - Phó trưởng bộ môn Mô - Phôi học, ĐH Y Hà Nội cho biết bộ môn đã nuôi cấy thành công tấm biểu mô giác mạc thỏ.
>>TP.HCM: Ca đầu tiên dùng tế bào gốc chữa bệnh mắt>>
>>Thiếu giác mạc: Không lo, đã có tế bào gốc!>>
Nuôi cấy giác mạc từ tế bào gốc trong phòng thí nghiệm bộ môn Mô - Phôi học, ĐH Y Hà Nội (Ảnh: Ng. Huyền) |
Đề tài này thuộc đề tài nhánh cấp Nhà nước "Nuôi cấy tế bào gốc" thuộc các lĩnh vực nghiên cứu tủy xương, tuỵ, phôi thai, giác mạc...
Đề tài bắt đầu triển khai từ tháng 1/7/2007 với kinh phí khoảng 500 triệu đồng. Đề tài được thực hiện trong ba năm và 5 bệnh nhân sẽ được điều trị.
Từ đó đến nay, bộ môn đă nuôi được 5 - 6 đợt với hàng chục mẫu tấm biểu mô giác mạc thỏ. Tuy nhiên, đã có 2 đợt nuôi tế bào vùng rìa giác mạc trên người đều không thành công.
Bộ môn đã tiến hành nuôi theo 2 cách: cách thứ nhất nuôi bằng mảnh vùng rìa giác mạc, cách thứ hai nuôi dịch treo (nạo tế bào vùng rìa sau đó đánh đều thành dịch treo tế bào). Cách nuôi dịch treo chưa thành công nhưng cách nuôi mảnh vùng rìa giác mạc bước đầu đã có thành công. Tấm biểu mô giác mạc nuôi cấy đạt yêu cầu của tấm biểu mô phẳng gồm 4 - 5 hàng tế bào.
Hiện bộ môn mới nuôi thành công trong phòng thí nghiệm, chưa cấy ghép lại trên mắt thỏ.
Yêu cầu tế bào được nuôi cấy là lấy đúng tế bào vùng rìa giác mạc trong vòng 30 - 60 phút để nuôi cấy. Giác mạc là vùng trong của mắt và hiện nguồn giác mạc dùng thay thế còn rất hiếm để thay thế giác mạc hỏng.
Tấm biểu mô giác mạc do bộ môn nuôi cấy được không thể thay thế hoàn toàn giác mạc mà chỉ được dùng thay thế tạm thời trong một khoảng thời gian tuỳ theo tình trạng của bệnh nhân.
Thời gian nuôi cấy tấm biểu mô giác mạc khoảng 14 ngày. Mới đầu các tế bào vùng rìa giác mạc chỉ mọc một lớp tế bào và sau đó các chuyên gia đã tạo tầng gồm 4 - 5 hàng tế bào. Kỹ thuật tạo tầng rất phức tạp và yêu cầu tấm biểu mô phải bằng phẳng.
Để nuôi các tế bào giác mạc, các chuyên gia đã phải tạo ra tấm màng ối để làm giá nuôi cấy các tế bào biểu mô. Để thực hiện đề tài này, bộ môn cần đến 300 tấm màng ối nhau thai và hơn 200 tấm biểu mô giác mạc thỏ. Dự kiến, sẽ cần đến 100 con thỏ cho nghiên cứu.
Trước khi thực hiện đề tài, bộ môn đã liên hệ với Trung tâm giác mạc - Bệnh viện Ichikawa, Nhật Bản để cử bác sĩ sang học tập kỹ thuật nuôi, cấy giác mạc.
Hiện nay còn một phương pháp tạo tấm biểu mô giác mạc nữa là nuôi niêm mạc miệng thuận tiện hơn nuôi vùng rìa. Sau khi nuôi cấy thành công các tế bào vùng rìa, bộ môn sẽ tiến hành nuôi các tế bào niêm mạc miệng.
Tuy nhiên, với nguồn kinh phí nói trên theo PGS. BS Bình "Chỉ đủ để nghiên cứu đề tài và mua hóa chất tiêu hao, phòng thí nghiệm và các trang thiết bị vẫn còn thiếu thốn và do các dự án trước đây tài trợ".
Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện Việt Nam có khoảng 300.000 người mù do bệnh lý giác mạc, trong đó có 100.000 người mù cả hai mắt. Những người này chỉ có thể nhìn lại được nếu họ được ghép giác mạc và nguồn giác mạc để ghép cho bệnh nhân còn rất hạn chế.
-
Ngọc Huyền
,