221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
530690
Bà Rịa-Vũng Tàu: Mai này, có còn suối khoáng nóng?
1
Article
null
Bà Rịa-Vũng Tàu: Mai này, có còn suối khoáng nóng?
,

(VietNamNet) - Cùng với việc phát triển kinh tế, nguồn tài nguyên khoáng sản giảm dần và bắt đầu cạn kiệt, môi trường ngày càng bị suy thoái trong khi chất thải sản xuất và sinh hoạt ngày càng tăng... Mảng màu thiếu lạc quan này đang là hiện thực tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT).

"Làm thịt"...

Soạn: AM 166473 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Đường vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu

Là rừng nhiệt đới duy nhất ở phía Nam, với diện tích 11.392ha, rừng Bình Châu-Phước Bửu (BC-PB) rất phong phú về tài nguyên sinh vật, có giá trị cao về đa dạng sinh học, được xếp vào rừng cấm quốc gia. Thế nhưng rừng này ngày càng bị co hẹp và chịu những sự tác động mạnh vào môi trường do nạn phá, lấn chiếm đất rừng, khai thác trái phép và các hoạt động du lịch. 

"Thay đổi nhiều lắm!" - Trần Trung, một tài xế xe ôm, sinh sống tại khu vực rừng nguyên sinh BC-PB từ năm 1975 nói to trong lúc chở phóng viên vào Khu Du lịch Suối nước nóng Bình Châu. Anh kể: Trước đây, khu này rất hoang vu, vắng vẻ, núi rừng rậm rạp và thú rừng còn "duyệt binh" hàng đàn. Dân cư rất thưa thớt, chủ yếu là người dân tộc và dân kinh tế mới. Suối nước nóng ngày xưa là một cái bàu trũng, bùn lún nên người dân sợ, không ai dám bén mảng đến gần.

Những năm 1990 trở lại đây, làn sóng di dân bắt đầu rùng rùng kéo đến, các cuộc lấn chiếm đất rừng diễn ra. Chặt phá rừng hoành hoành, đỉnh điểm là những năm 1994-1995, hàng đoàn người lén lút hoặc công khai "thảm sát" khu rừng. Đến nay, theo lời của ông Võ Văn Sung, giám đốc Khu bảo tồn BC-PB, việc lấn chiếm, phá rừng và hàng loạt những hành vi vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng đến nay đã giảm nhiều, nhưng... "anh em ở đây vẫn phải canh ngày, canh đêm". Thống kê mới nhất: Trong chín tháng đầu năm 2004, lấn chiếm đất rừng vẫn còn tái diễn với 20 vụ. 29 vụ "làm thịt" cây rừng với hàng chục ngàn khối gỗ được phát hiện lập biên bản. Gõ đỏ, cẩm lai, củ chi láng, sơn đào,... hàng loạt những cây rừng quý hiếm, có giá trị kinh tế cao được xếp vào nguy cơ bị đe dọa và tuyệt chủng tại đây.

Việc xâm hại này, theo ông Sung, cũng gây ảnh hưởng đến đa dạng tài nguyên sinh học. Bởi mất đi một loài là sẽ mất đi nhiều loài. Thực tế việc phá rừng đã ảnh hưởng đến cá thể loài của động vật và thực vật. Việc di dân, lấn chiếm đất không những làm thu hẹp diện tích rừng, mà nguy hiểm hơn là việc thải rác sinh hoạt vào Khu bảo tồn.

... và "phẫu thuật" nguyên sinh

Soạn: AM 166475 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Có còn cái vẻ hoang sơ?

Du lịch cũng làm thay đổi hình ảnh "nguyên sinh" tại vùng đất này. Khoảng đầu thập niên 1990, khi Công ty liên doanh Bình Châu (nay là Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn-Bình Châu - DL SG-BC) đến đây đánh thức một tiềm năng du lịch, trong đầu người dân vẫn còn hình ảnh con đường đất dẫn vào khu du lịch và những cây cầu bằng gỗ. Thế nhưng chỉ vài năm trở lại đây, khu vực nơi đây đã rộn rịp hơn, xe hơi các biển số lạ tấp nập đổ về đây trên con đường được trải nhựa láng...

Suối nước nóng Bình Châu cũng như các điểm du lịch kề cận bắt đầu cuộc "hiện đại hóa" tự nhiên. Những khu vực này được xây dựng kiên cố với những phòng nghỉ tiện nghi, những hội trường có sức chứa vài trăm chỗ. Lối đi lát gạch, những tượng đá được bố trí, cầu được bê tông hóa...Cây rừng bị đốn hạ, thay vào đó là những cây cảnh tốn kém, mà theo ông Sung, công tác quy hoạch hiện nay không chuẩn, dẫn đến người được cấp phép làm du lịch cứ việc đốn cây, người làm công tác bảo tồn cứ... lập biên bản.

Ông Trịnh Ngọc Việt, phó giám đốc Công ty DL SG-BC vui vẻ cho biết: Hàng năm, nơi này đón khoảng 400.000 lượt khách, có lúc cao điểm có đến 10.000 lượt khách/ngày. Tháng 8/2003, được Tổ chức Du lịch Thế giới công nhận là một trong 65 khu du lịch sinh thái bền vững của thế giới. Hiện đang chuẩn bị nâng cấp thành khu du lịch 4 sao... 

Thế nhưng, trong suy nghĩ của không ít người, du lịch sinh thái nơi đây đang mất dần ý nghĩa của nó. Bà Huỳnh Thị Minh Hằng, viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường (Đại học Quốc gia TP.HCM)  cho biết bà chưa cảm nhận được không khí du lịch sinh thái như những nơi khác trên thế giới. Lý do? "Người đi du lịch phải được học hỏi và hiểu biết thêm về môi trường sinh thái nhưng đồng thời phải có những hoạt động đóng góp phát triển lại. Người làm du lịch phải có kiến thức hiểu biết nhất định về lĩnh vực này để hướng dẫn du khách. Việc xây dựng không phá hủy, can thiệp quá mức vào môi trường." - bà Minh Hằng nói, và cho biết thêm: "Nhiều bạn bè sống ở nước ngoài về thăm Việt Nam, khi được gợi ý về Bình Châu để làm một chuyến du lịch sinh thái thì họ không thích, cho rằng... "cứng quá"!".

Soạn: AM 166477 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Một góc "tiểu Suối Tiên"

Đó là nhận xét của người phương xa. Còn dân địa phương? Anh Trương Quốc Phong, 24 tuổi, chân thành bộc lộ những suy nghĩ của mình: Chỉ những người dân ít đi đây đó mới cảm thấy choáng ngợp trước các công trình hiện đại tại nơi đây. Bản thân anh không thích cái những biến đổi như vậy. "Vì nó mất đi vẻ tự nhiên cần có, mà giống một Suối Tiên thu nhỏ. Ngoài ra, còn "xa lạ" với dân địa phương vì vé vô cổng tuy không là bao nhưng phải trả tiền cho các dịch vụ nhiều quá." - anh nói.

Hiện nay, ngoài hợp tác với các khu du lịch, Khu bảo tồn BC-PB đang kêu gọi đầu tư du lịch sinh thái. Hơn 20 đơn vị đăng kí, trong đó có năm dự án đầu tư đang được các cấp xem xét và phê duyệt. Trả lời cho sự lo ngại về việc tiếp tục "lột xác" nguyên sinh của các dự án này, giám đốc Sung trả lời chắc nịch: "Du lịch sinh thái đúng nghĩa cũng là một hoạt động bảo vệ rừng. Quy hoạch trong các dự án sẽ tôn trọng và phù hợp với hiện trạng của rừng. Ai không đồng ý thì thôi".

Hy vọng lời nói này sẽ là hiện thực!

Mai này, nước khoáng nóng có còn?

"Trữ lượng nước khoáng nóng tại khu suối nước khoáng nóng Bình Châu giảm 37,5%!". Đó là kết luận mới nhất của Liên đoàn Thủy văn Địa chất Công trình 707 (viết tắt là LĐ707) khi tiến hành điều tra đánh giá trữ lượng nước khoáng nóng Bắc Bình Châu theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh BR-VT để xây dựng một nhà điều dưỡng cán bộ.

Nằm giữa khu rừng nguyên sinh ven biển duy nhất còn lại của phía Nam, suối khoáng nóng Bình Châu được xem là quà tặng vô giá của thiên nhiên. Năm 1928, một bác sĩ Pháp tên Sallet đã phát hiện và giới thiệu trên bản tin Đông Dương với tên gọi là Mạch Cù Mi. Nguồn nước khoáng này có khoáng 70 mạch xuất lộ lớn nhỏ tự chảy trầm từ dưới lên tạo thành những dòng chảy theo hướng dốc tự nhiên của địa hình. Năm 1987, Viện An dưỡng và Vật lý Liệu pháp Trung ương Liên Xô (cũ) đã xác nhận có thể trị liệu bằng nước khoáng nóng và bùn khoáng Bình Châu đối với các bệnh về khớp xương, cơ bắp, phụ khoa, bệnh ngoài da, phù cổ trướng, nhiễm độc mạn tính với  khoảng 200-300 giường bệnh. Năm 1997, Công ty DL SG-BC chính thức được Bộ Công nghiệp cấp phép khai thác trong thời hạn mười năm.

Theo kỹ sư Hoàng Vượng, chủ nhiệm đề tài, giám đốc LĐ707, đây là trường hợp rất ít khi xảy ra đối với các mỏ nước khoáng nóng tại Việt Nam. So với trữ lượng được Hội đồng Trữ lượng Khoáng sản phê duyệt năm 1997 thì trữ lượng nước giảm 180m3/ngày!

Mặc dù hiện nay, Công ty DL SG-BC mới chỉ sử dụng 108m3/ngày, trong khi được phép khai thác tới 300m3/ngày. Vậy thì đâu là nguyên nhân? Kỹ sư Vượng giải thích: Do thảm thực vật xung quanh khu xuất lộ nước nóng đã bị thưa dần, khiến cho khả năng tiếp nhận, thẩm thấu nước mưa bổ sung cho lượng nước khoáng nóng giảm đáng kể. Hậu quả là nước khoáng càng "sánh" lại, nhiệt độ ngày càng tăng. Bên cạnh đó, quá trình lu lèn ngay trên các mạch lộ trong khi xây dựng các công trình, dù trên một diện tích không quá lớn nhưng đã làm cho một số dòng áp lực nước khoáng bị chèn ép, chảy ngầm dưới mặt đất mà không phun lên được. 

Tiếp nhận thông tin này, ông Phạm Hữu Vũ, phó giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh BR-VT cho biết: Việc xác định trên chưa đủ cơ sở, còn hơi vội vàng. Cần phải có một điều tra, đánh giá tổng thể hơn, mang cấp quốc gia. Mặc dù vậy, theo ông, đây cũng là một điều cần lưu ý, cân nhắc nếu có một đơn vị nào đó xin phép khai thác.

Soạn: AM 166481 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Nước khoáng nóng: Mai này có còn nếu khai thác quá mức?
Điều đáng quan tâm là trong giấy phép khai thác, Công ty DL SG-BC phải tiến hành các biện pháp bảo vệ và quan trắc động thái nguồn nước định kỳ. Thế nhưng mấy năm nay, công ty này hầu như không tiến hành gì ngoài việc báo cáo tình hình sử dụng tài nguyên. Vấn đề này, ông Vũ nói, sắp tới Sở tài nguyên-Môi trường sẽ có kế hoạch kiểm tra việc quan trắc tại đây một cách thường xuyên hơn. "Lâu nay chỉ nhắc nhở mà chưa "quán xuyến" hết do thiếu người, và kinh phí quản lý định kỳ hàng năm không đủ." - ông nói.

Hiện nay, ngoài Công ty DL BC-SG và Viện Điều dưỡng Cán bộ đang được quy hoạch, nhiều người, nhiều đơn vị đang lăm le muốn nhảy vào để khai thác tiềm năng quý giá này. Thế nên, dù kết quả khảo sát của LĐ707 còn gây "sự hoài nghi" và cần sự vào cuộc của các nhà khoa học nhưng viễn cảnh cạn mỏ nước khoáng là một điều tất yếu xảy ra nếu quy hoạch không tốt.

  • Minh Hương 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,