- Khi Khát vọng Thăng Long không còn phụ thuộc nhiều vào đời thực hay bị buộc vào chi tiết lịch sử, hy vọng nó sẽ bay bổng. Như danh xưng Thăng Long nghìn năm mà bộ phim mượn làm tựa.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Johnny Trí Nguyễn thích cảnh rượt đuổi bằng trâu
Cùng với người anh Charlie Nguyễn lo khâu kịch bản, Johnny Trí Nguyễn tham gia bộ phim Khát vọng Thăng Long với vai trò đạo diễn võ thuật.
Từng là diễn viên đóng thế trong nhiều bộ phim của Hollywood khi còn hành nghề ở Mỹ, về Việt Nam tham gia nhiều vai hành động, nhưng đứng ở vị trí hướng dẫn người khác... đánh đấm, Johnny Trí Nguyễn nói vẫn thấy khó khăn.
Rượt đuổi bằng trâu, một trong những cảnh hành động hấp dẫn của phim. |
Đạo diễn võ thuật Johnny Trí Nguyễn nói rằng chỉ đạo võ thuật cho phim lịch sử khó hơn rất nhiều lần so với những bộ phim có bối cảnh hiện đại.
Anh cho biết: "Các cảnh đánh đấm trong phim đều dùng các thế võ tay không hoặc dùng kiếm, cận chiến từ trên lưng ngựa, nên rất khác so với những màn hành động hiện đại. Chúng tôi phải nghiên cứu nhiều cách đánh, diễn viên cũng phải mất nhiều thời gian để tập luyện làm quen".
Phim lịch sử, kể câu chuyện về một thời tao loạn nên Khát vọng Thăng Long không thể thiếu những pha hành động, nếu không nói là khá nhiều cảnh đánh đấm để khán giả khỏi... buồn ngủ. Trách nhiệm đè nặng lên những người tổ chức và thực hiện những trường đoạn hấp dẫn này.
Nhưng chỉ với một số cảnh quay được tiết lộ trong một bộ phim có nhiều... bí mật từ khi bấm máy, Khát vọng Thăng Long cũng đã cho thấy phần nào sự chuyên nghiệp và sức thu hút của những màn hành động - điểm yếu kinh niên trong phim ảnh Việt Nam.
Đặc biệt, cảnh nhân vật Lý Công Uẩn thuở nhỏ cưỡi trâu rượt đuổi để lấy lại chiếc áo cho người bạn, là một trong những màn hấp dẫn nhất của bộ phim. Johnny Trí Nguyễn nói đây là cảnh hành động mà anh thích nhất trong phim này.
Đạo diễn võ thuật kể: "Trâu không quen bị cưỡi trên lưng, anh em đoàn phim cứ trèo lên lưng là bị trâu hất rớt xuống đất. Các diễn viên đóng thế phải tập cho trâu làm quen với việc bị cưỡi, sau đó các diễn viên nhí cũng phải tập cưỡi trâu, leo lên rớt xuống cả chục lần mới được".
Lưu Trọng Ninh: phim không nệ thực
Khát vọng Thăng Long là phim truyện nhựa duy nhất về đề tài vua Lý Công Uẩn công chiếu nhân đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vào tháng 10 tới. Áp lực bị công chúng và giới chuyên môn "ngắm nghía" do đó cũng tăng dần đều đến ngày ra mắt.
Lý Công Uẩn khi còn là Điện tiền chỉ huy sứ Cấm vệ quân, buồn vì cảnh loạn lạc, suy tàn, lên ngựa bỏ hoàng cung ra đi. |
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết: "Làm phim về nhân vật Lý Công Uẩn có cái khó là không thể làm xấu nhân vật chính diện, tức làm xấu hình ảnh Lý Công Uẩn để tạo kịch tính cho câu chuyện. Nên chúng tôi khai thác sâu vào con người Lý Công Uẩn, về chất nhân văn trong vị vua này".
Khác với một số bộ phim lịch sử, cổ trang khác gần đây kéo bầu đoàn sang Trung Quốc thuê bối cảnh xưa để ghi hình, Khát vọng Thăng Long quay toàn bộ ở trong nước. Tuy nhiên, cũng vì kiên quyết "không giống cảnh Trung Quốc" trong điều kiện chưa có trường quay, nên có những cảnh, đoàn phim phải quay ghép từ nhiều địa phương khác nhau.
Cũng cương quyết không để người xem ngờ ngợ rằng giống phim cổ trang Tàu, hoặc lòe loẹt kiểu sân khấu, phần trang phục cho các nhân vật trong phim được chăm chút rất kỹ. Tuy thừa nhận "không thể không thấy giống Trung Quốc", nhưng đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng đã chỉ đạo thiết kế phục trang làm khác ở chỗ "trang phục của chúng ta có màu trầm hơn, mỏng hơn và nhẹ nhàng hơn do môi trường sống, điều kiện khí hậu khác".
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh tỏ ra ít nhiều hài lòng với việc tạo hình nhân vật. Theo quan điểm của ông, nhân vật trong phim nghìn năm trước phải khác so với người hiện nay, có thể gầy hơn, da đen hơn. Theo hình dung của đạo diễn này, vua Lý Công Uẩn không đẹp, mà là người mạnh mẽ. "Phim ảnh cần nhân vật đẹp, nhưng cái hồn quan trọng hơn, nét xưa quan trọng hơn", đạo diễn khẳng định.
Khát vọng Thăng Long tải câu chuyện về một nhân vật có thật, với hành trình dài từ thuở thiếu thời đến khi thành hoàng đế với quyết định dời đô mang tính bước ngoặt lịch sử, nhưng đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết, chuyện phim không nệ thực.
Khi phim ảnh không còn phụ thuộc nhiều vào đời thực hay bị buộc vào chi tiết lịch sử, hy vọng nó sẽ bay bổng. Như danh xưng Thăng Long nghìn năm mà bộ phim mượn làm tựa.
-
V.Tiến