“Trước đây, thế giới hầu như biết rất ít về Phần Lan. Nhưng hơn 10 năm trở lại đây, cả thế giới đều biết và ngưỡng mộ Phần Lan bởi hai sự kiện chính; điện thoại Nokia và thành tích nổi bật trong giáo dục”.
Giờ học của HS Phần Lan
Ông Leo Pahkin, đại diện cho Bộ Giáo dục Phần Lan đã giới thiệu như vậy với đoàn cán bộ nghiên cứu của Bộ GD - ĐT Việt Nam trong chuyến công tác tới đất nước này.
Ông Pahkin chơi chữ: “về giáo dục, hiện nay chúng tôi đang đứng trên đỉnh thế giới” (top of the world), vì nhìn vào bản đồ thế giới, Phần Lan thuộc vùng đỉnh cực bắc địa cầu.
Là thành viên của Tổ chức kinh tế hợp tác và phát triển (OECD), từ khi có Chương trình đánh giá học sinh quốc tế ( PISA), cứ ba năm một lần, HS Phần Lan luôn dẫn đầu với số điểm cao nhất thế giới vào các năm 2000, 2003, 2006. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới về GD Đại học – Cao đẳng, Phần Lan xếp hạng thứ nhất về số lượng tốt nghiệp và chất lượng, xếp thứ hai về toán và giáo dục khoa học.
Giáo dục Phần Lan có được thành tích mà các nước có thu nhập bình quân lớn hơn như Mỹ, Thụy Sĩ, Áo, Đan Mạch, Ai-xơ len, Ý, Pháp, Bỉ, Nhật... phải kính nể.
Phần Lan trở thành nước đầu tư cho GD hiệu quả nhất. Với mức đầu tư 65.000 USD cho mỗi HS, nhưng điểm bình quân của Phần Lan tại các kì thi PISA là 563 còn HS Mỹ chỉ đạt 489 và Thụy Sĩ chỉ là 512 điểm. Trong khi đó, mức đầu tư của Mỹ là 92.000 USD và của Thụy Sĩ khoảng 95.000 USD cho mỗi HS.
GS.Aino Salilinen, Hiệu trưởng trường Đại học tổng hợp danh tiếng và lâu đời nhất Phần Lan- Jyvaskyla, nói: “tài nguyên đất nước chúng tôi rất nghèo, hầu như chỉ có rừng, nên chúng tôi phải đầu tư vào giáo dục và khoa học”.
Nghề dạy học được ưa chuộng
GD Phần Lan tạo ra cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi HS. Mạng lưới nhà trường rộng lớn và các dịch vụ không có bất kì một sự phân biệt nào. Giáo dục cơ bản là hoàn chỉnh và miễn phí.
Người đi học không phải trả tiền và trong suốt thời kỳ GD bắt buộc 9 năm, bắt đầu từ 7 tuổi, HS tiểu học và THCS tại các nhà trường địa phương được hưởng các bữa ăn miễn phí. Ngoài ra, HS còn được miễn phí sách, các tư liệu học tập và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Những HS đi học xa nhà (hơn 5 km) hoặc đường đi nguy hiểm thì được miễn phí tiền phương tiện...
Chỉ khi học trung học, HS mới phải mua SGK và tài liệu học tập trong một chừng mực nào đó.
Chính sách Giáo dục hỗn hợp của Phần Lan là GD cơ bản 9 năm cho tất cả mọi HS từ 7 đến 16 tuổi. Nhà trường không lựa chọn HS nhưng HS có thể lựa chọn trường cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mình. HS không phải thử thách trong các trường học.
Ngày 4/2/2009 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Phần Lan, mở đầu là buổi làm việc với Bộ Giáo dục Phần Lan, thăm, dự giờ và tìm hiểu cách giảng dạy và học tập của học sinh Phần Lan ở cấp tiểu học và trung học cơ sở (từ lớp 1 đến lớp 9). Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự giờ tin học của học sinh lớp 6- Ảnh: Từ Lương -Chinhphu.vn
Ở tất cả các cấp học, GV đều có chất lượng cao, nhiệt huyết và tận tâm. Bằng Thạc sĩ và chứng chỉ thực hành sư phạm là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các GV từ tiểu học đến THPT.
Nghề dạy học rất được ưa chuộng ở Phần Lan, vì thế các trường đại học tổng hợp có thể lựa chọn được rất nhiều những người tài năng và có động cơ rõ rệt. Dân số Phần Lan chỉ gần 5,2 triệu người, năm 2009 có 4000 hồ sơ nộp vào khoa sư phạm của các đại học tổng hợp, nhưng chỉ 6,5 % số đó được nhận vào để đào tạo trở thành GV.
Một điểm ưu việt khác là giúp đỡ đặc biệt về việc học tập và sức khỏe cho HS. Sự hướng dẫn của các nhà tư vấn sẽ giúp cho HS cấp THPT trong việc học tập và lựa chọn bậc học cao hơn.
Không "kiểm tra", "thanh tra", "kiểm định"...
Bên cạnh đó, chính sách GD của Phần Lan luôn khuyến khích, cổ vũ khi đánh giá và nhận xét kết quả học tập của HS.
Trong suốt năm đầu bậc tiểu học, sự phân loại chủ yếu bằng việc đánh giá hơn là xếp hạng chính thức. Bắt đầu xếp hạng theo số là do quyết định của địa phương nhà trường. Phần lớn HS các trường hỗn hợp có thể báo kết quả học tập 2 lần một năm: vào cuối mùa thu và mùa xuân.
Trong 7 năm đầu ở trường hỗn hợp (9 năm), báo cáo có thể chỉ là nhận xét miệng hoặc bằng số hoặc kết hợp cả hai cách. Đánh giá bằng số (thang từ 4-10) chỉ khi nhận xét trình độ HS trong mối liên hệ với mục tiêu của chương trình. Đánh giá bằng báo cáo trở thành cơ sở quan trọng chứ không phải chỉ có các kì thi.
Kiểm tra quốc gia, danh sách xếp loại nhà trường và hệ thống thanh tra, kiểm định GD không tồn tại. Vì tất cả dựa trên niềm tin, sự tôn trọng của cơ quan quản lí, cộng đồng đối với GV và lòng tự trọng của mỗi người dạy.
GD Phần Lan được đánh giá đúng trong một bối cảnh chính trị rộng lớn và đồng thuận về chính sách giáo dục.
Hệ thống GD mềm dẻo là cơ sở cho nguyên tắc “trung ương cầm lái- địa phương thực hiện”. "Cầm lái" là hướng dẫn theo luật và các tiêu chí, chương trình cốt lõi, kế hoạch của chính phủ và hướng dẫn thông tin. Các cơ quan GD tỉnh thành có nghĩa vụ đối với việc cung cấp và thi hành giáo dục. Nhà trường và các GV được hưởng quyền tự chủ rất cao.
Cùng với đó, sự tương tác và chung sức là nguyên tắc cho các hoạt động ở tất cả các cấp học. Hợp tác để phát triển GD giữa các cấp lãnh đạo khác nhau, giữa nhà trường và những người làm công tác xã hội. Lãnh đạo nhà trường hợp tác với tập thể GV; giữa hiệp hội các nhà giáo dục- sư phạm với ban lãnh đạo nhà trường. Đó là sự giúp đỡ mạnh mẽ cho sự phát triển.
Cũng như nhiều nền giáo dục tiên tiến khác, GD Phần Lan cũng luôn hướng vào người học.
Chính sách khoa học và giáo dục của Phần Lan nhấn mạnh tới chất lượng, hiệu quả, công bằng và quốc tế hóa. Điều đó đẩy mạnh tính cạnh tranh mạnh mẽ của đất nước này. Giáo dục và khoa học phát triển làm nền tảng cho kinh tế phát triển. Kinh tế phát triển tiếp tục làm cơ sở vững chắc cho văn hóa, xã hội Phần Lan ngày càng thịnh vượng.
Ở Phần Lan quyền lợi của GD và văn hóa được ghi trong Hiến pháp, bảo đảm tất cả mọi người dân được học xong GD bắt buộc và tự phát triển. Thậm chí, miễn phí ngay cả đối với giáo dục sau khi tốt nghiệp các trường đại học. Quốc hội đã thông qua luật GD, xác định rõ phương hướng cơ bản của chính sách GD và khoa học.
-
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam)
Viết từ Hensinki, 22/1/2010
Việt Nam sẽ chi gần 10 tỷ đồng để tham gia chương trình quốc tế đánh giá kết quả học tập của HS (PISA) vào năm 2012. Chương trình này được kỳ vọng sẽ “bắt mạch” nền giáo dục phổ thông, từ đó giúp hoạch định chính sách và chiến lược giáo dục Việt Nam. Chương trình sẽ triển khai vào năm 2010.
.PISA là chương trình đánh giá quy mô toàn cầu, tổ chức 3 năm một lần, nhằm đánh giá kiến thức và kỹ năng trong 3 lĩnh vực: đọc hiểu |