- Những năm gần đây, để tuyển đủ chỉ tiêu được giao, không ít trường sư phạm đã phải xét tuyển đợt 2, đợt 3 với những thí sinh không có nguyện vọng chọn nghề thầy ngay từ đầu. Không những thế, điểm trúng tuyển vào nhiều trường sư phạm địa phương có dấu hiệu liên tục giảm dần, hoặc tuyển ở mức điểm sàn hay "nhỉnh sàn" chút đỉnh.
Vớt trượt lần 1, lần 2
Theo số liệu của Bộ GD - ĐT, lượt hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) năm 2009 ở nhiều trường giảm, nhưng chỉ tiêu ở những "lò" đào tạo lại không hề giảm.
Nhiều học sinh sẽ không chọn học sư phạm?
Để tuyển đủ chỉ tiêu được giao, không ít trường sư phạm đã phải vớt trượt, xét tuyển đợt 2, đợt 3.
So với năm 2008, số hồ sơ ĐKDT vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2009 giảm 2.600 hồ sơ. Nhờ vậy, tỷ lệ "chọi" năm 2009 có giảm, 21.000 hồ sơ để lấy 2.500 chỉ tiêu.
"Lượng" giảm nhưng điểm chuẩn các ngành năm 2009 không cao, thậm chí một số ngành giảm so với năm trước. Cụ thế:
- Điểm chuẩn ngành Sư phạm Hóa (A) giảm 2,5 điểm so với năm 2008, còn 23 điểm.
- Ngành Sư phạm Sinh (B) giảm 3 điểm (từ 24,5 điểm năm 2008 xuống 20,5 điểm năm 2009).
- Ngành Sư phạm Lịch sử (D1,2,3) giảm 4 điểm (từ 20 điểm năm 2008 xuống 16 điểm năm 2009).
- Sư phạm Giáo dục tiểu học (D1,2,3) giảm 1,5 điểm (từ 19 điểm năm 2008 xuống 17,5 điểm năm 2009).
Mặc dù điểm chuẩn một số ngành giảm, năm 2009, trường phải tuyển sinh đợt 2 thêm 266 SV nguyện vọng 2.
4 điểm/môn vẫn là... thầy giáo tương lai
Năm 2009, "đầu vào" một số ngành sư phạm của Trường ĐH Đà Lạt cũng giảm đáng kể so với năm 2007. Cụ thể, ngành Sư phạm Toán (A) giảm 3 điểm (từ 19,5 điểm xuống 16,5 điểm); Sư phạm tiếng Anh (D1) giảm 0,5 điểm (từ 16,5 điểm xuống 16 điểm); Sư phạm Sinh học (B) giảm 3,5 điểm so với năm 2007, giảm 3 điểm so với năm 2008...
Đặc biệt, điểm "đầu vào" các ngành đào tạo sư phạm của Trường ĐH Tây Bắc năm 2009 thấp thê thảm. Ngành có điểm trúng tuyển 3 môn cao nhất là 16. Còn lại, chỉ dao động từ 13-15 điểm. Thậm chí, ngành Sư phạm Sinh học (B) tụt 4 điểm so với năm 2008 (từ 18 điểm xuống còn 14). Ngành Sư phạm mầm non, 3 môn chỉ cần 12,5 điểm là trúng tuyển.
Đại học Sư phạm Huế |
Trong thông báo toàn cảnh nguyện vọng 3 của Bộ GD-ĐT mùa tuyển sinh năm 2009 có sự góp mặt của nhiều trường sư phạm.
Trường Sư phạm kỹ thuật Nam Định tuyển 500 chỉ tiêu với điểm chuẩn KV3 chỉ là 13 điểm. Trường ĐH Thái Nguyên cũng tuyển thêm các ngành đào tạo giáo viên THCS trình độ ĐH với điểm chuẩn chỉ từ 13-17 điểm. Sư phạm Huế cũng phải tìm kiếm thêm nguồn từ NV3 cho một số ngành nghề với điểm chuẩn chỉ từ 13-16 điểm....
Tình trạng này cũng diễn ra chung đối với các trường CĐ Sư phạm của các tỉnh Hưng Yên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hà Tĩnh, Thái Nguyên.... Điểm chuẩn của xét tuyển NV3 của những trường này phần lớn dao động trong khoảng từ 10-13 điểm. Rất ít ngành xét tuyển điểm đầu vào từ 14 điểm trở lên.
Nghịch lý
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến năm học 2007 - 2008, cả nước có 1.055.078 nhà giáo; tăng 79.800 nhà giáo so với năm học 2004 - 2005. Trong đó, giáo viên mầm non là 172.978 người, vẫn thiếu so với quy định; Giáo viên tiểu học là 344.853 người, so với yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày thì số lượng này mới chỉ đáp ứng được 86% nhu cầu.
Ở cấp THCS, thống kê hết năm học 2007-2008 có 312.759 giáo viên. Tuy tỷ lệ giáo viên/ lớp là 1,96, vượt 0,06 so với định mức nhưng vì cơ cấu không đồng bộ nên vẫn thiếu giáo viên các môn tin, hóa, sinh, nhạc, công nghệ.
Tương tự, cấp THPT số giáo viên là 134.248, tỷ lệ giáo viên đứng lớp là 1,98, vẫn thấp so với định mức quy định là 2,25. Như vậy, nhìn một cách tổng thể, ngành GD-ĐT vẫn đang thiếu giáo viên.
Đầu năm học 2009-2010, nhiều địa phương phải đau đầu vì thiếu giáo viên. Tại TP.HCM, giáo viên mầm non phải đi dạy... tiểu học. Tại Hà Nội, vào năm học 2009-2010 phải cấp tốc tuyển thêm hàng trăm giáo viên....
Những nghịch lý ở chỗ, chỗ thiếu vẫn thiếu, chỗ thừa vẫn thừa. SV sư phạm ra trường không hề dễ để tìm được một chỗ dạy. Chị Phan Thị Liễu (Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu, Nghệ An) tốt nghiệp ĐH Sư phạm Huế, khoa Lịch sử loại khá từ năm 2008, nhưng đã gần 2 năm nay vẫn chưa thực hiện nổi ước mơ đứng lớp.
Ngoài một số chấp nhận rời xa quê hương, gia đình để lập nghiệp ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, còn rất nhiều SV sư phạm ra trường phải chuyển nghề. Chị Nguyễn Thị Thơm (Hàm Yên, Tuyên Quang) tốt nghiệp ĐH sư phạm Hà Nội khoa Văn năm 2004, sau thời gian dài vất vả xin việc ở Hà Nội không được, đành chuyển sang làm nhân viên tiếp thị bảo hiểm.
Chuyện SV sư phạm ra trường khó xin việc không còn là câu chuyện mới. Việc để được vào dạy một trường công lập phải có bao nhiêu tiền "lót tay", phải là “con ông, cháu cha” là câu chuyện0 mà ai cũng biết.
Thế nhưng, đầu vào thì vẫn cứ "phình" ra và không ít "lò sư phạm" chấp nhận đầu vào rất thấp.
Không là điểm đến của nhiều học sinh giỏi, thực trạng này có thể để lại hậu quả mà không chỉ một ngành phải gánh?
Điểm trúng tuyển thấp, nhưng chỉ tiêu của một số "lò sư phạm" vẫn tăng đều.
Cụ thể , Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 năm 2009 tăng thêm 100 chỉ tiêu so với năm 2008 (1.900); ĐH Tây Bắc tăng 300 chỉ tiêu (từ 1.600 chỉ tiêu năm 2008 lên 1.900 chỉ tiêu năm 2009); ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên tăng 200 chỉ tiêu (từ 2.000 chỉ tiêu năm 2008 lên 2.200 chỉ tiêu năm 2009); CĐ Sư phạm Hà Tây tăng 280 chỉ tiêu (từ 720 chỉ tiêu năm 2008 lên 1.000 chỉ tiêu năm 2009); CĐ Sư phạm Thừa Thiên Huế tăng 140 chỉ tiêu (từ 960 năm 2008 lên 1.100 chỉ tiêu năm 2009); CĐ Sư phạm Sơn La tăng 140 chỉ tiêu (từ 830 năm 2008 lên 970 năm 2009)... |
-
Kiều Oanh - Phan Phan