221
482
Vấn đề
vande
/giaoduc/vande/
916240
20.000 tiến sĩ - 1 bài báo: Thầy và trò!
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
20.000 tiến sĩ - 1 bài báo: Thầy và trò!
,

(VietNamNet) - Dự kiến đào tạo 20.000 tiến sĩ của Bộ GD-ĐT đã được VietNamNet đề cập trong các bài viết gần đây. Ngày 30/3, vấn đề này trở lại Quốc hội với một số chất vấn của đại biểu và giải trình của Bộ trường. GS Nguyen Tran (Viện Vật lý), gửi tới tòa soạn ý kiến từ "xuất phát  thực tiễn nhiều năm tham gia đào sau ĐH ở Viện và một số trường ĐH ở Hà Nội" của ông. VietNamNet giới thiệu như một tiếng nói của cá nhân người viết, trong quá trình mà Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện quy chế mới về đào tạo tiến sĩ cũng như thực hiện kế hoạch 20.000 TS.
 
Về con số 01 bài báo? 
 

Theo chúng tôi biết, không ở đâu có quy định “cứng” về số bài báo nhất thiết phải có đối với một luận án (LA) TS. Ngay ở nước có hệ thống đào tạo sau ĐH hàng đầu thế giới như Mỹ cũng không hề có một quy định như vậy. Lí do là ở sự đa dạng của chuyên ngành, sự khác nhau về tính chất đề tài. Với các chuyên ngành khoa học cơ bản, nhất là các đề tài lí thuyết, việc đăng bài có phần thuận hơn, dễ thực hiện hơn, thế mà cũng chưa có một quy định như vậy.

Lướt qua thư viện điện tử của vài trường bên Mỹ ta sẽ thấy ngay điều này. Nếu như LA “Interpolating perturbation scheme for correlated electron systems ” của Henrik Kajueter (Rutgers University, 1996) có tới 9 bài báo đăng trên các tạp chí hàng đầu, thì LA “Energy level statistics  of disordered quantum dots” của Chien-yu Tsau (University of Wisconsin-Madison, 2002) không có bài đăng nào.

Tình trạng tương tự cũng tìm thấy ở các nước khác. Trao đổi với các GS Mỹ về Vật lý, chúng tôi được biết là ở bên đó, trung bình một LATS Vật lý có khoảng 3 bài báo đã đăng hoặc được nhận đăng (ở Mỹ thì tạp chí quốc gia cũng là “quốc tế"). Ở ta. chúng tôi không rõ có chăng một thống kê chi tiết về “số bài báo / một LATS” cho từng ngành !?. Với một số ngành lí thuyết cơ bản, rất có thể con số này không  đến nỗi quá buồn.

Ở chỗ chúng tôi, mặc dù không có văn bản quy định nào, nhiều năm nay các thầy thống nhất với nhau là, một luận văn Thạc sĩ (chứ chưa phải Tiến sĩ) muốn nhận được điểm tối đa phải có ít nhất một bài báo đăng trên tạp chí quốc tế (TCQT).

Tôi biết, nhiều LATS có không ít hơn 3 bài báo đăng trên các TCQT có tín nhiệm. Nhưng, đó là chuyên ngành thuần túy lí thuyết cơ bản.

Với khoa học ứng dụng, việc đăng báo khó lắm. Một LA khoa học ứng dụng, về mặt “quốc tế “ có thể không có gì mới để mà “đăng báo”, nhưng lại có thể mang lại hiệu quả rất lớn về kinh tế, xã hội cho đất nước mình. Phải nói, làm ứng dụng (nghiêm) rất khó và không ai dám nói rằng một LA ứng dụng, mặc dù không thể đăng báo, là kém “khoa học” hay kém “thời sự”. Đó là chưa kể, có những kết quả nghiên cứu không nên, hoặc thậm chí không được phép đăng báo. Cho nên, không thể có một điều kiện “cứng” về số bài báo cho mọi ngành, mọi loại đề tài.
 
Vả lại, quản lí chất lượng LATS bằng số bài báo, cũng mới chỉ là quản lí cái ngọn. Chính thầy hướng dẫn (người quyết định việc LA được đưa ra bảo vệ) và hội đồng chấm LA (cũng gồm các thầy, quyết định việc trao học vị TS cho tác giả LA) mới là cái gốc của chất lượng. Muốn có trò giỏi thì trước hết thầy phải giỏi. Các thầy giỏi luôn ý thức cao về “thương hiệu” của mình và không thể cho ra lò các TS rởm. Cho nên,  muốn nâng cao chất lượng TS, trước hết phải chăm lo đến chất lượng của đội ngũ các thầy.

Thầy ngoại: Khó khả thi
 
Cho đến nay, bản thân tôi chưa cảm nhận thấy một tín hiệu nào về một chủ trương nhà nước nhằm cải thiện tình trạng đội ngũ thầy dạy ĐH và trên ĐH hiện rất thiếu và rất yếu.

Ý kiến về mời thầy ngoại thiếu cơ sở thực tiễn. Nếu có mời, chính chúng tôi mới biết nên mời ai. Tất nhiên, ta chỉ mời những người giỏi, đang làm việc hiệu quả, có khả năng tổ chức, hợp tác, có uy tín quốc tế cao.  Những người như vậy đang có chỗ làm việc tử tế, có vị trí xứng đáng. Ta có gì hấp dẫn đến mức để họ có thể từ bỏ tất cả những gì đang có, mang cả gia đình sang sinh sống, làm việc nhiều năm ở Việt Nam?

Đi thăm đâu đó ít ngày là chuyện nhỏ, nhưng đi làm việc thời gian dài ở nước ngoài là một việc không đơn giản.

Ngay nghèo như chúng tôi mà không phải ai cũng bứt nổi ra nước ngoài làm việc nhiều năm (mặc dù không thiếu mời chào).

Bản thân tôi có nhiều bạn đồng nghiệp thân ở nhiều nước, họ rất yêu Việt Nam và vui vẻ sang thăm chúng tôi một tuần, mươi ngày.  

Nhưng, tôi biết chắc là, nếu ngỏ lời mời họ sang Hà Nội làm việc một hoặc vài năm, thì sẽ không có một ai nhận lời. Một điểm quan trọng nữa, cứ cho là có người đồng ý, thì liệu họ có hoà nhập được?

 Nếu không, thất bại là đã rõ. Còn, đã hoà nhập rồi, thì vấn đề lại là liệu họ có còn làm việc hiệu quả hơn những người làm khoa học bản địa?

Và khi đó xuất hiện nghịch lý khó giải: vì sao ta có thể chi ra 10 để thuê một thầy ngoại, lại không thể chi 1 cho một thầy nội suốt đời gắn bó với đào tạo và khoa học trên quê hương mình và làm việc cũng không kém gì thầy ngoại?

Tiền chi cho người nước ngoài là đồng tiền mất hẳn, còn chi cho thầy trong nước là tiền đầu tư xuyên thế hệ. Ở Đài Loan, có rất nhiều nhà khoa học đến từ các nước khác nhau, nhưng ở đó, lương thầy  “ngoại” không hơn gì lương thầy “nội”.

Cũng nói thêm rằng, hiện chúng tôi thường xuyên mời khách nước ngoài không phải vì cần họ giúp về chuyên môn, cũng không phải mong họ cho cái gì, mà chủ yếu để tạo dựng quan hệ hợp tác. Qua đó, HS của chúng tôi có cơ hội đi tu nghiệp dài hạn ở các nước khoa học phát triển. Muốn vậy thì vị khách của chúng ta phải có vị trí vững chắc, đáng kính ở nước ngoài. Chứ, ông ấy lại sống ngay ở Hà Nội thì còn trông mong gì nữa!

Thầy ngoại người Việt?

Một nguồn bổ sung có thể khác cho đội ngũ thầy là các nhà khoa học người Việt đang làm việc ở nước ngoài. Với trào lưu du học như hiện nay, sắp tới số người này sẽ rất lớn. Vấn đề là làm thế nào để họ muốn về nước làm việc?

Những người Việt làm khoa học ở nước ngoài hiểu đúng đắn rằng, chúng tôi (những người đang sống bằng khoa học ở trong nước) chính là hình ảnh tương lại của họ, nếu họ về nước làm việc. Học trò cũ của tôi đang nhận 6 - 7 ngàn đô la Mỹ một tháng, về thăm quê thấy thầy giáo đầu đã bạc trắng, mặc dù đã ở tột đỉnh của học vị, học hàm và mặc dù vẫn làm việc 12 giờ một ngày, làm việc có hiệu quả, lương dù quy đổi kiểu gì cũng còn xa mới được 2 trăm đô la Mỹ một tháng. Thử hỏi, làm thế nào tôi có thể thuyết phục được anh ấy về nước làm việc. Để thu hút “chất xám” từ bên ngoài, cách đúng đắn và hiệu quả nhất là hãy chăm lo thật tốt “chất xám” đang có trong nhà. 
 

Nhân vật chính vẫn là NCS  
 
Dù sao nhân vật chính của câu chuyện vẫn là các NCS. Đội ngũ NCS quyết định số lượng và chất lượng của đội ngũ TS tương lai.

Theo chúng tôi, ngoài thầy giáo, có hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng của đội ngũ NCS hiện nay: một là, chất lượng đầu vào quá yếu (trừ rất ít ngoại lệ) và hai là tiền nhà nước đầu tư cho NCS quá thấp.

Khoảng 20 năm về trước, chỉ có những SV tốt nghiệp xuất sắc mới được tuyển chọn làm NCS. Và, một khi đã làm NCS, rất tự nhiên, ai cũng nghĩ, cái mình học cũng chính là cái nghề mà mình sẽ theo đuổi suốt đời, sẽ sống bằng nó. Bởi vậy, người ta cố gắng học thật, học nghiêm.

Ngày nay, có rất nhiều lí do để người ta làm NCS: vì chưa xin được việc tạm thời làm NCS, vì muốn làm đẹp hồ sơ cá nhân đặng củng cố công quyền, rồi ra còn lên cao hơn, vì muốn chuyển về Hà Nội, vì theo “quy hoạch cán bộ” v.v …Chỉ tiếc là trong rất nhiều lí do ấy hiếm khi gặp lí do thực sự yêu và muốn làm khoa học.
 
Về đầu tư, ở thời điểm hiện nay, nhà nước chi cho cơ sở đào tạo khoảng 5 triệu đồng cho 1 NCS trong 1 năm (trừ NCS tự túc). Với NCS tập trung thời hạn là 3 (+ 1) năm, vậy tổng đầu tư cho một TS vẻn vẹn chỉ 15-20 triệu đồng, khoảng 1 nghìn đô la Mỹ.

Nhà nước không cần biết NCS sống bằng gì! Các NCS tại chức có lương thì còn đỡ, các NCS trẻ học thẳng một mạch từ dưới lên [thường là các NCS giỏi hơn] thì chỉ còn cách tùy cơ ứng biến.

Tôi cũng không biết liệu còn nước nào như nước ta, hoàn toàn không có một chương trình học bổng cho NCS trong nước. Vì sao nhà nước sẵn sàng chi 600 đô la Mỹ một tháng cho một NCS học ở nước ngoài (dù là vẫn thấp), nhưng lại không thể chi một đồng nào cho các NCS, dù là  rất xuất sắc, ở trong nước?

Tôi biết một số NCS giỏi, mà nếu được nhà nước cho chỉ 100 đô la Mỹ một tháng thì họ sẽ làm việc 14 giờ một ngày, 7 ngày một tuần, và chắc chắn kết quả nghiên cứu của họ sẽ không thua kém gì NCS ở bất cứ nước nào.
 
Với những chính sách tuyển chọn, đầu tư và sử dụng như vậy, vai trò của thầy lại càng nặng nề hơn.
 
Trở lại với các con số …
 
Con số 20.000 (TS) nói về số lượng, còn con số 01 (bài báo) là ngụ ý chất lượng. Hai con số rất ấn tượng.

Tuy nhiên, với thực trạng đào tạo TS hiện nay, nếu không nhanh chóng có những quốc sách đúng đắn, mạng mẽ, thực sự vì sự nghiệp đào tạo cùng với những biện pháp thực hiện khoa học và hiệu qủa, thì các con số trên chỉ là những con số không có nội dung, vô trách nhiệm, hay cũng chỉ là một dạng của “bệnh thành tích” mà thôi.

Trong sản xuất, muốn tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm, thì trước hết phải đầu tư chiều sâu về công nghệ, thiết bị, về năng lực của người sản xuất, chứ không phải là việc nghĩ ra các con số hay các tiêu chí OTK.

Trong đào tạo TS cũng vậy, muốn có nhiều TS chất lượng cao thì trước hết phải đầu tư cho thầy, trò; đầu tư phương tiện học tập, nghiên cứu, và phải đầu tư cho chính người Việt, ngay trên đất Việt.

Còn, 01 hay mấy bài báo chỉ là một dạng OTK, nó không phải là cuốn sách hay cái máy tính, và càng không thể thay thế cho tiền lương của thầy hay học bổng của trò.

  • Nguyen Tran (IOP  &CDCA)
     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,