(VietNamNet) - Dự định đào tạo 20.000 tiến sĩ trong 10 năm của Bộ GD-ĐT đã gây những phản ứng khác nhau. Theo tính toán của GS Phạm Duy Hiển, chương trình này sẽ khả thi nếu làm ngay việc khởi động ngay một đề án 10 năm, nhằm nâng cấp, xây mới khoảng 200 bộ môn ở các trường ĐH đủ trang thiết bị hiện đại; hàng năm mời 200 chuyên gia nước ngoài đến làm việc. Để làm được, sẽ cần 125 triệu USD/năm.
Dưới đây, VietNamNet giới thiệu bài viết của GS Phạm Duy Hiển.
Trưng bày thành tựu đào tạo sau ĐH tại hội nghị tổng kết 30 bậc đào tạo này (tháng 1/2006). Ảnh: Lê Anh Dũng |
Trong cuộc đối thoại gần đây để tìm nguồn tài trợ quốc tế, Bộ GD-ĐT đã cưa đôi con số 20.000 (mỗi năm 2.000), gần một nửa (từ 800 đến 1.000 hàng năm) được đào tạo trong nước, số còn lại (1.000) gửi đi nước ngoài.
Bộ lại đặt ra yêu cầu mỗi TS trước khi trình luận án, phải gửi đăng một bài báo ở các tạp chí quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng chủ trương này rất khó khả thi. Khó thật, nhưng không vì khó mà nhân nhượng. Bởi bằng TS có thể "mua" được, nhưng không ai có thể "mua" các tạp chí khoa học có uy tín để đăng một bài báo mà các phản biện ẩn danh và toà soạn cho rằng thiếu chất lượng.
Còn về chuyện khả thi, ta hãy chịu khó tính toán.
Cần 500 thầy hướng dẫn
Muốn hàng năm cho ra lò khoảng 800-1.000 TS nội địa, cần có ít nhất 500 thầy hướng dẫn. Thầy phải làm gương, nghĩa là mỗi người thầy phải có thành tích từng sản sinh ra hàng năm ít nhất một bài báo trên các tạp chí quốc tế.
Hiện nay, có khoảng 7.000 tạp chí như vậy thuộc 21 ngành khoa học tự nhiên, xã hội, và nghệ thuật nhân văn được cập nhật trong cơ sở dữ liệu của Viện Thông tin Khoa học Mỹ ISI.
Vậy, chỉ riêng yêu cầu làm luận án TS để có đội ngũ giảng viên cho các trường ĐH, mỗi năm Việt Nam sẽ công bố ít nhất 500 bài báo quốc tế làm từ các cơ sở trong nước. Con số này quá lớn so với khả năng hiện nay.
Theo ISI, số bài báo quốc tế gửi đi từ địa chỉ Việt Nam trung bình trong mười năm qua là 80 bài/năm. Riêng năm 2006 là 72 bài. Số bài do hợp tác với nước ngoài thường gấp 4-5 lần, nhưng chủ yếu được thực hiện ở các nước tiên tiến.
Trong khi đó, một mình ĐH Chulalongkorn của người láng giềng Thái Lan, năm vừa qua, đã gửi đăng 332 bài làm ngay tại trường ĐH này hoặc hợp tác với các cơ sở khác trong nước mà không có đồng tác giả từ các cơ sở nước ngoài.
Trong mười năm gần đây, số bài báo quốc tế loại này của ĐH Chulalongkorn tăng trưởng ổn định với tốc độ 25%/năm, nên họ sẽ vựot con số 500 bài ngay trong năm 2008 sắp tới, mục tiêu mà các trường ĐH và viện nghiên cứu của cả nước ta đang phấn đấu.
Cứ phải lý giải tại sao ta lại tụt hậu xa như thế mới sớm nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Mà người Thái làm được, người Việt tại sao không?
Điểm qua các bài báo quốc tế làm tại Việt Nam, sẽ thấy tại các trường ĐH và Viện nghiên cứu của ta không quá 50 nhà khoa học từng chủ trì (correspongding author) nhiều hơn một bài báo quốc tế mỗi năm. Quá một nửa trong số này là những người làm Toán và Vật lý lý thuyết.
Số phòng thí nghiệm có trang thiết bị hiện đại từng độc lập sản sinh ra các bài báo quốc tế không quá 20 - 30. Trên thực tế, còn một số nhà khoa học và phòng thí nghiệm khác có tiềm năng công bố các bài báo quốc tế mà hiện đang còn "ở ẩn", hoặc sắp sửa buông tay gác kiếm. Nhưng nếu động viên hết, toàn bộ vẫn không quá 100 nhà khoa học và 50 phòng thí nghiệm. Nội lực của ta còn quá yếu!
Hai lối thoát
Vậy lối thoát duy nhất là du nhập khoa học. Ta vốn quen du nhập công nghệ, mà khoa học lại phải đi trước công nghệ. Một đất nước thiếu nền khoa học nghiêm chỉnh sẽ không thể có công nghệ, thậm chí là công nghệ ngoại nhập.
Khoa học của ta lại chỉ mới bắt đầu gần đây, sau thế giới ba bốn trăm năm, nên du nhập khoa học cũng là lẽ đương nhiên, cần được đặt ra như một chủ trương lớn của nhà nước. Mỗi năm gửi 1.000 giảng viên ĐH đi làm TS ở nước ngoài chính là một cách du nhập khoa học.
Con đường thứ hai, cơ bản hơn nhiều, là mời những chuyên gia có trình độ cao từ nước ngoài đến xây dựng, nâng cấp và hướng dẫn nghiên cứu khoa học tại các cơ sở trong nước, điều mà đây đó lâu nay đã tiến hành, nhưng chưa thành một chủ trương lớn của nhà nước.
Hiện nay, ta có một số phòng thí nghiệm được trang bị khá, có khả năng làm một số dịch vụ khoa học, nhưng chưa đồng bộ, chỉ mới khai thác một phần nhỏ công suất, và chưa sản sinh ra được những công trình nghiên cứu tầm quốc tế.
Xét cho cùng là do trình độ khoa học còn hạn chế, lại phải chạy theo các món mỳ ăn liền để giải quyết cuộc sống, để khẳng định vị thế và thương hiệu trong một môi trường khoa học tù mù, thiếu chuẩn mực. Vả lại, còn rất nhiều ngành KHCN ta chưa hề có cơ sở nghiên cứu và đầu đàn.
Cần đầu tư 125 triệu USD hàng năm
Do đó, cần khởi động ngay một đề án mười năm nhằm nâng cấp và xây dựng mới khoảng 200 bộ môn ở các trường ĐH đủ trang thiết bị hiện đại và hàng năm mời 200 chuyên gia nước ngoài đến làm việc.
Chi phí trung bình cho mỗi cơ sở vào khoảng 5 triệu USD, bao gồm đầu tư trang thiết bị và vận hành trong mười năm. Con số này có thể thăng giáng từ 2 triệu đến 20 triệu USD tuỳ trường hợp cụ thể, nhưng tổng kinh phí sẽ là 5 triệu USD x 200 = 1 tỷ USD, nghĩa là 100 triệu USD/năm.
Tính thêm chi phí hợp tác quốc tế và thuê chuyên gia, trong số này có những nhà khoa học gốc Việt đang sinh sống ở nước ngoài, sẽ lên đến 125 triệu USD/năm.
Thiết nghĩ, đây chính là nơi biến chủ trưng xem người Việt sinh sống ở nước ngoài như một bộ phận của Tổ quốc thành hiện thực (xét cả hai phía), chứ không phi chỉ mới là những lời hô hào chung chung như bấy lâu nay.
4 lý do khả thi
Thoạt nhìn con số 125 triệu USD/năm, chắc ai đó sẽ thốt lên: Sao mà tốn kém vậy! Nhưng bình tĩnh xem xét sẽ thấy, con số này rất mực phải chăng và khiêm tốn.
Thứ nhất, nên nhớ rằng kinh phí để đào tạo 1.000 TS ở nước ngoài cũng đã lên đến 70 triệu USD/năm mà tiền của đó không để lại một dấu vết nào ở trong nước.
Mặt khác, làm luận án TS mới chỉ là đi những bước chập chững đầu tiên trên con đường dấn thân vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học suốt đời.
Nếu mang những mảnh bằng TS về trình làng mà đất nước không tạo điều kiện để họ tiếp tục nghiên cứu khoa học, duy trì quan hệ quốc tế, trưởng thành lên theo chuyên ngành của mình để còn đào tạo ra những ê kip mới, thì chẳng khác nào đem toàn bộ tiền của đó đổ xuống sông xuống biển.
Đó là chưa kể, nói theo hình ảnh của Lỗ Tấn, có người nào đó cần tìm một hòn gạch để gõ cửa vào chốn quan trường, lọt vào cửa rồi quẳng nó đi, giữ làm gì.
Thứ hai, 125 triệu USD nói trên chưa bằng 1/4 kinh phí nhà nước rót cho KHCN trung bình hàng năm trong giai đoạn mười năm 2007-2016 theo như định mức 0,5% GDP được thực hiện trong mấy năm gần đây. Trên thực tế, nếu các chương trình và đề tài KHCN được thẩm định và nghiệm thu nghiêm túc thì khoản kinh phí nhà nước rót đều đều 0,5% GDP sẽ không thể sử dụng hết.
Thứ ba, nó vẫn rất khiêm tốn nếu so với chi phí sản sinh ra bài báo quốc tế ở các nước. Thật vậy, nếu cứ tạm xem toàn bộ 125 triệu USD/năm là khoản đầu tư R&D chỉ để sản sinh ra 500 bài báo quốc tế hàng năm, thì mỗi bài báo tốn mất 250 nghìn USD, khoản chi phí này vẫn thấp hơn Nhật 12 lần; Singapore 4,5 lần; Mỹ 4 lần; Hà Lan 2,6 lần (xem Bằng chứng và Lý giải, Phạm Duy Hiển, NXB Trẻ, 1/2007). Nếu lấy thời gian khấu hao không phải 10 năm như vừa tính, mà 20 năm thì mức chênh lệch sẽ còn tăng gần gấp đôi, và chi phí sản sinh ra bài báo quốc tế của ta sẽ bằng Trung Quốc. Xem ra, làm TS ở nước ta vẫn còn "rẻ" chán!
Thứ tư, ngoài nghiên cứu khoa học và đào tạo TS, các phòng thí nghiệm và bộ môn nói trên còn có nhiệm vụ giải quyết các yêu cầu của nền kinh tế, tạo ra tiềm lực công nghệ cho đất nước, nghĩa là sẽ làm ra tiền, mà chắc chắn sẽ có lãi.
Đương nhiên, toàn bộ chương trình quốc gia này chỉ đạt hiệu quả cao một khi được tính toán chu đáo, tối ưu, không lãng phí tham nhũng và trùng lặp. Ta đã có kinh nghiệm về nhiều bài học nhãn tiền như thế này rồi!
************
Tóm lại, chưong trình đào tạo 20.000 TS trong mười năm tới là khả thi. Nó sẽ tạo ra bước ngoặt thật sự cho sự phát triển kinh tế xã hội, đổi đời cho ĐH và khoa học, và tránh cho đất nước khỏi thảm hoạ chỉ biết bán sức lao động giản đơn và của cải cha ông để lại để trở thành một thị trường béo bở cho nước ngoài tiêu thụ hàng hoá của họ.
Thành tích của chương trình đào tạo 20.000 TS không phải là những mảnh bằng cùng với cân đai áo mão mà các ông nghè mang ra trình làng. Có mảnh bằng mà thiếu mảnh đất làm khoa học, thiếu niềm đam mê, thiếu những cơ sở nghiên cứu tầm quốc tế ở các trường đại học thì … Ta vẫn cứ là Ta!
-
GS Phạm Duy Hiển
*****************
Josie Nguyễn, ngviet@hotmail.com
Tôi không biết chúng ta đã có số liệu gì về số GS hiện nay: Bao nhiêu GS có công bố khoa học trên các tạp chí khoa học thế giới trong 7 năm qua (2000-2006)? (lưư ý là phải tuyệt đối loại trừ các báo cáo tại các hội nghị khoa học, chỉ nên tính những bài đã được công nhận trên các tạp chí); Tính riêng những người có công bố khoa học, bình quân mỗi người có bao nhiêu công trình? Chỉ trên cơ sở có số liệu cụ thể như vậy, chúng ta mới biết những lập luận của GS Hiển có khả thi hay không.
Dương Trung Quốc, Khu kinh tế mở
Xin chân thành cảm ơn GS Phạm Duy Hiển đã có bài báo rất hay. Tôi thiết nghĩ Việt
Một bạn đọc, Hà Nội
Những năm trước đây, chúng ta có kế hoạch 1 triệu tấn đường, 20 triệu tấn gạo,… Chúng ta vẫn còn mang nặng tư tưởng kế hoạch hoá tập trung và duy ý chí. Những ý tưởng như thế từ xưa đến nay đều dẫn đến bệnh thành tích, lãng phí tiền của và đồng thời dẫn đến thói quen nói dối. Chúng ta nên bớt chú ý đến số lượng và xây dựng kế hoạch trên cơ sở thực tế.
Tran Hoa Binh, TT Đào tạo bồi dưỡng Tại chức Quảng Ninh, tranhoabinhbc@gmail.com
Nhà nước hãy ủng hộ giải pháp của GS Phạm Duy Hiển. Đây là một giải pháp hiện thực và kinh tế. Việt
Ý kiến của bạn: