(VietNamNet) - Công cuộc Đổi mới bắt đầu bằng yêu cầu “đổi mới tư duy”. Lẽ ra, giáo dục phải là người dẫn đường thì dường như nó lẽo đẽo bị cuốn theo... Phải chăng, vì giáo dục chưa có một triết lý phù hợp với nhu cầu đổi mới và hội nhập hay vì nó đã xa rời cái triết lý đã từng khởi động công cuộc Duy Tân cách đây một thế kỷ?
Ông Dương Trung Quốc đặt giả thiết về triết lý giáo dục "thực học thực nghiệp" nhân 100 năm Phong trào Đông kinh nghĩa thục. Dưới đây là bài viết của ông.
Đầu thế kỷ XX. Nền giáo dục truyền thống trên nền tảng chữ Hán và hệ thống giá trị Trung Hoa từng tồn tại hàng ngàn năm từng bước mất vị trí và được thay thế với nền giáo dục bằng chữ quốc ngữ, chịu ảnh hưởng của nền giáo dục phương Tây và theo xu hướng quốc tế hoá. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Vào thời điểm này, một người lạc quan nhất cũng nhận thấy rằng nền giáo dục đang đứng trước những vấn đề nghiêm trọng.
Sự nghiêm trọng đó không chỉ thể hiện qua những hiện tượng tiêu cực mà quan trọng hơn là nhận ra sự không thích ứng được với những chuyển đổi to lớn của nền kinh tế - xã hội của đất nước, không đáp được những nhu cầu nhân lực ngày càng cao. Dễ thấy nhất là chưa thích ứng với kinh tế thị trường.
Bộ trưởng GD-ĐT mới đã xắn tay vào cuộc khá quyết liệt, đi rất nhiều, ra không ít quyết định, có những tuyên bố mạnh mẽ và thẳng thắn.
Tuy nhiên, những giải pháp đưa ra dường như nhằm vào việc khắc phục từng vụ việc cùng với những dự định có phần quyết liệt và mới mẻ mà người ta chưa nhận ra được một cái gì cần hơn là những giải pháp cụ thể. Có những giải pháp với các mục tiêu được định lượng thời gian (vài năm tới sẽ áp dụng ngay việc chỉ thi tốt nghiệp phổ thông làm cơ sở tuyển chọn ĐH, hay cũng chỉ trong vài năm nữa những người đứng trên bục giảng ĐH phải là tiến sĩ...) khiến nhiều người cảm thấy... không tưởng.
Cảm nhận về sự không tưởng ấy là căn cứ vào những vấn nạn của ngành giáo dục đã có từ bao lâu nay mà Bộ truởng chỉ là người kế thừa. Nhưng nó có thể trở nên hiện thực nếu như ông có một cái gì chiến lược hơn làm cơ sở cho những giải pháp cụ thể, điều thường gọi là “triết lý”.
Chợt nhớ tới một đề án mới đây được một nhóm các nhà khoa học Việt kiều công bố có nhan đề “Sử dụng trí thức Việt kiều để xây dựng giáo dục ĐH chất lượng cao tại Việt Nam”. Trong lời nói đầu, các tác giả băn khoăn “Cái khâu xích cốt yếu nhất là triết lý giáo dục lại vẫn chưa được đề cập tới, vì những lý do chính trị mà… một thành viên ban nghiên cứu Chính phủ (nay đã giải thể) đã nói thẳng trên mặt báo là “tế nhị”, và phải chăng vì thế mà việc xây dựng ĐH chất lượng cao mới chỉ chú đến các ngành khoa học kỹ thuật và công nghệ (?).
Sự băn khoăn của mấy vị giáo sư Việt kiều, theo tôi, là rất trúng. Chúng ta đang thiếu một triết lý cho nền giáo dục, chúng ta đang cố gắng bảo tồn những giá trị dường như đã lỗi thời so với thực tiễn, mà VietNamNet có bài viết rút "tít" là "Giáo dục: ốc đảo giữa thị trường?”.
Công cuộc đổi mới chứa đựng nội hàm quan trọng là xác lập lại đồng thời thúc đẩy nền kinh tế thị trường và gia nhập WTO.
Để tìm triết lý của giáo dục thời nay, cần có một cái nhìn dài cả về quá khứ và tương lai.
Nhìn lại
Nền giáo dục hiện nay kế thừa và chuyển biến của một nền giáo dục bằng chữ quốc ngữ, chịu ảnh hưởng của nền giáo dục phương Tây và theo xu hướng quốc tế hoá.
Dựa vào những tiêu chí ấy, dễ dàng nhận ra một bước chuyển đổi rất cơ bản diễn ra ở đầu thế kỷ XX. Nền giáo dục truyền thống trên nền tảng chữ Hán và hệ thống giá trị Trung Hoa từng tồn tại hàng ngàn năm từng bước mất vị trí và được thay thế, trong bối cảnh thuộc địa của nước Pháp, đương nhiên là một nền giáo dục thực dân.
Đó là một nền giáo dục hướng tới những lợi ích thực dân nhưng lại trên nền tảng văn minh phương Tây với việc sử dụng tiếng Pháp và chữ viết La-tinh, trong đó có chữ quốc ngữ. Nền giáo dục này ban đầu được thực hiện như một sự cưỡng bức của chế độ thuộc địa. Nhưng dần dần được một bộ phận cấp tiến trong tầng lớp trí thức Việt Nam chấp nhận và coi đó như một phương thức để “giã từ quá khứ”, từ bỏ những “giá trị Trung Hoa” để hội nhập với thế giới phương Tây và “thế giới ngoài Trung Hoa”.
Đó chính là nền tảng văn hoá của Phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX (cùng với nền tảng chính trị là cuộc vận động giải phóng dân tộc). Bên cạnh hệ thống nhà trường của nền giáo dục thuộc địa, phong trào lập “nghĩa thục”, đã tạo nên một cuộc ”cải cách giáo dục” tận gốc (ngôn ngữ, chương trình, phương pháp, sách giáo khoa…). Điều này tạo nên bước chuyển đổi về chất rất căn bản, một bước ngoặt thực sự.
Khi đó, không phải không có sự phản kháng gần như theo bản năng trên phương diện giáo dục gắn với sự phản kháng về mặt chính trị của các lực lượng muốn nhân danh nền văn hoá dân tộc chống lại nền giáo dục mới.
Cái triết lý của chủ nghĩa thực dân là “khai hoá để khai thác” thuộc địa đã thức đẩy sự đầu tư mạnh mẽ và có định hướng rõ rệt trong quá trình hình thành nền giáo dục thuộc địa. Hệ thống giáo dục từ đồng ấu đến ĐH hình thành cùng với sự bãi bỏ từng bước nền giáo dục, thi cử và tuyển dụng truyền thống. Với triết lý ấy, phải thấy rằng, chế độ thuộc địa đã phần nào thành công sau nửa thế kỷ với nhiều bước cải cách giáo dục luôn gắn kết với chính sách khai thác thuộc địa một cách có bài bản.
Nhưng còn một dòng khác đồng thời hình thành với nền giáo dục thuộc địa, đó là cuộc vận động Duy Tân trên phương diện giáo dục.
Nếu như với chế độ thực dân, sự thay đổi nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với những giá trị Trung Hoa để độc quyền thống trị và khai thác thuộc địa, thì với cuộc vận động Đổi mới (Duy Tân), mục tiêu là để trang bị cho dân tộc sức mạnh để tồn tại và phát triển trong bối cảnh bị ngoại bang đô hộ và thuận theo trào lưu của thời đại.
Nói cách khác, là thực hiện một cuộc hội nhập với những tư tưởng tiên tiến của phương Tây để thoát khỏi sự ám ảnh của những “giá trị Trung Hoa” từng ngự trị hàng thiên niên kỷ, nay đã lỗi thời. Cuộc vận đông Duy Tân ấy phù hợp với quan hệ biện chứng của ba nguyên lý chính trị: khai dân trí - chấn dân khí - hậu dân sinh.
Điều đó giải thích vì sao giáo dục trở thành đột phá khẩu cho cuộc vận động Duy Tân. Những nghĩa thục đầu tiên xuất hiện như những hiện tượng khởi đầu cho cuộc vận động, vào năm 1904 và đạt tới đỉnh cao vào năm 1907 với Phong trào Đông kinh nghĩa thục, cách nay đúng 100 năm.
Cái triết lý của cuộc vận động nghĩa thục là “thực học và thực nghiệp”. Điều này chỉ đạo cho sự chọn lựa, trước tiên là những giá trị, tiếp đó là phương thức vận hành và cuối cùng là mục tiêu của nền giáo dục. Toàn bộ những giá trị cũ, trong đó có cả những giá trị từng mang lại sức mạnh, nền văn hiến của dân tộc, những giá trị mới được hình thành trên cơ sở trả lời những câu hỏi “học cái gì, làm cái gì và để làm gì ?”…Thực tế đã cho thấy một quan niệm giáo dục mới được hình thành với việc gạt bỏ nhiều giá trị Trung Hoa, tiếp nhận những giá trị phương Tây: bỏ làm quan để đi buôn, làm kinh doanh lập hội buôn v.v…
Phong trào nghĩa thục chỉ tồn tại không lâu vì thực dân nhận ra đằng sau cái học ấy, cái triết lý ấy là ý thức dân tộc và phong trào giải phóng dân tộc.
Thực dân đàn áp khốc liệt nhưng tư tưởng duy tân trong giáo dục vẫn tồn tại từ phong trào Truyền bá Quốc ngữ (1938) cho đến Cương lĩnh Việt Minh (1941), Đề cương Văn hoá (1943)… và sự ra đời của nền giáo dục quốc dân dân chủ cộng hoà 1945…
Nguyên lý “thực học và thực nghiệp” còn tiếp tục được phát huy qua kháng chiến kiến quốc… nhưng cũng dần từng bước, cùng với xu thế quan liêu hoá và bao cấp, đã cứng bởi những giáo điều trong ngành giáo dục. Các cố gắng cải cách tiến hành trong suốt nhiều thập kỷ qua không những không khắc phục được sự xơ cứng ấy mà ngày một sa vào xu hướng thực dụng quan liêu và xa rời triết lý “thực học và thực nghiệp”.
Triết lý nào?
Công cuộc Đổi mới khởi đầu cách đây hai thập kỷ cũng bắt đầu bằng yêu cầu “đổi mới tư duy”. Lẽ ra, giáo dục phải là người dẫn đường thì thực tế dường như nó lẽo đẽo bị cuốn theo. Lẽ ra, nó phải trở thành động lực của đổi mới và hội nhập thì dường như nó lại không đáp ứng được với nhu cầu cung cấp nhân lực cho những mục tiêu quan trọng này…
Phải chăng vì giáo dục chưa có một triết lý phù hợp với nhu cầu đổi mới và hội nhập hay phải chăng vì nó đã xa rời cái triết lý đã từng khởi động công cuộc Duy Tân cách đây một thế kỷ “thực học và thực nghiệp” (!?).
Trên đây chỉ là một gợi ý (giả thiết), kỷ niệm 100 năm Phong trào Đông kinh nghĩa thục (1907-2007). Chúng ta hãy trao đổi để tìm ra triết lý cho ngành giáo dục tiếp tục đổi mới và hội nhập thực sự là gì?
-
Dương Trung Quốc
Tháng 10/2007, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị "triết lý giáo dục". Quý độc giả có đóng góp ý tưởng gì cho nôi dung này, thư xin gửi về: lthanh@vasc.com.vn hoặc theo mẫu dưới đây: